Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng nói việc nhận 300.000 USD của doanh nghiệp là sai lầm lớn trong cuộc đời

Hòa Nguyễn Thứ ba, ngày 07/01/2025 16:14 PM (GMT+7)
Liên quan việc bị cáo buộc nhận 300.000USD của doanh nghiệp, bị cáo Lưu Bình Nhưỡng khai trước toà rằng đã nhận thức đầy đủ sai lầm của mình. Bị cáo Nhưỡng nói đã không đấu tranh mạnh mẽ để trả lại doanh nghiệp, đây là một sai lầm lớn trong cuộc đời.
Bình luận 0

Chiều 7/1, Toà án nhân dân tỉnh Thái Bình tiếp tục phiên toà sơ thẩm, xét xử các bị cáo Phạm Minh Cường (thường gọi là Cường "quắt", Thái Thụy, Thái Bình), bị truy tố tội "Cưỡng đoạt tài sản"); Vũ Đăng Phương (Thái Thuỵ, Thái Bình, lao động tự do), bị truy tố tội "Cưỡng đoạt tài sản"; Lưu Bình Nhưỡng (cựu Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) bị truy tố tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" và tội "Cưỡng đoạt tài sản";

Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng nói việc nhận 300.000 USD của doanh nghiệp là sai lầm lớn trong cuộc đời- Ảnh 1.

Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng nói việc nhận 300.000 USD của doanh nghiệp là sai lầm lớn trong cuộc đời.

Bị cáo Lê Thanh Vân (cựu Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, cựu Đại biểu Quốc hội), bị truy tố tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi"; Nguyễn Văn Vương (cựu chuyên viên Vụ Pháp luật, Văn phòng Chủ tịch nước), bị truy tố tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".

Tại toà, khi được HĐXX hỏi về mối quan hệ với Phạm Minh Cường, bị cáo Lưu Bình Nhưỡng nói giữ nguyên phần trình bày tại cơ quan điều tra, không thay đổi gì. Về việc Cường rủ 2 vợ chồng ông Nhưỡng mua bãi triều, bị cáo này tiếp tục nói rằng đã trình bày rất thẳng thắn trước cơ quan điều tra, giữ nguyên lời khai trong quá trình điều tra và chưa trình bày, bổ sung thêm gì tại toà.

Về thông tin Cường "quắt" nhờ ông Nhưỡng can thiệp khi bị nhóm Dũng "chiến" (Trần Văn Dũng, SN 1982, Thái Thuỵ, Thái Bình) quấy phá, khai trước toà, bị cáo Nhưỡng cho biết, ông không được Cường gọi điện, nhắn tin hay nhờ can thiệp gì liên quan đến nhóm Dũng "chiến" và ông cũng không biết Dũng "chiến" là ai. Bị cáo Nhưỡng trình bày có gửi một file ghi âm cho Cường "quắt" qua Telegram, yêu cầu Cường nghe xong xoá đi.

Tuy nhiên theo lời khai của Cường tại toà hôm nay, Cường đã cho anh em của mình nghe file ghi âm này. File ghi âm này, theo Cường khai đã thể hiện nội dung cuộc điện thoại của ông Nhưỡng gọi cho một lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình.

Liên quan việc bị cáo buộc nhận 300.000USD của doanh nghiệp, bị cáo Nhưỡng khai trước toà rằng đã nhận thức đầy đủ sai lầm của mình. Bị cáo Nhưỡng nói đã không đấu tranh mạnh mẽ để trả lại doanh nghiệp, đây là 1 sai lầm lớn trong cuộc đời.

"Tôi chưa bao giờ nói bất cứ một lời nào gợi ý về tiền bạc, đây là phong cách của cả cuộc đời tôi" – bị cáo Nhưỡng nói trước toà sơ thẩm.

Về cáo buộc anh Bùi Văn Thao (Hải Phòng) nhờ ông Nhưỡng can thiệp vào sự việc ở TP.Hải Phòng, bị cáo Nhưỡng trình bày dùng từ can thiệp với ông là hơi nặng.

Theo bị cáo Nhưỡng, đó là một công việc rất bình thường của bất kỳ một đại biểu Quốc hội nào, và việc bị cáo buộc "can thiệp" khiến ông "rất suy nghĩ".

Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng khai, Cường "quắt" và anh Thao bàn với nhau thế nào ông không biết. Về cánh cổng gỗ trị giá 75 triệu đồng (bị cáo buộc hưởng lợi khi giúp anh Thao) được lắp ở nhà thờ của ông Nhưỡng, bị cáo cho rằng cánh cổng gỗ là Cường có ý định tặng ông khi ông khen cánh cổng nhà Cường đẹp.

Cơ quan truy tố cáo buộc, tháng 5 - 6/2021, khi Cường "quắt" đến nói cho ông Nhưỡng biết việc Cường dùng thủ đoạn nêu trên để lấy tiền của Công ty Sao Đỏ, nhờ bị cáo Nhưỡng can thiệp để tạo điều kiện cho Cường làm ăn thuận lợi và khi được Cường bán cho vợ chồng ông Nhưỡng 30ha bãi triều với trị giá khoảng 1,2 tỷ đồng (chỉ lấy 900 triệu đồng), đã giao cho Cường quản lý, khai thác cho vợ chồng bị can Nhưỡng để thu tiền thì ông Nhưỡng đã điện thoại cho lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình can thiệp để giúp đỡ Cường. Đồng thời, ông Nhưỡng đưa Cường đến Đồn Biên phòng, gặp chính quyền xã để gây thanh thế, tạo điều kiện cho Cường tiếp tục cưỡng đoạt tài sản. Từ tháng 10/2021 đến tháng 7/2022, Cường cùng đồng phạm tiếp tục cưỡng đoạt của Công ty Sao Đỏ tổng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng.

Ông Nhưỡng cũng bị cáo buộc lấy tư cách Đại biểu Quốc hội, ký văn bản gửi lãnh đạo UBND TP.Hải Phòng, Chánh án, Viện trưởng Viện Kiểm sát và Giám đốc Công an TP.Hải Phòng can thiệp để giải quyết theo hướng có lợi cho anh Bùi Văn Thao (người làm của Cường). Hưởng lợi bộ cánh cổng gỗ trị giá 75 triệu đồng và nhằm hưởng lợi 1 lô đất trị giá 160 triệu đồng.

Mặt khác, ông Nhưỡng tiếp tục bị cáo buộc lấy tư cách Đại biểu Quốc hội, can thiệp đến Chính phủ để Công ty Mạnh Đức được phê duyệt thực hiện Dự án Quế Võ III của tỉnh Bắc Ninh và đã được hưởng lợi 300.000USD; ký 2 văn bản can thiệp yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh cho Công ty Hạ Long được tiếp tục thực hiện Dự án 36ha hưởng lợi 1 lô đất trị giá hơn 1,8 tỷ đồng ở xã Vân Nội (Đông Anh, TP.Hà Nội) và nhằm hưởng lợi 1.000m2 đất tại dự án này có trị giá 1,95 tỷ đồng; gọi điện, ký văn bản gửi lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh can thiệp để Công ty cổ phần Trường Sinh được sớm cấp phép khai thác dự án đồi Bắc Sơn và đã hưởng lợi 210 triệu đồng.Sau khi đại diện Viện Kiểm sát công bố cáo trạng truy tố các bị cáo, Hội đồng xét xử (HĐXX) tiến hành xét hỏi các bị cáo.


Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem