Bị cha mẹ coi như… chó để “chữa bệnh” đồng tính

Diệu Linh Thứ ba, ngày 24/06/2014 17:00 PM (GMT+7)
Phát hiện ra con trai là người đồng tính, cha của N.V.Oánh (23 tuổi, Hà Nội) đã chửi mắng anh thậm tệ. Sau đó, ông thuê người lôi con lên căn phòng trên tầng 4, dùng xích sắt xích con vào cột, đóng chặt cửa phòng, không điện, không nước.
Bình luận 0

Mỗi bữa, anh Oánh được quẳng cho một đĩa cơm trắng trộn nước mắm và một âu nước lọc, ít giấy vệ sinh và…1 cái bô. Khi có nhu cầu cá nhân, anh đều phải “đi” tại chỗ. Tối tối, anh nằm một mình trên đất lạnh, trong bóng tối, giữa đống hôi thối mình thải ra. Không những thế, hằng ngày, bố anh còn sai người lên chửi mắng, đánh đập. Anh Oánh thấy mình được nuôi không khác gì một con vật.

Mỗi tuần, cứ vào thứ 7, bố anh lại lên phòng con và hỏi: “Thế nào, muốn làm chó hay làm người. Hãy chọn đi”. Ý ông là muốn anh từ bỏ đồng tính, còn nếu không ông sẽ nhất quyết giam giữ anh trong phòng, đến khi anh kiệt sức, bỏ mạng mới thôi… Đến khi bỏ trốn được, anh Oánh đã không trở về nhà nữa.

img

Một ngày hội chia sẻ thông tin của người đồng tính (ảnh do ICS- tổ chức làm việc về quyền của người đồng tính cung cấp)

Trong những lần tư vấn pháp lý cho các bạn đồng tính, Lương Thế Huy - cán bộ Viện Nghiên cứu kinh tế, xã hội, môi trường ISEE không thể nào quên những câu chuyện về bạo hành mà các bạn chia sẻ. Nỗi đau lớn nhất của người đồng tính chính là bị cha mẹ không thừa nhận, hắt hủi, bỏ rơi hoặc đối xử tệ bạc.

Có một bạn tên là Vân (Hà Nội) yêu một bạn nữ ở Sài Gòn. Sau khi cha mẹ phát hiện đã bắt giam cô trong nhà, ngăn cấm không cho gặp bạn gái. Mỗi lần như thế, Vân lại tìm cách trốn đi, nhưng gia đình lại đi tìm và bắt lại.

Đau khổ, Vân đều gọi cho Huy để chia sẻ, cầu cứu, hi vọng được giúp đỡ. Có lần, Huy đã giúp Vân vào trong Nhà tạm lánh của Hội Phụ nữ. Nhưng gia đình Vân cũng có “máu mặt” nên dù cô trốn đi đâu, chỉ được một thời gian, lại bị bố mẹ bắt về.

“Cuộc gọi cuối cùng cho em là một số lạ, từ tận Singapore. Vân cho biết, cô đã bị đưa ra nước ngoài, gửi cho một gia đình bạn bè bên đó. Nhưng rồi, tại đó, cô bị lừa, bị cưỡng bức… Nhưng lúc đau khổ tan nát về thể xác, tâm hồn, cô chỉ nhớ người yêu, muốn về với người yêu. Đó là lần gọi sau cùng, em không còn thấy cô ấy gọi nữa. Không rõ số phận cô ấy ra sao” – Huy ngậm ngùi.

Đây là số ít trong nhiều câu chuyện đau đớn của người đồng tính đã được chia sẻ tại Hội thảo “Những tác hại của định kiến kỳ thị trong gia đình lên sức khỏe của người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) ở Việt Nam” do ISEE tổ chức sáng nay ngày 24.6.

Ông Nguyễn Quang Bình – Viện trưởng ISEE chia sẻ: “Phát hiện mình thuộc giới LGBT, không ít bạn trẻ đã gặp rất nhiều khó khăn khi hòa nhập với bạn bè, bị chính bạn bè và thày cô kì thị, hắt hủi thậm chí đánh đập. Điều họ mong muốn nhất là được gia đình thấu hiểu, yêu thương và giúp đỡ. Nhưng không ít bố mẹ đã sử dụng nhiều hình thức bạo lực với con với hy vọng con “từ bỏ” đồng tính”.

Hình thức bạo lực phổ biến nhất mà cha mẹ thường đối xử với con khi phát hiện con là LGBT thường là chửi mắng, miệt thị, ngăn cấm con gặp người yêu. Lại có người đánh đập, trói nhốt, đối xử tàn tệ để con sợ.

Lại có người đưa con lên chùa, bốc thuốc, ăn chay trường để từ bỏ “thói hư tật xấu”. Không ít người đưa con đến bệnh viện, làm xét nghiệm, thử máu, ép uống thuốc tâm thần để “không bị điên”… Quá căng thẳng, đau khổ, mệt mỏi, không ít bạn trong giới LGBT đã phát điên, trầm cảm, bỏ nhà đi, thậm chí tự tử.

Nghiên cứu năm 2012 trên 2000 đồng tính nữ của ISEE cho thấy, đối với đồng tính nữ, có 54% bạn bị gia đình phản đối yêu nữ; 46,6% ép con lấy chồng; 22% bị mắng mỏ, xúc phạm; 19% bị theo dõi, quản lý; 11,5% bị nhờ thầy lang, bác sĩ “chữa bệnh”; 8,2% bị nhờ thày cúng “đuổi con ma nam” đi; 10,3% bị đánh; 11% bị từ mặt, đuổi đi…

Tình trạng này đối với những người chuyển giới từ nữ sang nam (lộ về mặt hình thức) còn nặng nề hơn rất nhiều với 64% bị phản đối, 55,6% bị ép lấy chồng; 18% bị nhờ thày lang, bác sĩ; 14,5% bị từ mặt, đuổi đi…

Cũng theo nghiên cứu này, có hơn 18% đồng tính nữ đã từng tự tử không thành; trong đó có gần 10% số họ đã tự tử hơn 1 lần nhưng không thành. 10% người khác có ý định tự tử gần như hàng ngày, còn 32% số họ có ý nghĩ “thà chết còn hơn” trong vòng 2 tuần qua. Gần 60% trong số họ bị rơi vào tình trạng trầm cảm khi cảm thấy căng thẳng, có sức ép và rất mệt mỏi, đau khổ.

“17% đồng tính nữ bị gia đình nhờ bác sĩ, thày lang chữa trị để “hết bệnh đồng tính”.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem