Bệnh viện quá tải, người bệnh chen chúc chờ khám như... ùn tắc giao thông

Gia Khiêm Thứ tư, ngày 03/08/2022 15:30 PM (GMT+7)
Do lượng bệnh nhân tăng chóng mặt khiến nhiều bệnh viện tuyến cuối như Bệnh viện Việt Đức. Viện Nhi Trung ương, Bệnh viện K… luôn rơi vào tình trạng quá tải, người dân chen chúc chờ đến lượt khám, xếp lịch mổ.
Bình luận 0

Người bệnh ngồi vật vã, la liệt chờ khám bệnh vì bệnh viện quá tải

Gần trưa ngày 3/8, tại nhiều khu vực ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhân đến khám, chữa bệnh. Bệnh nhân chen chân đi khám bệnh, các dãy ghế chờ kín người, nhiều người đến sau phải ngồi la liệt, thậm chí nằm ra đất để chờ đến lượt. Tình trạng quá tải cộng với thời tiết oi bức khiến bệnh nhân và người nhà mệt mỏi.

Bệnh viện tuyến cuối quá tải, người bệnh vật vã "nghẹt thở" chờ khám từ rạng sáng  - Ảnh 1.

Cảnh chen chúc đông nghẹt chờ chụp X-quang tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sáng ngày 3/8. Ảnh: Gia Khiêm

Trao đổi với PV Dân Việt, bà Nguyễn Thị Thuỷ (ở thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) tỏ ra mệt mỏi cho biết, lo ngại tình trạng quá tải bệnh viện nên bà đi từ nhà lúc 3 giờ sáng.

"Tôi được bác sĩ hẹn đến tái khám lại. Cách đây ít ngày tôi mới phẫu thuật trượt đốt sống thắt lưng. Tôi đến nơi lúc 5 giờ sáng. Hôm nay tôi chỉ chụp chiếu lại nhưng cũng chờ mấy tiếng đồng hồ mới đến lượt và có kết quả", bà Thuỷ chia sẻ.

Bệnh viện tuyến cuối quá tải, người bệnh vật vã "nghẹt thở" chờ khám từ rạng sáng  - Ảnh 2.

Bệnh viện tuyến cuối quá tải, người bệnh vật vã "nghẹt thở" chờ khám từ rạng sáng  - Ảnh 3.

Cảnh người nằm giường, người ngồi ngủ gật mệt mỏi chờ đợi làm thủ tục khám tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ảnh: Gia Khiêm

Theo bà Thuỷ, điều khiến bà cũng như nhiều người nhà, bệnh nhân "ngao ngán" nhất đó là tình trạng quá tải tại bệnh viện tuyến cuối này. 

"Hôm trước khi tiến hành phẫu thuật tôi được chỉ dẫn đi chụp X-quang, cộng tư hưởng, đo loãng xương, khám tổng quát toàn bộ cơ thể từ sáng sớm cho tới tận 15 giờ chiều mới xong. Tuy nhiên, để được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật chúng tôi phải chờ tới ngày hôm sau. Thế nhưng để đến lượt cũng phải chờ đợi mãi. Riêng ngày hôm đó khoa của tôi có 48 người chờ đợi được mổ, 2 người mổ cấp cứu", bà Thuỷ bày tỏ.

Bệnh viện tuyến cuối quá tải, người bệnh vật vã "nghẹt thở" chờ khám từ rạng sáng  - Ảnh 4.

Bà Nguyễn Thị Thuỷ cho biết, lo ngại tình trạng quá tải bệnh viện nên bà đi từ nhà lúc 3 giờ sáng. Ảnh: Gia Khiêm

Tiếp lời bà Thuỷ, bà Lê Thị Bản (72 tuổi, ở phường Phong Hải, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) kể, bà bị thoái hoá loãng xương mới được tiến hành phẫu thuật bơm xi măng tạo hình thân đốt sống. Để được đến lượt làm các thủ tục xét nghiệm trước khi mổ với bà Bản cũng có hành trình mất khá nhiều thời gian, sức lực.

Bệnh viện tuyến cuối quá tải, người bệnh vật vã "nghẹt thở" chờ khám từ rạng sáng  - Ảnh 5.

Do lượng người đến khám đông, bệnh viện treo biển cảnh báo người dân. Ảnh: Gia Khiêm

"Đa phần các bệnh nhân đều trong tình trạng đau đớn do bệnh tật nhưng để đến lượt khám, mổ, chụp X-quang đều phải mất rất nhiều thời gian. Tôi phải chờ hai ngày mới tới lượt để phẫu thuật. Ngày mổ phải chờ từ 5 giờ sáng tới hơn 15 giờ chiều mới tới lượt. Tình trạng quá tải ở bệnh viện này diễn ra từ nhiều năm nay", bà Bản nói.

Bệnh viện tuyến cuối quá tải, người bệnh vật vã "nghẹt thở" chờ khám từ rạng sáng  - Ảnh 6.

Bà Lê Thị Bản chia sẻ, bà phải chờ hai ngày mới tới lượt để phẫu thuật. Ngày mổ phải chờ từ 5 giờ sáng tới hơn 15 giờ chiều mới tới lượt. Ảnh: Gia Khiêm

Về việc tại sao không lựa chọn bệnh viện ở địa phương để tránh quá tải, bà Bản cho rằng bản thân và gia đình đều mong muốn được lên tuyến cuối phẫu thuật để yên tâm.

"Không chỉ tôi mà ai cũng muốn được đến tuyến cuối bởi ở đó có trang thiết bị hiện đại, bác sĩ giỏi nên yên tâm hơn. Chính vì ai cũng có tâm lý như vậy nên bệnh viện tuyến cuối quá tải là điều không tránh khỏi. Mặc dù chờ đợi mệt mỏi nhưng chúng tôi không còn lựa chọn nào khác", bà Bản chia sẻ.

Chen chúc đông nghẹt chờ chụp X-quang ở bệnh viện quá tải

Tại khu vực phòng chờ chụp X-quang, Bệnh viện Việt Đức, theo ghi nhận của PV Dân Việt luôn trong tình trạng đông nghịt người. Cảnh người ngồi, người đứng chen chúc la liệt dọc lối đi, điểm chờ.

Đưa mẹ đi khám, điều trị do đứt dây chằng ở chân, chị Nguyễn Thị Sim (ở huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) cho biết, phải đợi từ 6h sáng nhưng chưa khám xong. 

Bệnh viện tuyến cuối quá tải, người bệnh vật vã "nghẹt thở" chờ khám từ rạng sáng  - Ảnh 7.

Chị Nguyễn Thị Sim phải chờ 100 người mới tới lượt chụp X-quang cho mẹ trong khi chị đã chờ trước đó hàng tiếng đồng hồ. Ảnh: Gia Khiêm

"Các bác sĩ chỉ định đưa mẹ tôi đi xét nghiệm máu, nước tiểu, đo nhịp tim, chụp X-quang. Sau một hồi quanh quẩn cả buổi sáng thì chỉ còn chờ đợi chụp X-quang thôi. Tuy nhiên phải chờ 100 người nữa mới đến lượt mẹ tôi. Hai mẹ con xác định tâm lý chờ đợi đến cuối giờ trưa hoặc chuyển sang chiều may ra mới xong", chị Sim nói.

Không chỉ riêng Việt Đức, theo ghi nhận của PV Dân Việt, tại nhiều bệnh viện tuyến Trung ương cũng rơi vào cảnh quá tải sau dịch, bệnh nhân đến khám và nhập viện gia tăng đột biến. 

Bệnh viện tuyến cuối quá tải, người bệnh vật vã "nghẹt thở" chờ khám từ rạng sáng  - Ảnh 8.

Hình ảnh đông nghịt người tới Bệnh viện Nhi Trung ương khám. Ảnh: Gia Khiêm

Bệnh viện tuyến cuối quá tải, người bệnh vật vã "nghẹt thở" chờ khám từ rạng sáng  - Ảnh 9.

Cảnh chờ đợi đến lượt khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 3/8. Ảnh: Gia Khiêm

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, cảnh người dân chen chúc chờ khám. Bà Lê Thị Cúc ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định cho biết, cháu trai bị ho, viêm họng nhiều ngày qua không có dấu hiệu thuyên giảm.

"Tôi đưa cháu lên chờ khám từ lúc gần 6h sáng, làm các thủ tục chờ đợi thì đến gần trưa cũng khám xong. Bệnh viện nào giờ cũng đông", bà Cúc nói. 

Tương tự, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai bệnh nhân nhập viện tăng gần gấp đôi so với thời gian cao điểm dịch Covid-19, hiện 300 giường đã rơi vào tình trạng quá tải, bệnh nhân phải nằm ghép. Trung tâm Tim mạch của bệnh viện lúc nào cũng chật kín giường bệnh, có thời điểm phải nằm ghép.

Bệnh viện K cũng trong cảnh tương tự khi bệnh nhân tuyến dưới lên khám, chữa bệnh rất đông; bệnh nhân tái khám và người bệnh đến truyền hóa chất theo lịch hẹn liên tục. Do dịch Covid-19 nhiều người trì hoãn đi khám, nay hết dịch người dân tuyến dưới vượt tuyến rất nhiều. Bên cạnh đó, một số cơ sở y tế do quá đông bệnh nhân, lại thiếu thuốc, vật tư y tế, với những bệnh có thể trì hoãn mổ thì để lại, ưu tiên những ca mổ cấp cứu.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem