4.403 giáo viên Hà Nội tiếp tục kiến nghị vụ thăng hạng chức danh nghề nghiệp

Tào Nga Chủ nhật, ngày 10/09/2023 14:06 PM (GMT+7)
Hàng nghìn giáo viên bị loại hồ sơ vì chưa đủ thâm niên 9 năm đại học đã tiếp tục gửi đơn kiến nghị và mong muốn bỏ thi, thay bằng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Bình luận 0

Hàng nghìn giáo viên Hà Nội tiếp tục kiến nghị thăng hạng chức danh nghề nghiệp

Mới đây, 4.403 giáo viên thuộc nhiều cấp học trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục kiến nghị về hồ sơ dự thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ hạng III lên hạng II.

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, đại diện nhóm giáo viên cho biết, có 2 nội dung gửi đến Sở GDĐT Hà Nội và Sở Nội vụ Hà Nội. 

Cụ thể, sau khi Sở Nội vụ có công văn 1783/SNV-CCVC, hàng ngàn giáo viên trên địa bàn thành phố đã làm hồ sơ dự thăng hạng trong tâm trạng hân hoan, phấn khởi. Tuy nhiên, cuối tháng 7/2023, hàng trăm hồ sơ bị các phòng nội vụ trả về với lý do: chưa có bằng đại học đủ 9 năm.

"Chúng tôi thực sự sốc và bắt đầu tìm hiểu các văn bản (nghị định, thông tư) có liên quan thì nhận thấy việc trả lại hồ sơ của các Phòng Nội vụ là không đúng với chủ trương, văn bản của chính phủ và Bộ GDĐT đã ban hành. Việc này vô tình đã tước đoạt quyền và lợi ích chính đáng của chúng tôi. Chúng tôi kiến nghị Giám đốc sở GDĐT thành phố Hà Nội có những chỉ đạo, điều chỉnh kịp thời đến các đơn vị trực thuộc thực hiện đúng chủ trưởng, quy định của lãnh đạo cấp trên để quyền lợi của giáo viên Hà Nội được nghiêm túc đảm bảo", đại diện nhóm cho hay.

Bên cạnh đó, nhóm giáo viên tiếp tục kiến nghị bỏ thi, thực hiện xét thăng hạng đối với giáo viên. Ngày 11/8, Văn phòng chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đồng ý về nguyên tắc việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiêp viên chức. 

Trước đó, ngày 13/6, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thông tin thời gian tới sẽ bỏ thi và chỉ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức để trả lương theo vị trí việc làm.

4.403 giáo viên Hà Nội tiếp tục kiến nghị vụ thăng hạng chức danh nghề nghiệp vì... "hiểu sai Thông tư"? - Ảnh 1.

Cô Vũ Thị Hiền, giáo viên Trường THCS Đồng Tháp, huyện Đan Phượng, Hà Nội trong tiết dạy. Ảnh: NVCC

Gần đây, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã phát biểu: "Bộ GDĐT đề nghị địa phương căn cứ tình hình thực tiễn cân nhắc, lựa chọn hình thức phù hợp để tổ chức thăng hạng giáo viên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ và bảo đảm xác định được những giáo viên thực sự xứng đáng để thăng hạng"…

"Hơn 4.000 giáo viên thuộc nhiều cấp học trên địa bàn thành phố đang làm hồ sơ thăng hạng đợt này đã nhiều lần gửi tâm thư với mong muốn được xét thay cho thi thăng hạng. Chúng tôi cũng đã trình bày những ưu điểm, mặt tích cực của hình thức xét và cũng đã tha thiết bày tỏ mong muốn được xét thay cho thi", đại diện nhóm cho biết.

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, cô Lưu Thị Nguyệt Anh, giáo viên Trường Tiểu Học Cự Khối, quận Long Biên, Hà Nội cho biết: "Bản thân tôi công tác trong ngày gần 20 năm, đạt nhiều thành tích cao. Tuy nhiên, khi chuyển hạng IV lên III đã chịu rất nhiều thiệt thòi và lương giờ chỉ bằng, thậm chí không bằng các bạn vào sau nhiều năm, không có thành tích và không nâng lương sớm. Khi nghe tin có đợt thăng hạng giáo viên lần này, tôi rất vui nhưng rồi cuối cùng hồ sơ tôi bị loại vì không đủ bằng đại học 9 năm".

