80.000 tấn cam sành Vĩnh Long cần tiêu thụ

Huỳnh Xây Thứ ba, ngày 14/02/2023 15:53 PM (GMT+7)
Theo lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long, số lượng cam sành Vĩnh Long cần tiêu thụ hiện nay là 80.000 tấn. Do giá cam sành giảm mạnh chưa từng có nên tình hình tiêu thụ chậm, bị tồn đọng khiến người dân thua lỗ.
Bình luận 0

80.000 tấn cam sành Vĩnh Long cần tiêu thụ

Liên quan đến việc giá cam sành giảm mạnh chưa từng có, hôm nay 14/2, trao đổi với phóng viên Báo Dân Việt, ông Nguyễn Văn Liêm - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết, huyện Trà Ôn đang bị tồn đọng khoảng 60.000 tấn cam sành, huyện Tam Bình khoảng 10.000 tấn và huyện Vũng Liêm khoảng 10.000 tấn.

80.000 tấn cam sành Vĩnh Long cần tiêu thụ - Ảnh 1.

80.000 tấn cam sành Vĩnh Long đang cần tiêu thụ. Ảnh: Huỳnh Xây

Theo số liệu mà ông Liêm thông tin thì tổng số lượng cam sành Vĩnh Long cần tiêu thụ là 80.000 tấn.

Ông Liêm tính toán, chỉ cần giá cam sành được thu mua dưới 10.000 đồng/kg thì người dân sẽ bị lỗ vì giá vật tư, giá thuê lao động, thuê đất trồng thời gian vừa qua đều tăng rất cao. "Chi phí trồng 1.000m2 cam sành trước đây từ 50-60 triệu đồng, bây giờ là từ 80-90 triệu đồng" - ông Liêm nói.

Về nguyên nhân cam sành Vĩnh Long giảm giá chạm đáy chưa từng có, theo ông Liêm, là do quy luật cung cầu của thị trường, tức cung đã vượt cầu.

"Những năm trước, vào thời điểm Tết Nguyên đán giá cam thường giảm, qua Tết tăng trở lại. Nhưng năm nay, qua Tết giá cam lại giảm, số lượng cam sành tới thời điểm thu hoạch nhiều quá, thêm vào đó là lượng cam mà người dân neo lại trước Tết nữa nên xảy ra ùn ứ" - ông Liêm nói.

Ông Liêm còn cho biết, ngoài Vĩnh Long, rất nhiều địa phương khác ở ĐBSCL cũng trồng cam sành. Chưa dừng lại ở đó, các vùng miền khác cũng đều tăng diện tích trồng cam như Nghệ An, Hưng Yên, Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên.

Dù diện tích cam sành tăng đột biến, đến thời điểm này là 17.000ha nhưng việc tiêu thụ cam sành Vĩnh Long chỉ là bán trái tươi, làm nước giải khát (nước ép cam) cho các chợ ở TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng.

Do các địa phương ở vùng miền Trung và miền Bắc cũng có trồng cam nên không thể vận chuyển ra các vùng đó bán được (không cạnh tranh được giá, chi phí vận chuyển cao).

"Hiện cam sành chưa chế biến sâu cũng như xuất khẩu được bởi vỏ xấu, không láng và có màu vàng, màu đỏ như cam ngoại" - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long thông tin.

Trước tình hình hiện nay, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long khuyên người dân dừng trồng mới diện tích cam sành. Nếu đã trồng rồi thì cố gắng tiếp tục chăm sóc, khi giá cam giảm sâu quá có thể cắt bỏ trái, "hy sinh 1 vụ" để dưỡng cây, khi nào thấy giá lên dần thì để trái.

80.000 tấn cam sành Vĩnh Long cần tiêu thụ - Ảnh 2.

Hiện giá cam sành Vĩnh Long chỉ từ từ 1.500 – 4.000 đồng/kg. Ảnh: Huỳnh Xây

Theo Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long, từ sau Tết Nguyên đán 2023 đến nay, giá cam sành trên địa bàn huyện Trà Ôn có chiều hướng đi xuống.

Hiện tại, các thương lái ở địa phương mua cam sành của người dân khoảng 200 tấn/ngày với giá từ 1.500 – 4.000 đồng/kg tùy loại. Trong đó, loại cam sành đã chín, vượt thời gian thu hoạch từ 1-2 tháng có giá từ 1.500 - 2.000 đồng/kg (loại này ít có thương lái đến mua).

Do thương lái ít đến mua nên dẫn đến tình trạng ùn ứ lượng cam sành trong người dân còn nhiều. Nếu không bán được thì đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.

Trước tình hình trên, Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long cho biết, sẽ phối hợp cùng các đơn vị có liên quan mời gọi các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ tiêu thụ, tìm đầu ra cho sản lượng cam sành đang còn tồn đọng và sắp thu hoạch. Hỗ trợ đưa sản phẩm cam sành bán trên các sàn thương mại điện tử của các sở, ngành trong tỉnh.

Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long khuyến cáo người dân có cam tới đợt thu hoạch thì không nên neo lại. Bởi việc làm này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển, tuổi thọ của cây cam sành và gây tồn đọng sản lượng cục bộ, làm ảnh hưởng đến giá cả đầu ra sản phẩm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem