Bộ trưởng Bộ Công Thương: "Tuyệt đối không mất đoàn kết nội bộ và bê trễ công vụ khi tinh gọn bộ máy"

An Linh Thứ hai, ngày 23/12/2024 19:17 PM (GMT+7)
Chiều 23/12 tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động ngành Công Thương, tại đây, tư lệnh ngành Công Thương đã khẳng định quyết tâm và cam kết thực hiện nhiệm vụ “tinh gọn, sắp xếp” bộ máy của tổ chức này theo chủ trương của Chính phủ, Bộ Chính trị.
Bình luận 0

Tham dự Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn ghi nhận đánh giá rất cao thành tích năm 2024 của ngành Công Thương.

Tuy nhiên, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương nhìn nhận rõ các vấn đề còn tồn tại, trong đó có việc sắp xếp, tinh gọn để bộ máy hiệu lực, hiệu quả.

Tổ chức bộ máy mới phải hiệu quả hơn bộ máy cũ

Tinh thần là “Bộ triển khai khẩn trương công tác sắp xếp tổ chức sau khi được Chính phủ phê duyệt để nhanh chóng ổn định tổ chức, bảo đảm không gián đoạn trong triển khai nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức mới phải hiệu quả, hiệu lực hơn tổ chức cũ”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Bộ trưởng Công Thương: "Tuyệt đối không mất đoàn kết nội bộ và bê trễ công vụ khi tinh gọn bộ máy"- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương hơn lúc nào hết, tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên ngành công thương cần đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để dẫn dắt, thúc đẩy, ngành công thương phát triển", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thông tin về kết quả và thành tích hoạt động năm 2024 như: Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2024 ước đạt gần 800 tỷ USD, tăng 15% so với năm trước và vượt gần 3 lần kế hoạch được giao, ước đạt 783 tỷ USD (trong đó xuất khẩu ước đạt 403 tỷ USD; nhập khẩu ước đạt 380 tỷ USD). Nền kinh tế ước xuất siêu khoảng 25 tỷ USD.

Số liệu tăng trưởng thương mại tuyệt đối của Việt Nam năm 2024 so với năm 2023 ước vượt 100 tỷ USD. Giá trị xuất khẩu tăng hai con số đạt 13,6% so với cùng kỳ năm trước với sự phục hồi tích cực của các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực. Đây là mức tăng trưởng khá cao so với nhiều nước trong khu vực ASEAN và châu Á (trong 10 tháng năm 2024, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 12,7%, Hàn Quốc tăng 9,6%, Thái Lan tăng 4,9%, Indonesia tăng 1,33%).

Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Công Thương khẳng định, vẫn còn những tồn tại, hạn chế yếu kém và vấn đề đặt ra cho Ngành là cần phải tập trung giải quyết.

Theo tư lệnh ngành Công Thương nguyên nhân chính của hạn chế, yếu kém là tinh thần chủ động trách nhiệm trong tham mưu, tính quyết liệt trong tổ chức thực hiện và kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành, ý thức chấp hành của một số đơn vị, tổ chức, cá nhân chưa tốt.

Sự phối hợp giữa các đơn vị, bộ phận với nhau và với các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức triển khai các nhiệm vụ có lúc, có việc còn hạn chế; Công tác kiểm tra, giám sát của cấp trên đối với cấp dưới ở một số đơn vị chưa thường xuyên sâu sát, kịp thời; năng lực, trình độ của một bộ phận công chức, viên chức và tính tiền phong gương mẫu của một số lãnh đạo đơn vị, cán bộ, đảng viên chưa cao.

"Đây là những điểm nghẽn đối với sự phát triển của Ngành trong nhiều năm qua. Chúng ta cần thẳng thắn, nhìn nhận, nghiêm túc khắc phục, tạo sự chuyển biến thực chất và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới", Bộ trưởng nêu rõ.

Bộ trưởng Công Thương: "Tuyệt đối không mất đoàn kết nội bộ và bê trễ công vụ khi tinh gọn bộ máy"- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên (Ảnh: NT).

Lãnh đạo Bộ Công Thương cam kết thực hiện 6 giải pháp để ngành Công Thương phát triển đột phá trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh tập trung hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Điện lực (sửa đổi) và các Nghị định của Chính phủ về cơ chế, chính sách về phát triển Công nghiệp, nhất là các ngành Công nghiệp nền tảng; các loại hình năng lượng mới, điện gió ngoài khơi, điện hạt nhân.

Hàng loạt chỉ đạo "nóng" về tinh gọn bộ máy của Bộ trưởng Công Thương

Liên quan đến vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm là quá trình tinh gọn, sắp xếp bộ máy của Bộ Công Thương. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, phương án vừa được cơ quan này gửi Bộ Nội vụ, Chính phủ: Tổ chức bộ máy của Bộ Công Thương sẽ giảm từ 28 đơn vị xuống còn 23 đơn vị, giảm 05 đơn vị, tương ứng 17,8%.

Trong đó, Bộ đề xuất kết thúc mô hình tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường và chuyển các Cục Quản lý thị trường ở địa phương về UBND các tỉnh, thành phố quản lý theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương, Ban chỉ đạo Chính phủ.

“Đây là việc khó, phức tạp, nhạy cảm nhưng không thể không làm và không thể làm chậm trễ hơn”, ông Diên nói.

Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh: “Tôi đề nghị cấp uỷ, lãnh đạo các đơn vị thuộc bộ cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc chủ trương của Bộ Chính trị và yêu cầu, định hướng của Ban Chỉ đạo Chính phủ và của Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy”.

Ông này khẳng định: Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần phát huy cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, quyết liệt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ này.

Bộ trưởng Công Thương: "Tuyệt đối không mất đoàn kết nội bộ và bê trễ công vụ khi tinh gọn bộ máy"- Ảnh 3.

Lãnh đạo Bộ Công Thương đưa hàng loạt thông điệp về quá trình tinh gọn, sắp xếp của cơ quan này (Ảnh: BCT).

Theo ông Diên, Bộ Công Thương xác định việc sắp xếp tổ chức bộ máy là việc cần làm và phải làm ngay nhưng phải làm khách quan, dân chủ, khoa học, bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả (chứ không phải là sự sắp xếp cơ học). Và khẳng định, đây là chủ trương nhằm giảm thiểu sự chồng chéo, không rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị và “tuyệt đối không để phát sinh tư tưởng, mất đoàn kết nội bộ”.

Ông Diên đề nghị trong quá trình sắp xếp tinh gọn bộ máy của Bộ Công Thương: “không được để xảy ra tình trạng so bì, bê trễ, lơ là trong thực thi công vụ”.

Lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị cấp dưới lưu tâm các vấn đề liên quan đến xử lý tài chính, ngân sách, tài sản công và chuyển tiếp quản lý các dự án đầu tư trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy.

Bên cạnh đó, chủ động rà soát, tham mưu, đề xuất các quy định, cơ chế chính sách phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy mới để bảo đảm mô hình bộ máy mới phải tốt hơn mô hình cũ.

“Mô hình mới phải đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, bỏ trống địa bàn phụ trách”, ông Diên nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem