Bí Thư Thăng: "Mùi kiểu đó người khỏe vào cũng chết"

Thứ tư, ngày 27/04/2016 07:03 AM (GMT+7)
Liên quan đến dự án Bệnh viện Củ Chi chậm tiến độ, Bí thư Đinh La Thăng nói: “Đây là tiền đầu tư của ngân sách. Nếu đơn vị xây dựng có năng lực yếu thì phải thay thế. Trách nhiệm các anh làm chứ đừng ngồi đó đổ lỗi cho chậm".
Bình luận 0

img

Tại buổi làm việc với Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng ngày 26.4 liên quan đến dự án, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Nguyễn Hữu Hoài Phú cho biết Bệnh viện An Nhơn Tây (tên gọi cũ của Bệnh viện Củ Chi) khám chữa bệnh cho người dân 8 xã phía tây Củ Chi và một số người dân ở Bình Dương.

Bệnh viện có công suất 300 giường với tổng kinh phí đầu tư khoảng 345 tỉ đồng, trong đó gói xây lắp 160 tỉ đồng và gói thiế bị y tế 185 tỉ đồng. Bệnh viện đã được đưa vào sử dụng vào tháng 1.2016; còn gói thiết bị đến tháng 2.2016 thì Sở Y tế mới xong cấu hình và thẩm định về mặt kỹ thuật. Dự kiến ngày 5.5, Ban quản lý các công trình xây dựng Củ Chi sẽ mở thầu và tới 10.7 sẽ xong gói thầu thiết bị.

Tôi nói thẳng ở đây cứ loằng ngoằng chuyện mua sắm nên mới chậm như thế. Nó chậm là không vì cái chung. Ông này muốn đưa người này, ông kia muốn đưa người kia vào phần thiết bị. Các ông cứ công khai minh bạch, trong sáng dự án sẽ nhanh thôi

img

Bí thư Đinh La Thăng

Nghe đến đây Bí thư Thăng hỏi dồn: “Trước đấy sao Sở Y tế, với tư cách chủ đầu tư, không thực hiện đấu thầu thiết bị? Sao giờ bệnh viện xây xong rồi mới đấu thầu thiết bị? Đầu tư phải đồng bộ chứ. Bệnh viện xây xong rồi mà chưa có đủ thiết bị y tế là sao? Anh Bỉnh (Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế) đâu? Các anh từng làm văn bản đề nghị UBND TP giao cho ai đấu thầu? Người dân đang cần bệnh viện, dân số ngày càng tăng lên. Cả Bình Dương và các khu vực đều đến đây chữa bệnh mà các anh cứ đùn đẩy nhau”.

Ông Bỉnh báo cáo: “Với Bệnh viện An Nhơn Tây, Sở Y tế TP khác với Sở Y tế những nơi khác là chỉ phụ trách về công tác chuyên môn. Do đó tất cả các dự án bệnh viện thuộc tuyến quận huyện thì chủ đầu tư là bệnh viện hoặc là ban quản lý các dự án của quận huyện. Từ năm 2015, sau khi lãnh đạo TP chỉ đạo, Sở Y tế đã cử đoàn xuống hướng dẫn, phát triển bệnh viện này với quy mô 300 giường, trong tương lai 500 giường”.

Theo ông Bỉnh, về đầu tư trang thiết bị thì chủ đầu tư là bệnh viện và ban quản lý các dự án phải xây dựng các danh mục, rồi đưa lên Sở Y tế thẩm định. Từ tháng 9.2015, Sở Y tế đã nhiều lần xuống hướng dẫn để làm sao đưa bệnh viện vào vận hành. Tuy nhiên do năng lực của bệnh viện hiện chỉ có 14 bác sĩ thì không thể xây dựng được cấu hình cũng như ban quản lý chưa chọn được cấu hình nào phù hợp.

Nghe đến đây, ông Thăng truy tiếp: “Ở TP này có bao nhiêu bệnh viện quy mô 300 giường?”. Ông Bỉnh trả lời có 31 bệnh viện. Ông Thăng: “Có sẵn như thế tại sao còn phải tìm cấu hình. Anh đưa cấu hình của các bệnh viện có sẵn rồi sửa đổi cho phù hợp cho Củ Chi là xong. Anh đừng đổ lỗi cho bên dưới. Vai trò quản lý nhà nước của anh ở đâu?”.

img

Bệnh viện Củ Chi hiện đã xây dựng xong nhưng thiếu thiết bị y tế, nhân lực - Ảnh: Trung Hiếu

Ông Bỉnh cho rằng từ trước tới này với bệnh viện quận huyện, chủ đầu tư tự thực hiện hết. Ông Thăng cho biết phải tìm kiếm văn bản vì chủ trương đầu tư, đấu thầu thiết bị phải có từ lúc khởi công xây dựng bệnh viện chứ không phải bây giờ mới làm.

“Đây là tiền đầu tư của ngân sách nên các anh phải làm từ lúc có chủ trương xây bệnh viện. Cấu hình là ai xây? Nếu đơn vị xây dựng có năng lực yếu thì phải thay thế. Trách nhiệm các anh làm chứ đừng ngồi đó đổ lỗi cho chậm. Cả TP có 31 bệnh viện 300 giường thì cấu hình ở đó chứ đâu. Do các anh máy móc chứ gì. Tôi nói thẳng ở đây cứ loằng ngoằng chuyện mua sắm nên mới chậm như thế. Nó chậm là không vì cái chung. Ông này muốn đưa người này, ông kia muốn đưa người kia vào phần thiết bị. Các ông cứ công khai minh bạch, trong sáng dự án sẽ nhanh thôi”, ông Thăng nói.

Ông Thăng nói tiếp: “Các anh vì dân thì không bao giờ các anh làm thế. Bệnh viên Ung bướu cũng chậm, rồi các bệnh viên T.Ư giao cho TP làm  cũng chậm. Trách nhiệm thuộc về ai? Anh Bỉnh về kiểm điểm xem. Liệu anh có đủ sức lo chăm sóc sức khỏe cho người dân vừa lo đầu tư cơ sở chữa bệnh? Anh có làm được không chứ bây giờ cứ đổ cho cấp dưới là không được. Các anh đi cơ sở phải thấy xót ruột chứ. Bệnh viện gì mà không có thiết bị”.

Rồi Bí thư Thăng quay sang ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng nói: “Anh coi bệnh viện thiết kế có phù hợp không? Tôi đi khảo sát thấy rất nóng. Phải coi hệ thống chống nóng, hệ thống rèm cửa thế nào chứ các anh đi không cảm nhận được điều đó à? Toàn bộ bệnh nhân nằm phơi người như thế”.

Bí thư Đinh La Thăng cho biết, việc thiếu nhân sự cũng do Sở Y tế bởi đây là cơ quan đề xuất. Sở Y tế phải có cơ chế thu hút bác sĩ về đây công tác như bác sĩ muốn về bệnh viện trung tâm thì phải có vài năm công tác ở bệnh viện huyện. Cùng với đó là chế độ tốt đảm bảo thu hút bác sĩ.

“Các anh phải chủ động những cơ chế đó chứ. Các anh xây dựng bệnh viện này mấy năm rồi thì phải nghĩ cách để vận hành”, ông Thăng nói.

Về điều này, ông Bỉnh cho biết từ cuối tháng này, Sở Y tế sẽ tăng cường cho Bệnh viện Củ Chi 40 bác sĩ cũng như tăng cường đào tạo, huấn luyện đội ngũ nhân lực khám chữa bệnh lâu dài cho bệnh viện. Ông Thăng lưu ý với quy mô 300 giường thì 60 bác sĩ có đủ đảm bảo vận hành không.

“Tôi sẽ theo sát vụ này đến cùng chứ không để yên đâu. Cái này rõ ràng có vấn đề trong cung cách hành chính. TP.HCM xếp thứ 47/63 tỉnh thành về chỉ số cải cách hành chính. Trong xếp hạng 47 đó, Sở Y tế cũng có góp tương đối nhiều”, ông Thăng nói.

Cuối cùng ông Thăng yêu cầu Đảng ủy Sở Y tế phải kiểm điểm trách nhiệm liên quan tới sự chậm trễ trong việc vận hành, khai thác và phải có biện pháp xử lý những người liên quan, kể cả người đứng đầu. Việc kiểm điểm không thể chung chung, trên đổ dưới, dưới đổ trên và cuối cùng người dân phải chịu thiệt. Về phía huyện cũng phải xử lý nghiêm những người có liên quan để xảy ra việc chậm trễ. Báo cáo phải gửi về Thành ủy, UBND trước ngày 15.5.

“Đồng thời phải đẩy nhanh tiến độ đưa dự án vào khai thác bệnh viện. Phải có phương án chống nóng, làm sạch hệ thống không khí, đặc biệt là hệ thống vệ sinh nằm trong nhà. Các anh làm nhà vệ sinh rất hôi. Mùi kiểu đó người khỏe vào cũng chết chứ nói gì người bệnh”, ông Thăng nhấn mạnh.

Trung Hiếu (Thanh niên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem