Người nhà cho biết, chị M đã trải qua 9 năm điều trị vô sinh. Hơn 9 tháng trước, sau khi uống 1 đợt thuốc của thầy lang, chị đã thấy bụng mình to lên. Thầy lang bắt mạch cũng cho biết chị đã có mang nhưng dặn không nên đi siêu âm mà kinh động đến đứa bé.
Tuy nhiên, đến gần 10 tháng mà chị M vẫn chưa có dấu hiệu sinh nở, trong khi bụng rất to khiến chị M chỉ có thể nửa nằm nửa ngồi. Lúc này, chị M mới đi khám ở bệnh viện tỉnh, được các bác sĩ chẩn đoán chị bị u buồng trứng chứ không phải mang thai.
Do khối u quá lớn nên các bác sĩ đã chuyển chị lên Bệnh viện Phụ sản T.Ư. Tại đây, các bác sĩ đã phẫu thuật, lấy ra khối u nặng 7kg kèm theo 16 lít dịch.
Bác sĩ Vũ Bá Quyết – Giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư cho biết, khối u đã bám dính mạc treo ruột, may mà cấp cứu kịp thời nếu không bệnh nhân M có thể bị thủng ruột, chảy máu, nhiễm trùng ổ bụng, nguy hiểm tính mạng.
Theo bác sĩ Quyết, có đến hơn 50% các ca ung thư buồng trứng được phát hiện khi chị em thấy bụng trướng to, rong kinh kéo dài. Tuy nhiên, ở thời gian đầu hầu hết chị em đều nghĩ rằng mình bị bụng to là do béo, rong kinh là bị rối loạn kinh nguyệt do đến thời kỳ tiền mãn kinh, người bị đi tiểu lắt nhắt cũng cho rằng mình bị nhiễm trùng đường nước tiểu. Do đó, hầu hết mọi người đều không đi khám hoặc uống thuốc lá lẩu giải nhiệt quanh nhà.
Điều đặc biệt là hiện bệnh u buồng trứng đã bị trẻ hóa. Mới đây, các bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản T.Ư cũng điều trị cho một bé gái 11 tuổi (ở Hà Nội) có khối u lớn ở buồng trứng. Cha mẹ bé cho rằng con bị béo nên không để ý, đến khi phát hiện là khối u thì đã muộn nên phải cắt bỏ một bên buồng trứng của bé.
Theo một số nghiên cứu, tỷ lệ mắc u buồng trứng tại Việt Nam chiếm từ 3,6- 3,9/ 100.000 người dân và gặp ở mọi lứa tuổi kể cả trẻ dậy thì. Trong số này, phụ nữ chưa có con lại chiếm tỷ lệ rất lớn, đa số tập trung ở phụ nữ dưới 30 tuổi. Các biến chứng thường gặp là gây chảy máu, nhiễm trùng ổ bụng, vô sinh, di căn…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.