Chung quan điểm, cô Nguyễn Thị Tuyết, giáo viên Trường THCS Tản Đà, huyện Ba Vì, Hà Nội bày tỏ: "Mong Sở GDĐ Hà Nội và Sở Nội vụ Hà Nội xem xét, ý kiến tiếp tục thu bổ sung hồ sơ thăng hạng III lên hạng II cho những đối tượng đã đủ điều kiện nhưng do tháng 8 vừa qua đã hiểu sai Thông tư 08 (yêu cầu bằng đại học 9 năm) không được nhận. Việc hiểu sai Thông tư đã gây thiệt thòi cho nhiều giáo viên". 

Cô Hà Thị Thanh Huyền, giáo viên Trường Tiểu học Lê Lợi, Hà Nội nói: "Tôi có bằng Cao đẳng Tiểu học chính quy từ năm 2001, đóng bảo hiểm năm 2006, bằng đại học ngành Giáo dục Tiểu học từ đầu năm 2019, bằng Thạc sĩ Quản lý giáo dục năm 2022. 

Dù bằng cấp và thâm niên trong nghề quá dày dặn nhưng tôi bị loại hồ sơ thăng hạng II mà hiện vẫn đang hưởng hạng III... Tôi cảm thấy rất buồn tủi và thiệt thòi với những nỗ lực và cống hiến của mình. Tôi rất mong được nộp hồ sơ để xét thăng hạng lần này và đề nghị các cấp quan tâm xét cho giáo viên chúng tôi được hưởng đúng quyền lợi để chúng tôi yên tâm công tác".

4.403 giáo viên Hà Nội tiếp tục kiến nghị vụ thăng hạng chức danh nghề nghiệp vì... "hiểu sai Thông tư"? - Ảnh 2.

Nhiều giáo viên có bằng đại học mong được bổ sung hồ sơ thăng hạng. Ảnh minh họa: Cô Bùi Thị Tuyên, giáo viên Trường THCS Phượng Các

"Bỏ thi sẽ tiết kiệm nhiều chi phí cho xã hội"

Chiều 9/9, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, ông Vũ Đăng Minh, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Nội vụ thông tin về vấn đề bỏ thi thăng hạng viên chức.

Ông Vũ Đăng Minh cho biết, việc thi nâng ngạch công chức và thăng hạng chức danh nghề nghiệp được thực hiện từ khi có Pháp lệnh Cán bộ, công chức (năm 1998). Tuy nhiên, quá trình thi thấy có nhiều khó khăn, dù đã phân cấp nhưng các bộ, ngành, địa phương vẫn chưa ban hành thông tư (chỉ một vài bộ ban hành) nên khó tiến hành.

Bên cạnh đó, người phát ngôn Bộ Nội vụ đánh giá việc thi còn hình thức, không phản ánh được thực chất. Số lượng viên chức rất lớn (gần 2 triệu người) nên việc thi gặp nhiều khó khăn. Không chỉ vậy, người thi phải có chứng chỉ chuyên ngành, đây chính là hạn chế, rào cản.

"Quá trình thi rất tốn kém, rất nhiều loại chi phí cho ban tổ chức. Thí sinh cũng phải bỏ thời gian ôn thi, đi lại rất tốn kém, chi phí xã hội rất lớn. Nếu chúng ta bỏ thi sẽ tiết kiệm nhiều chi phí cho xã hội", ông Minh nói.

Ông Minh cho hay, theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ Nội vụ đã lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương về việc bỏ thi thăng hạng viên chức. "Kết quả hiện nay, có 94/95 các bộ, ngành, địa phương, cũng như các đơn vị trực tiếp sử dụng viên chức đồng ý với việc bỏ thi", người phát ngôn Bộ Nội vụ thông tin.

Cũng tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, bất cứ nghề nghiệp gì, cán bộ công chức, viên chức, người lao động đều mong muốn thăng tiến trong nghề nghiệp. Ai cũng muốn có cơ hội thăng tiến theo năng lực chuyên môn của mình.

Đối với hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp, Thứ trưởng nhìn nhận, đã thi thì giáo viên phải học, ôn và chuẩn bị nội dung kiến thức; trong khi công việc giảng dạy vẫn phải đảm bảo. Điều đó khiến giáo viên mất nhiều thời gian, công sức…

Còn nếu thực hiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp thì có những mặt tích cực hơn. Thay vì đánh giá qua bài thi, khi xét sẽ có hội đồng đánh giá. Việc đánh giá, nhận xét sẽ dựa trên quá trình công tác của giáo viên. Việc này sẽ đảm bảo tính công bằng, minh bạch và chính xác hơn. Khi đó sẽ tạo động lực để giáo viên cống hiến, gắn bó với nghề và góp phần hạn chế tình trạng giáo viên nghỉ việc, bỏ việc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem