Cận cảnh Bảo vật quốc gia tại chùa Tây Phương xuống cấp nghiêm trọng
Cận cảnh Bảo vật quốc gia tại chùa Tây Phương xuống cấp nghiêm trọng
Thứ ba, ngày 12/03/2024 10:27 AM (GMT+7)
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mới ký quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương. Hiện nhiều hạng mục tại chùa xuống cấp nghiêm trọng.
Chùa Tây Phương (làng Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất) cách trung tâm Hà Nội 40 km về hướng Tây Bắc là nơi quy tụ những kiệt tác điêu khắc Phật giáo Việt Nam thế kỷ 18. Tọa lạc trên đỉnh núi Câu Lâu, bốn bề chùa Tây Phương là đồng bằng màu mỡ, có núi sông - một địa thế đẹp gắn liền với quan niệm phong thủy phương Đông.Năm 2014, chùa được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt về giá trị kiến trúc nghệ thuật.
Chùa Tây Phương có 3 tòa xếp thành hình chữ tam, gồm chùa Thượng, Trung, Hạ. Chùa hiện nay là một quần thể các đơn nguyên, bao gồm: Tam quan hạ, Tam quan thượng, miếu Sơn Thần, Tiền đường, Trung đường, Thượng điện, nhà tổ, nhà Mẫu và nhà khách.
Để lên chùa, du khách cần phải leo qua hơn 200 bậc thang đá ong rêu phong.
Trải qua hàng trăm năm lịch sử, nhiều hạng mục của chùa bị mối mọt, một phần mái ngói của chùa Hạ đã xô lệch, cứ sau mỗi trận mưa là bị thấm dột.Chùa nổi tiếng không chỉ ở sự cổ kính qua truyền thuyết và lịch sử mà còn nổi tiếng ở cảnh quan bởi tọa lạc trên đỉnh núi Câu Lâu.
Chùa Tây Phương có hệ thống tượng pháp đồ sộ, với những kiệt tác hiếm có trong nghệ thuật điêu khắc tôn giáo. Chùa sở hữu 64 pho tượng với các bức phù điêu quý giá, 16 pho tượng Tổ, bộ Tượng Tam Thế Phật, bộ 18 vị La Hán với những cung bậc cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố. Có thể khẳng định Tây Phương là một bảo tàng về tượng Phật giáo Việt Nam.Đây được coi là nơi quy tụ những kiệt tác điêu khắc Phật giáo Việt Nam thế kỷ 18. Năm 2015, Bộ tượng Phật giáo chùa Tây Phương thời Tây Sơn, niên đại cuối thế kỷ 18 đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Ghi nhận của phóng viên Dân trí trong những ngày đầu tháng 3, hàng chục pho tượng cổ trong chùa đã nứt vỡ không còn nguyên vẹn, nhiều mặt tượng bị bong tróc lớp sơn son.
Bộ tượng 18 vị La Hán được nhà thơ Huy Cận đã mô tả trong bài thơ "Các Vị La Hán Chùa Tây Phương". Bài thơ ra đời cách đây hơn 60 năm (1960) và đã được giảng dạy cho học sinh bậc phổ thông.
Một vị cán bộ chùa Tây Phương cho biết, nhiều bức tượng phật trong chùa bị bong tróc lớp sơn son thếp vàng, mái ngói xô lệch, các cột kèo, cánh cửa, tượng phật chất liệu gỗ bị bào mòn…Những năm qua, nhiều cơ quan chức năng đến chùa khảo sát, đánh giá tình trạng xuống cấp để có phương án tu sửa.
Tại khu vực chùa Thượng và chùa Trung đang được đặt hộp nhử mối, thậm chí tại một số chân cột gỗ của chùa đã được khoan lỗ đặt thuốc diệt mối nhưng chưa hiệu quả. Ngày 22/2, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 190/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương.
Chính hội chùa Tây Phương diễn ra vào ngày 6/3 Âm lịch kéo dài đến ngày 10/3, nhưng trước đó đã có nhiều hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian được tổ chức như kéo co, đánh cờ, vật, chọi gà, rối nước, hát xứ Đoài… thu hút không chỉ khách du lịch trong nước mà còn cả nước ngoài.Ngoài lễ Phật cầu mong một năm mới bình an, thuận lợi, du khách còn đến chùa Tây Phương để tận hưởng không khí trong lành, yên tĩnh, tìm sự yên bình thanh tịnh trong tâm hồn.
PV (Theo Dân Trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.