Cao Bằng: Cần quan tâm tới tình trạng tảo hôn ở Khuổi Khâu-"lời ru buồn" dưới chân núi

Đăng Hiếu Thứ ba, ngày 05/04/2022 13:15 PM (GMT+7)
Xóm Khuổi Khâu cũ, nay là xóm Cốc Pàng, xã Cốc Pàng (huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) nép mình dưới chân núi Lũng Cò, xóm chủ yếu là người Mông sinh sống. Từ nhiều năm nay, tình trạng người dân tảo hôn, sinh đẻ không có kế hoạch làm cho cái đói, cái nghèo cứ bám lấy xóm.
Bình luận 0

Dù lực lượng chức năng đã tuyên truyền, vận động nhưng “lời ru buồn” vẫn vang mãi nơi đây.

Sau 4 năm, nay tôi mới có dịp trở lại xóm. Con đường vẫn thế nhưng nhiều năm không được sửa chữa khiến cho mặt đường trở nên gồ ghề, có những đoạn lên dốc lởm chởm đá. Ngồi sau xe anh Giàng A Chứ, một người dân ở xóm Cốc Pàng, tôi phải ghì hai tay vào thành xe cho khỏi bị rơi.

    Cao Bằng: Ở nơi này những cô bé làm mẹ từ tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới", "lời ru buồn" dưới chân núi - Ảnh 1.

    Những bé gái người Mông ở Cốc Pàng (xã Cốc Pàng (huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) làm mẹ khi mới 14, 15 tuổi.

    - Đường bây giờ xấu hơn trước rồi nhà báo ạ. Do mưa nhiều, không được sửa chữa nên nhiều “ổ trâu”, “ổ voi” lắm. A Chứ bắt đầu câu chuyện.

    - Tôi đã lên xóm cách đây 4 năm rồi A Chứ ạ. Không biết cuộc sống của người dân ở bản mình có gì thay đổi không?

    A Chứ bảo để tôi tự cảm nhận sự đổi thay và khó khăn, hạn chế của xóm. Những giọt mồ hôi đổ đầy lưng áo A Chứ. Lâu lâu, anh dừng xe để chờ những người đi sau. Đưa tay quyệt mồ hôi trên mặt, A Chứ vừa thở, vừa nói:

    - Ở đây, người dân sinh nhiều con nên cuộc sống rất vất vả. Do chỉ làm rẫy, trồng ngô, nuôi bò nên kinh tế không phát triển. Quanh năm người dân chỉ ở trong xóm, nhận thức về sức khỏe sinh sản còn nhiều hạn chế.

    - Thế anh A Chứ có mấy con rồi. Tôi hỏi?

    - Nhà mình có ba đứa. Mình không sinh thêm nữa đâu. Nuôi nhiều khổ lắm. A Chứ vừa cười vừa trả lời. Nụ cười trong vắt đối ngược với khuôn mặt già dặn của chàng trai người Mông mới 25 tuổi làm tôi có nhiều suy nghĩ.

    30 phút sau, chúng tôi đến xóm Cốc Pàng. Hình ảnh đầu tiên trước mắt tôi là 5, 6 đứa trẻ nheo nhóc của gia đình bà Giàng Thị Mị, mặt mũi lem luốc, đứa bé nhất tầm 1 tuổi, đứa lớn khoảng 3, 4 tuổi. Những đứa trẻ ngơ ngác khi nhìn thấy có người lạ đến xóm. Đại úy Chu Thanh Xuân, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cốc Pàng phát kẹo cho mấy em bé. Tôi nghĩ những ánh mắt long lanh, vui mừng của những em bé đó giá như ở Thành phố sẽ được đến trường, chạy nhảy nô đùa cùng các bạn. Tôi mong tương lai những đứa trẻ sẽ tươi sáng hơn khi chúng lớn lên.

    Đại úy Xuân dẫn chúng tôi đến thăm gia đình vợ chồng anh Thào Mí Chu và chị Giàng Thị Súa. Trước cửa nhà có treo một miếng vải và hai bắp ngô màu đỏ, Đại úy Xuân bảo, nhà này lại mới sinh thêm con rồi. Thấy tôi ngạc nhiên, Đại úy Xuân nói thêm:

    - Ở các bản người Mông khi nhà nào có chuyện vui họ sẽ treo những mảnh vải đỏ trước cửa. Những ngày gần đây, xóm không có đám cưới, cũng không vào nhà mới thì chắc chắn gia đình họ vừa sinh thêm con.

    Cao Bằng: Ở nơi này những cô bé làm mẹ từ tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới", "lời ru buồn" dưới chân núi - Ảnh 3.

    Cán bộ Đồn Biên phòng Cốc Pàng phát bánh kẹo cho trẻ em xóm Cốc Pàng, xã Cốc Pàng (Bảo Lạc).

    Chúng tôi bước vào nhà chị Súa. Dù ban ngày nhưng tôi phải với tay bật điện để tiện cho việc ghi chép. Người phụ nữ đang cho con bú có chút ngại ngùng khi tôi tiến đến gần để hỏi chuyện. Tôi cũng có chút ngỡ ngàng vì nhìn mặt người phụ nữ đã luống tuổi, mặt hằn rõ những nếp nhăn, khóe mắt phảng phất một nỗi buồn khó diễn tả.

    Sau khi hỏi thăm, tôi biết chị năm nay mới 36 tuổi, đã có 6 người con và mới đẻ thêm một em bé được gần 1 tháng. Tôi nhờ anh A Chứ làm phiên dịch để phỏng vấn chị Súa một vài câu hỏi. 

    Chị Súa bẽn lẽn trả lời bằng tiếng Mông rằng: Ở xóm không phải chỉ riêng tôi sinh nhiều con, mà nhà nào cũng có 5, 6 người con. Tôi cứ đẻ đến lúc nào không đẻ được nữa thì thôi.

    Đang nói chuyện thì đứa bé cựa quậy và khóc ré lên. Chị xoa lưng và ru con bằng tiếng Mông. Tôi cũng không biết chị ru bài gì, vừa ru ánh mắt chị vừa nhìn ra cửa xa xăm, đầy suy nghĩ.

    Trong nhà chị Súa còn có một người phụ nữ, từ lúc chúng tôi bước vào nhà chỉ ngồi khép nép bên gường. Chị Súa bảo đó là con dâu của chị.

    - Nó cũng đang có bầu, hai tháng nữa nó đẻ. Chị Súa tươi cười nói: Con dâu tôi là Giàng Thị Cái, mới 15 tuổi. Cô bé người Mông sống ở bên kia núi. Tuổi mới lớn, Giàng Thị Cái gặp mặt chồng trong một phiên chợ xuân. Hai người yêu nhau và được chồng bắt về làm vợ. Kết hôn vào đầu năm 2021, lúc đó Cái và chồng mới 14 tuổi, chưa đủ tuổi kết hôn. Sau ngày cưới, gần sáu tháng sau Giàng Thị Cái có bầu.

    - Em còn trẻ sao không đi học mà lấy chồng sớm thế. Tôi hỏi Cái.

    - Nhà em nghèo lắm. Ở tuổi của em họ có con hết rồi. Hôm nay, bố và chồng em đi rẫy, mấy hôm nay em ốm nên hai mẹ con ở nhà. Cuộc sống vất vả lắm. Em chỉ ước mình chưa lấy chồng sớm để được đi học như các bạn ở Thành phố. Giàng Thị Cái bẽn lẽn trả lời.

    Đại úy Chu Thanh Xuân cho biết: Sinh đẻ không có kế hoạch và tảo hôn là thực tế nhức nhối đang diễn ra ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Cao Bằng, nhất là đối với đồng bào Mông. 

    Tại xã Cốc Pàng, theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm có hàng chục trường hợp tảo hôn, nhiều trường hợp kết hôn khi mới 13, 14 tuổi. Đối với xóm Cốc Pàng, nhà nào cũng có 5, 6 người con, những hệ lụy từ tảo hôn và sinh đẻ không có kế hoạch dù đã được tuyên truyền, nhắc nhở nhưng tình trạng này vẫn diễn ra dai dẳng từ năm này qua năm khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác.

    Xóm Cốc Pàng có 100% hộ là dân tộc Mông, bà con chủ yếu làm rẫy nên cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Đối với họ, việc bỏ tiền ra cưới vợ cho con đồng nghĩa với việc trong nhà sẽ có thêm người làm nương, làm rẫy, có thêm người cáng đáng việc gia đình. 

    Còn sinh nhiều con là do trời cho nhiều lộc. Hệ lụy của nạn tảo hôn, sinh đẻ không có kế hoạch đã tác động rất xấu đến đời sống xã hội. Các em chưa tự chăm lo được cho mình đã phải làm bố, làm mẹ. Đói nghèo, bệnh tật, thất học, tảo hôn, sinh nhiều con cứ luẩn quẩn như một vòng tròn bủa vây xung quanh họ.

    Bí thư Đảng ủy xã Cốc Pàng Chu Văn Hòa nhấn mạnh: Thời gian tới, địa phương tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật liên quan đến hôn nhân, gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết cũng như làm rõ những hậu quả, tác hại và hệ lụy do vấn nạn này gây ra. Qua đó, nâng cao nhận thức, dần thay đổi hành vi, từng bước hạn chế và tiến tới chấm dứt hoàn toàn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn.

    Chiều xuống, bản Mông trở nên đông đúc, nhộn nhịp hơn, bà con trở về nhà sau một ngày dài vất vả lao động, sản xuất trên nương rẫy. Không khó để bắt gặp vô số những bà mẹ trẻ địu con trên lưng trông giống như chị cõng em. Chúng tôi xuống núi mà nghe văng vẳng đâu đó tiếng ru đượm buồn của chị Súa và ánh mắt ngây thơ của những em bé nơi đây…

    Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày Xem