Ngày 5/9, bão số 3 hay còn gọi là bão Yagi tiếp tục mạnh lên cấp 16 (cấp siêu bão). Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 10 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc; 115,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 490km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16 (184-201km/h), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 10km/h.
Sẵn sàng nhân lực, phương tiện ứng phó khi bão số 3 - bão Yagi đổ bộ
Để chủ động ứng phó với bão số 3 Yagi, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh chủ động triển khai các biện pháp phòng chống tại chỗ, bảo đảm an toàn cơ quan, đơn vị; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cơ động ứng cứu, khắc phục, xử lý các tình huống xảy ra.
Trong sáng 5/9, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh Trịnh Thị Minh Thanh đã kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại huyện Hải Hà.
Theo báo cáo của huyện Hải Hà, tính đến sáng 5/9, toàn bộ 876 phương tiện tàu thuyền, bè mảng của người dân địa phương và 56 tàu thuyền của các địa phương khác đã được thông tin về tình hình bão số 3 và đang cho tàu cập các khu neo đậu, tránh trú bão; 260 ô lồng bè với hơn 85 lao động trên biển đã nắm được thông tin về bão số 3, được UBND cấp xã tuyên truyền vận động lên bờ trước khi bão đổ bộ.
Các xã, thị trấn đã tiến hành rà soát, thống kê 253 nhà với khoảng 1.000 nhân khẩu có khả năng tốc mái trên địa bàn huyện để xây dựng phương án di dời đến nơi an toàn. Toàn bộ khách du lịch trên đảo Cái Chiên cũng đã di chuyển vào bờ.
Kiểm tra thực tế công tác phòng chống bão số 3, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh Trịnh Thị Minh Thanh yêu cầu huyện tiếp tục cập nhật diễn biến của bão để chủ động phương án phòng chống. Trong đó, phải tiếp tục theo dõi, kiểm tra thường xuyên việc kêu gọi tàu thuyền di chuyển đến các khu vực tránh trú bão trên địa bàn huyện. Các lực lượng chức năng bố trí lực lượng thường trực tại các khu vực tránh trú bão để hướng dẫn tàu thuyền neo đậu vào các vị trí an toàn.
"Tuyệt đối không để khi bão đổ bộ vẫn còn tàu thuyền neo đậu ở các khu vực không đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, huyện cần chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, phương tiện để ứng phó kịp thời với các tình huống phát sinh khi bão đổ bộ", bà Thanh nêu rõ.
Quyết tâm đảm bảo tuyệt đối an toàn về tính mạng và tài sản của nhân dân
Tại TP.Móng Cái, Đồn Biên phòng Trà Cổ đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt phòng, chống và sẵn sàng các phương án để ứng phó.
Cụ thể, Đồn Biên phòng Trà Cổ đã tổ chức duy trì nghiêm nền nếp trực chỉ huy, trực ban, trực chiến, trực phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn kho tàng, doanh trại, phương tiện, tàu xuồng; kiểm tra, bảo đảm tình trạng kỹ thuật phương tiện, trang bị, vật chất làm nhiệm vụ sẵn sàng ứng phó với các tình huống do bão gây ra.
Đồng thời, bổ sung, điều chỉnh kịp thời các phương án ứng phó với bão; thường xuyên cập nhật tình hình diễn biến của bão, phối hợp chặt chẽ với chủ phương tiện, lồng bè, thuyền trưởng, tiến hành kiểm đếm, thông báo cho các loại phương tiện, nhất là tàu cá vươn khơi biết vị trí hướng di chuyển của bão để chủ động di chuyển, phòng tránh.
Đồn Biên phòng Trà Cổ cũng tổ chức tuyên truyền, vận động, giúp ngư dân đưa các phương tiện lên bờ an toàn; chỉ đạo Trạm kiểm soát Biên phòng tuần tra kiểm soát, tuyên truyền cho ngư dân thực hiện nghiêm quy định về phòng chống cơn bão số 3.
Tính đến 18 giờ ngày 4/9, Đồn Biên phòng Trà Cổ đã kêu gọi được 352 phương tiện tàu, bè, mảng/736 người và 45 bè nuôi trồng hải sản/24 hộ về nơi neo đậu, chằng buộc, tránh trú an toàn... Hiện Đồn Biên phòng Trà Cổ tiếp tục theo dõi những diễn biến của cơn bão, triển khai các biện pháp phòng chống, quyết tâm đảm bảo tuyệt đối an toàn về tính mạng và tài sản của nhân dân.
Còn tại huyện Tiên Yên, Ban chỉ huy quân sự huyện đã ban hành Kế hoạch hiệp đồng ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Ban CHQS huyện với Công an huyện, Trạm Biên phòng cảng Mũi Chùa và các đơn vị Quân đội đứng chân trên địa bàn và tổ chức hội nghị hiệp đồng bảo đảm chặt chẽ.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Tiên Yên hiện có 455 tàu thuyền. Hiện UBND các xã đã thông tin cho các tàu thuyền biết thông tin về cơn bão. Do hầu hết đều là tàu gần bờ, đánh bắt chủ yếu tại khu vực huyện Tiên Yên, Đầm Hà và Vân Đồn, Cô Tô nên các tàu đã có phương án di chuyển về các địa điểm tránh trú bão an toàn tại các bến trên địa bàn huyện, huyện Cô Tô, Cẩm Phả, Vân Đồn.
UBND huyện Tiên Yên đã chỉ đạo Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện, UBND các xã, thị trấn thường xuyên, kịp thời thông tin về diễn biến bão số 3 và các biện pháp phòng chống bão, không được chủ quan với thiên tai. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương thực hiện tuyên truyền lưu động, hệ thống loa truyền thanh, qua Facebook, Zalo.... để thông báo cho người dân biết và thực hiện công tác phòng tránh.
Nội dung tuyên truyền chủ yếu: Tình hình thời tiết và diễn biến của áp thấp nhiệt đới, mưa, bão; hướng dẫn công tác chằng chống nhà cửa; công tác an ninh trật tự xã hội khi có thiên tai xảy ra, công tác huy động vật tư, phương tiện phục vụ cho công tác ứng cứu; phương án di chuyển dân đến nơi an toàn, công tác chuẩn bị bốn tại chỗ...
Tại huyện đảo Cô Tô, công tác ứng phó với bão đang được gấp rút, hối hả triển khai theo từng giờ. UBND huyện Cô Tô đã có công văn về việc khẩn trương triển khai ứng phó với cơn bão số 3, tích cực theo dõi diễn biến của bão; quản lý chặt chẽ các phương tiện tàu cá trên địa bàn huyện và các phương tiện tàu cá của địa bàn khác đang hoạt động tại Cô Tô, có biện pháp thông báo cho tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn trước ngày 6/9; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để triển khai ứng cứu khi có yêu cầu.
Đối với các đơn vị quản lý hồ chứa nước, kè đập cần chủ động theo dõi mực nước hồ, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hồ chứa trong tình huống mưa sau bão; triển khai biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập, kè ven biển, hạn chế thiệt hại về tài sản của nhân dân và công trình cơ sở hạ tầng của nhà nước.
Huyện Cô Tô dự báo có thể chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3. Do đó, địa phương đã sẵn sàng các phương án, lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng phó. Đồn Biên phòng Cô Tô đã triển khai các tổ công tác làm nhiệm vụ thông báo cho các chủ tàu thuyền, phương tiện đang hoạt động trên biển, trong âu cảng khẩn trương di chuyển về nơi tránh trú an toàn. Đồng thời phối hợp với theo dõi, kiểm đếm và quản lý số tàu, thuyền đang hoạt động; giữ vững thông tin liên lạc để xử lý kịp thời các tình huống xảy ra. Các cơ quan, đơn vị, khu dân cư chủ động chằng chống nhà cửa, kho tàng; quản lý, bảo vệ vật nuôi, cây trồng.
Tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Công điện số 03/CĐ-UBND ngày 3/9/2024 về chủ động ứng phó với bão số 3 (YAGI).
Theo đó, để chủ động ứng phó với bão theo tinh thần “tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Chủ tịch UBND các địa phương và Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh khẩn trương thực hiện các biện pháp chủ động ứng phó với bão số 3 theo tinh thần tuyệt đối không lơ là chủ quan, mất cảnh giác, tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người; chịu trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra thiệt hại...
Tính đến sáng 5/9, toàn bộ 398 tàu du lịch trên vịnh, 98 tàu chở khách tuyến đảo, 5.556 tàu cá trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã nhận được thông tin bão. Đối với 257 tàu cá xa bờ, đã thực hiện liên lạc và dự kiến đến ngày 6/9 các tàu này sẽ về đến nơi neo đậu. 2.889 cơ sở nuôi cá và nhuyễn thể trên các vùng biển đang được các chủ cơ sở tiến hành gia cố, hoàn thành trước 6/9 và di chuyển người lên bờ an toàn...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.