Cầu treo dân sinh “đói” kinh phí

Thứ bảy, ngày 10/05/2014 07:18 AM (GMT+7)
Thu hút nguồn vốn xã hội hóa xây dựng cầu treo dân sinh theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) là giải pháp đang được Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) Thái Nguyên hướng tới trong bối cảnh nguồn vốn từ ngân sách còn hạn hẹp.
Bình luận 0
Nguy hiểm vẫn phải dùng

Tại Thái Nguyên, thống kê của Sở GTVT cho biết hiện địa bàn tỉnh có đến 14/49 cầu treo đang sử dụng ở tình trạng nguy hiểm, 8 cầu treo tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Hầu hết các cầu đều không được duy tu, bảo dưỡng định kỳ.

Còn nhiều cầu treo không đủ kinh phí duy tu, bảo trì gây nguy hiểm cho người dân (ảnh chụp tại Yên Châu, Sơn La).
Còn nhiều cầu treo không đủ kinh phí duy tu, bảo trì gây nguy hiểm cho người dân (ảnh chụp tại Yên Châu, Sơn La).

Ông Trương Văn Phụng – Giám đốc Sở GTVT Thái Nguyên khẳng định: Thực trạng cầu treo dân sinh thuộc các tuyến đường xã rất khó khăn trong việc bố trí kinh phí duy tu, bảo dưỡng. Thậm chí có những cầu không bố trí được nguồn vốn. Có huyện đã cho phép cấp xã tổ chức đấu thầu thu phí và chịu trách nhiệm kiểm tra, sửa chữa những hư hỏng nhỏ. “Bảo trì theo cách này chỉ sửa chữa, khắc phục lỗi hư hỏng ở mặt cầu hay sơn chống gỉ cho kết cấu thép. Vấn đề kỹ thuật liên quan đến tải trọng hay kết cấu cáp – neo của cầu cấp xã, thậm chí cấp huyện cũng chưa thể đánh giá được đầy đủ”- ông Phụng nói.

Một trong những hướng để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong việc xây dựng cầu treo dân sinh đang được Sở GTVT Thái Nguyên tính đến là thực hiện theo hình thức BOT. Hiện trên địa bàn tỉnh đang có 3 cầu treo thực hiện theo hình thức này là cầu treo bến Oánh, cầu Đát Ma và cầu treo Đồng Liên. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, những cầu treo đầu tư theo hình thức này được chủ đầu tư thực hiện bảo trì, bảo dưỡng khá tốt, đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Vấn đề là, với các cầu treo được đánh giá nguy hiểm, cần tính toán phương án để thu hút nhà đầu tư nhưng cũng cần cân đối đến mức phí đối với người dân địa phương.

Dừng khai thác cầu treo xuống cấp nặng

Thống kê của Bộ GTVT tính đến ngày 22.3 cho thấy, cả nước có 1.944 cầu treo, trong đó có 1.135 cầu (58%) đủ điều kiện khai thác bình thường; 809 cầu (hơn 40%) còn lại đã bị hư hại, xuống cấp cần sửa chữa.

Triển khai ngay 186 cầu treo dân sinh
Trong bối cảnh huy động vốn xây dựng cầu treo dân sinh còn gặp nhiều khó khăn, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vẫn chỉ đạo phải hoàn thành xây dựng Đề án xây dựng 186 cầu treo dân sinh giai đoạn 1 đúng kế hoạch đề ra và làm cơ sở để tiếp tục triển khai xây dựng các cầu của giai đoạn tiếp theo. Để kế hoạch được triển khai sớm, Bộ Giao thông vận tải khẳng định, sẽ tạo mọi cơ chế tốt nhất để hoàn thành Đề án.

Trước tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ vừa có công văn yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng các công trình cầu treo và cầu dân sinh trên địa bàn. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố dừng ngay việc khai thác đối với các cầu đã hết thời gian khai thác hoặc bị xuống cấp nặng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông và tổ chức phương án giao thông thay thế, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn. Các tỉnh, thành phố cần chủ động bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương và Quỹ Bảo trì đường bộ của địa phương để sửa chữa, nâng cấp hoặc đầu tư mới thay thế các cầu yếu không đảm bảo an toàn giao thông.

Trong bối cảnh nguồn vốn từ ngân sách còn hạn hẹp, để sửa chữa, nâng cấp hoặc đầu tư mới cầu treo dân sinh, một trong những giải pháp các tỉnh, thành có thể hướng tới là thu hút nguồn vốn xã hội hóa theo hình thức BOT.

Minh Phong (Minh Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem