Bà Nguyễn Phương Hằng có tiếp tục bị xem xét hành vi vu khống, làm nhục?
Ngày 24/3, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM thông tin về việc bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam).
Bà Hằng bị khởi tố về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Các quyết định và lệnh trên đã được VKSND cùng cấp phê chuẩn.
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, ngoài vụ việc vừa bị khởi tố, bắt tạm giam, cơ quan chức năng của TP.HCM và Bình Dương đang thụ lý đơn thư của nhiều cá nhân tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng về hành vi vu khống, làm nhục người khác gồm: ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, nhà báo Đặng Thị Hàn Ni, bà Đinh Thị Lan, ca sĩ Vy Oanh, vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên - Công Vinh, nhà báo Nguyễn Đức Hiển.
Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, bà Nguyễn Phương Hằng có thể sẽ tiếp tục khởi tố nếu có căn cứ chứng minh những tố cáo của 6 cá nhân trên là đúng sự thật.
Trong các trường hợp tương tự, nếu có căn cứ, người vi phạm sẽ bị khởi tố về Tội vu khống theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự năm 2015; Tội làm nhục người khác theo quy định tại 155 Bộ luật hình sự năm 2015.
Tuy nhiên, luật sư Hòe cho biết, để khởi tố tội vu khống và tội làm nhục người khác thì có một điều đặc biệt là phải có đơn yêu cầu khởi tố từ bị hại. Đây là điều kiện bắt buộc để cơ quan chức năng tiến hành xác minh các dấu hiệu của tội phạm.
Phân tích về việc này, luật sư Hòe cho biết, khởi tố vụ án hình sự là quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm duy trì trật tự và công lý, không phụ thuộc vào ý muốn cá nhân và không ai có thể can thiệp.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, xuất phát từ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, pháp luật quy định cho phép người bị hại lựa chọn quyền yêu cầu khởi tố hoặc không khởi tố vụ án.
Đó là những trường hợp mà hành vi phạm tội vừa xâm phạm trật tự xã hội, vừa xâm phạm đến thể chất, sức khoẻ, danh dự của người bị hại.
Những trường hợp này nếu khởi tố vụ án, lợi ích về mặt xã hội có thể không lớn mà còn có khả năng làm tổn thương thêm về mặt tinh thần cho người bị hại.
Vì vậy, nhà làm luật đã xác lập một khả năng, điều kiện để người bị hại cân nhắc, quyết định có yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý về mặt hình sự đối với hành vi phạm tội hay không. Điều này được quy định tại Điều 155 hình sự năm 2015.
Cụ thể, Điều 155 nêu rõ, chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự 2015 khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.
Trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ.
Trong trường hợp có căn cứ để xác định người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.
Người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.
Từ phân tích trên, luật sư Trương Quốc Hòe cho biết, 6 cá nhân trên đang tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng có hành vi vu khống; làm nhục người khác. Đây là 2 trong 10 trường hợp chỉ khởi tố theo yêu cầu của người bị hại.
"Được biết, một số cá nhân như nhà báo Nguyễn Đức Hiển, nhà báo Đặng Thị Hàn Ni…đã có đơn yêu cầu khởi tố bà Nguyễn Phương Hằng, và cơ quan chức năng đang tiến hành xác minh. Nếu có căn cứ, bà Hằng có thể sẽ tiếp tục bị khởi tố về các hành vi nêu trên" – vị luật sư nói.
Bà Nguyễn Phương Hằng dùng 12 kênh để xuyên tạc
Ở một diễn biến khác, theo Công an TP.HCM, bà Nguyễn Phương Hằng quản lý và sử dụng 12 kênh trên mạng xã hội và trực tiếp thực hiện các buổi livestream có nội dung xuyên tạc đời tư của nhiều cá nhân khác.
Trong các buổi livestream, người phụ nữ này liên tục sử dụng nhiều từ ngữ tục tĩu để phát ngôn cổ xúy văn hóa "chửi" trên mạng, ảnh hưởng đến truyền thống văn hóa dân tộc, gây bất bình trong quần chúng nhân dân.
Từ ngày 15/2/2022 đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh mời bà Nguyễn Phương Hằng lên làm việc 4 lần vào các ngày 18/2, 7/3, 9/3 và 16/3/2022 để cảnh báo, răn đe và yêu cầu bà Nguyễn Phương Hằng chấm dứt hành vi lợi dụng các quyền tự do để sử dụng mạng xã hội thực hiện hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Tuy nhiên, bà chủ Đại Nam không chấp hành. Hành vi của bà Phương Hằng đủ yếu tố cấu thành tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" quy định tại Điều 331 Bộ luật hình sự.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.