Cách mạng Tháng 8: Điển hình nghệ thuật quy tụ sức mạnh toàn dân tộc

Hoàng An Chủ nhật, ngày 19/08/2018 14:16 PM (GMT+7)
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 -  một cuộc cách mạng điển hình của thế kỷ XX đã mở ra một thời đại mới. Đó là minh chứng lịch sử rõ rệt nhất về thiên tài trí tuệ Hồ Chí Minh, bản lĩnh sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đã đưa dân tộc ta đến thắng lợi, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được khai sinh.
Bình luận 0

Với tầm nhìn chiến lược, nhãn quan nhạy bén, sắc sảo và một tầm nhìn vượt thời gian và tài năng xuất chúng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra những dự báo thiên tài, đồng thời có những quyết định chỉ đạo kịp thời, đúng đắn, sáng tạo để giúp dân tộc Việt Nam chuẩn bị các điều kiện cần thiết, tranh thủ thời cơ lịch sử giành lấy những thắng lợi vĩ đại trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Điều này được thể hiện rõ trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Từ dự báo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Từ năm 1927, trong tác phẩm “Đường kách mệnh”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo về khả năng cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam có thể giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở Pháp và giúp đỡ những người vô sản anh em ở Pháp trong cuộc chiến chống lại kẻ thù chung là chủ nghĩa tư bản Pháp. 

Cuối năm 1941, Người đã hoàn thành tác phẩm “Lịch sử nước ta”, được Bộ Tuyên truyền của Việt Minh xuất bản đầu tiên vào tháng 2.1942, bằng nhãn quan chính trị nhạy bén, trí tuệ và tầm nhìn vượt thời gian, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một dự báo thiên tài, cụ thể, trong phần “Những năm quan trọng” ở cuối tác phẩm, Người đã tiên đoán: “1945 Việt Nam độc lập”. 

img

Ngày 19.8.1945, sau cuộc mít-tinh tại quảng trường thành phố, nhân dân Thủ đô Hà Nội đánh chiếm Bắc bộ Phủ, cơ quan đầu não của chính quyền tay sai Pháp ở Bắc Bộ. ẢnhTư liệu TTXVN

Tháng 10.1944, trong “Thư gửi đồng bào toàn quốc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh”.

Khi phát-xít Nhật đầu hàng Đồng Minh, ngày 13.8.1945, Người yêu cầu viết nhiều thư hỏa tốc thúc giục đại biểu các Bắc, Trung, Nam nhanh về Tân Trào họp Hội nghị toàn quốc của Đảng. Tại đây, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc đã ban bố Quân lệnh số 1, hạ lệnh khởi nghĩa: “Giờ Tổng khởi nghĩa đã đánh! Cơ hội có một cho quân dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập của nước nhà!”. 

Ngày 16.8.1945, Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi nhân dân cả nước Tổng khởi nghĩa, trong đó chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Hưởng ứng lời kêu gọi tổng khởi nghĩa của Việt Minh và lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công”, nhân dân cả nước từ nông thôn đến thành thị, từ Bắc chí Nam, từ miền xuôi đến miền ngược, không phân biệt già trẻ, trai gái, giai cấp, dân tộc, tôn giáo… triệu người như một, nhất tề đứng lên giành chính quyền trong cả nước.

img

Với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với sự đoàn kết của cả dân tộc đã làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 (Ảnh tư liệu)

Như một "dòng thác lớn", chỉ trong 15 ngày cuối tháng Tám năm 1945, cao trào cách mạng của quần chúng đã nhấn chìm và cuốn phăng cả ách thống trị của bọn thực dân, đế quốc cùng với bè lũ tay sai bán nước, lập nên chính quyền nhân dân trên cả nước.

…đến thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam

Ở Hà Nội, sáng ngày 19.8.1945, cả Thủ đô vùng dậy, dưới rừng cờ đỏ sao vàng, bừng bừng khí thế, kéo đến mít-tinh ở Quảng trường Nhà hát lớn, nghe lời kêu gọi của Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội, sau đó đi tuần hành thị uy và lần lượt chiếm Phủ Khâm sai, Tòa thị chính, Trại lính bảo an, Sở Cảnh sát và các công sở của chính quyền bù nhìn.

Sau thành công của Cách mạng Tháng Tám, ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, đưa nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do, dân chủ. Trong bản Tuyên ngôn Độc lập có đoạn: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do, độc lập và thực sự đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ quyền tự do độc lập ấy''.

Là một trong những người chứng kiến thời khắc lịch sử của dân tộc nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng, ông Lê Đức Vân – nguyên Ủy viên Ban Thanh vận Đoàn thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu nhớ lại: Sáng 19.8, Ủy ban khởi nghĩa phát đi lời hiệu triệu đồng bào ủng hộ Việt Minh đứng lên giành chính quyền từ tay phát xít Nhật. Đáp lại lời hiệu triệu, những đoàn viên Đoàn thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu với đủ mọi loại vũ khí tự trang bị, dẫn đầu những đoàn biểu tình đông đảo với băng, cờ, khẩu hiệu và khí thế cách mạng đang hừng hực đã tỏa đi khắp nội thành Hà Nội, tổ chức cho quần chúng cách mạng đánh chiếm Phủ Khâm sai, Tòa Đốc lý, Sở Mật thám, Sở Tài chính.

img

Sau thành công của Cách mạng Tháng Tám, ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. 

Mục tiêu quan trọng được giao cho Đoàn thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu lúc bấy giờ là phải chiếm lĩnh Trại bảo an binh trên phố Hàng Bài. Đây là nơi quan trọng của địch ở Hà Nội với hàng nghìn lượt lính Bảo an đoàn trú được trang bị đầy đủ vũ khí.

“Khi Đoàn đến Trại bảo an binh, cổng trại được khóa chặt, có hai lính gác. Sau nhiều lần kêu gọi đầu hàng không được, một đoàn viên đã dùng kiếm chặt đứt dây xích khóa cổng, dòng người tràn vào trong chiếm giữ các vị trí trọng yếu và khống chế lính Bảo an... Đến 18h toàn bộ cơ quan đầu não của chính phủ bù nhìn ở Hà Nội bị ta chiếm giữ. Cuộc cách mạng thắng lợi, chúng ta không phải đổ máu. Nhưng để có được điều đó chúng ta đã phải trải qua một quá trình chuẩn bị từ nhiều năm trước” – ông Lê Đức Vân cho hay.

Nói về thành công của Cách mạng Tháng Tám, Đại tướng Nguyễn Quyết – nguyên Bí Thư Thành ủy Hà Nội năm 1945 nhấn mạnh rằng: đó là nhờ ta nắm vững thời cơ và sáng tạo trong thực hiện. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo sáng suốt, có lúc dùng chính trị, có lúc ngoại giao, lúc thích hợp thì dựa vào sức dân.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một điển hình về nghệ thuật quy tụ sức mạnh toàn dân tộc rất sắc sảo và nhạy bén của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh; phát huy cao độ tinh thần, trí tuệ và truyền thống văn hoá Việt Nam. Từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lịch sử dân tộc đã sang trang mới, chấm dứt ách áp bức nô lệ của chủ nghĩa thực dân, phong kiến; thực sự làm chủ vận mệnh đất nước và chính bản thân mình; dân tộc Việt Nam sánh vai cùng các dân tộc trên thế giới với tư cách là dân tộc đi tiên phong trong đấu tranh cách mạng.

Ngoài ra, đối với thế giới, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là dấu chấm hết, mở đầu thời kỳ tan rã không gì cứu vãn nổi của chủ nghĩa thực dân cũ, tạo nên làn sóng mạnh mẽ cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc trên phạm vi toàn thế giới.

Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám, cùng với thắng lợi to lớn tiếp theo của cuộc kháng chiến lâu dài 30 năm chống Pháp, chống Mỹ, đã nâng cao lòng tự tin, tự hào của nhân dân các dân tộc trên đất nước Việt Nam. Đó là động lực tinh thần rất quan trọng mà nếu phát huy tốt sẽ là bệ phóng cho Việt Nam cất cánh đi vào thế kỷ 21, với nhiều thành tựu mới to lớn.

73 năm đã qua nhưng tầm vóc ý nghĩa thắng lợi, bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng tỏa sáng. Đó là trang chói lọi trong lịch sử của dân tộc ta, một dấu mốc lớn trên con đường phát triển trong suốt chiều dài mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đúng như Hồ Chủ tịch nói: “Với thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám, chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc” .

 Ngày 17.8, Thành đoàn Hà Nội phối hợp với Ban Liên lạc Đoàn Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu tổ chức “Gặp mặt truyền thống nam, nữ thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945”. 

Tại đây, ông Lê Đức Vân - Trưởng Ban Liên lạc Đoàn thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu cho biết: Đội thanh niên tuyên truyền xung phong Thành Hoàng Diệu được thành lập  các đây 74 năm (tháng 8.1944), với khoảng 60 đoàn viên hoạt động công khai, sau đó số lượng thành viên tăng lên khoảng 450, Đoàn tuyên truyền về tổ chức Việt Minh ở những nơi công cộng như: các chợ, trường học, rạp chiếu bóng, xí nghiệp… bằng nhiều hình thức tuyên truyền miệng, rải truyền đơn nhằm tuyên truyền đến đông đảo Nhân dân về Đảng, Bác Hồ và về cách mạng Việt Nam.

Đến nay Đoàn chỉ còn 72 thành viên. Mặc dù các thành viên tuổi đã cao, song các chiến sĩ cách mạng cứu quốc thành Hoàng Diệu luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, gương mẫu trong lao động và sinh hoạt ở địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem