Cần đánh giá độc lực để biết biến chủng Omicron nguy hiểm đến đâu

Diệu Linh Chủ nhật, ngày 28/11/2021 08:59 AM (GMT+7)
Tổ chức Y tế thế giới WHO và nhiều quốc gia đang lên tiếng quan ngại về biến chủng Omicron, chủng virus SARS-CoV-2 mới, lây bệnh với tốc độ siêu khủng, vượt hàng chục lần so với biến chủng Delta đang gây đại dịch hiện nay.
Bình luận 0

Chưa rõ về mức độ nguy hiểm của biến chủng Omicron

Chia sẻ với Dân Việt, 1 chuyên gia dịch tễ cho biết, hiện tại vẫn chưa rõ về độc lực của biến chủng Omicron nên chưa thể đánh giá nó nguy hiểm đến mức độ nào.

Ông cho biết, như biến chủng Delta đang gây hơn 90% số ca nhiễm hiện nay trên thế giới đã được đánh giá là tốc độ lây lan nhanh gấp nhiều lần các chủng cũ Alpha, Beta hay Gamma... và có độc lực mạnh hơn khiến tỷ lệ tử vong cao hơn.

"Việc mở cửa giao thương như hiện nay và việc phủ sóng vaccine Covid-19 rộng rãi thì việc nhiễm virus SARS-CoV-2 không còn là điều "kinh khủng" nữa. Nếu virus không gây bệnh nặng, bệnh nhân tự khỏi như "cảm cúm" thì không đáng lo lắng.

Vì vậy, muốn đánh giá biến chủng Omicron có thực sự nguy hiểm hay không phải đánh giá xem nó có làm gia tăng tỷ lệ bệnh nhân mắc Covid-19 nặng hay không", vị chuyên gia này cho biết.

Cần đánh giá độc lực để biết biến chủng Omicron nguy hiểm đến đâu - Ảnh 1.

Chủng Delta đang gây hơn 90% ca mắc Covid-19 hiện nay và khiến tỷ lệ bệnh nặng tăng cao. Do đó muốn xem biến chủng Omicron có thật sự nguy hiểm hay không cần đánh giá về độc lực của chúng (Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM. Ảnh BYT)

Cùng chung quan điểm này, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM cho rằng, đánh giá biến chủng Omicron có thực sự nguy hiểm hay không cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn.

Bác sĩ Khanh cho biết, một số báo chí quốc tế đưa, nếu đánh giá biến chủng Omicron làm số ca mắc tăng 12 lần 1 tháng mà suy ra nó nguy hiểm hơn chủng Delta là chưa chắc chắn. Vì với chủng Delta, cả thế giới đã thực hiện nhiều biện pháp để chống đỡ, bao gồm cả giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới...

Ngay cả Việt Nam cũng đã xét nghiệm, truy vết, cách ly quyết liệt với chủng Delta. "Chủng Delta mà xả giàn thì chắc chắn nó còn tăng gấp nhiều lần", bác sĩ Khanh chia sẻ.

Còn hiện nay, cùng với việc phủ sóng vaccine nên nhiều nước đã hoạt động bình thường nên nếu có chủng virus mới, nó sẽ gia tăng số ca mắc dễ dàng. Đối với Delta, kể cả tiêm vaccine cũng vẫn có thể mắc virus như biến chủng Omicron.

Chủng Omicron không chui qua được khẩu trang

"Cho tới hiện nay thì quy luật sinh học, càng là virus càng thuần với con người lại càng lây nhanh và càng nhẹ. Do đó, chúng ta không nên quá hoảng loạn. Vì chủng virus lây lan cỡ nào cũng sẽ không chui qua khẩu trang.

Tiêm vaccine Covid-19 sẽ làm chúng ta không bị bệnh nặng. Do đó, chúng ta hãy kiên định với 5K và tiêm vaccine đủ 2 mũi để bảo vệ mình và mọi người", bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

Trước đó, bác sĩ Khanh cũng chia sẻ: "Virus hô hấp có nhiều chủng, nhiều loại và có sự cạnh tranh rất lớn. Theo từng năm, virus này "lên ngôi" gây dịch và năm khác virus khác lại vươn lên. Nhưng dù là virus gì mà không gây tử vong là tín hiệu tốt.

Covid-19 rồi sẽ qua, không phải căn bệnh gì ghê gớm. Vì theo quy luật tự nhiên, chu kỳ 10-20 năm sẽ có một loại virus mới gây bệnh nguy hiểm. Nếu không có Covid-19, sẽ có một bạo bệnh khác.

Hãy tiêm vaccine Covid-19 để tạo miễn dịch cộng đồng. Đó chính là cách góp sức để làm suy yếu SARS-CoV-2 nhanh nhất mà bạn có thể làm được ngay", bác sĩ Khanh chia sẻ.

Cần đánh giá độc lực để biết biến chủng Omicron nguy hiểm đến đâu - Ảnh 2.

Tiêm vaccine Covid-19 và đeo khẩu trang vẫn là biện pháp tốt nhất để phòng virus SARS-CoV-2, cho dù là chủng Delta hay biến chủng Omicron. (Tiêm vaccine Covid-19 tại TP.HCM. Ảnh HCDC)

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đặt tên cho biến chủng Covid-19 mới B.1.1.529 là Omicron (được tìm thấy mới đây ở Nam Phi), đồng thời phân loại vào dạng biến thể đáng quan ngại. WHO cũng yêu cầu các quốc gia tăng cường giám sát và giải trình tự gene virus biến thể mới này.

Còn các nhà khoa học đã mô tả biến chủng Omicron là biến thể tồi tệ nhất mà họ từng thấy kể từ khi đại dịch bùng nổ với tổng cộng 32 đột biến trong protein gai, phần mà hầu hết các loại vaccine sử dụng để tạo ra hệ thống miễn dịch chống SAR-CoV-2, gấp đôi số lượng đột biến liên quan đến biến thể Delta.

Các đột biến trong protein đột biến có thể ảnh hưởng đến khả năng lây nhiễm và lây lan của virus, nhưng cũng khiến các tế bào miễn dịch khó tấn công mầm bệnh hơn.

Theo báo Tin tức vừa đưa, ngày 26/11, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla tuyên bố biến chủng Omicron mới phát hiện tại nước này không gây ra tình trạng bệnh Covid-19 nặng.

Bộ trưởng Phaahla nói rằng cho đến nay, các bác sĩ và giới chuyên gia chưa tìm thấy bằng chứng nào cho thấy biến Omicron gây ra tình trạng bệnh nặng ở người bị nhiễm.

Theo ông, hiện còn quá sớm để khẳng định xu hướng diễn biến của dịch bệnh gắn với sự xuất hiện của Omicron.

Bộ trưởng Phaahla nói rằng chính phủ Nam Phi nhận thức rằng việc một số nhà khoa học ra tuyên bố về Omicron đã gây ra tâm lý hoảng sợ và bất an. Đây là phản ứng thiếu cơ sở khoa học. Ông nhấn mạnh có đầy đủ lý do để tin rằng các vaccine hiện vẫn hiệu quả trước biến thể mới.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem