Ngâu là cây cảnh rất thường gặp ở các gia đình nông thôn xưa. Mọi người thích trồng ngâu làm cây cảnh, hàng rào, vừa có hàng rào xanh tươi đẹp vừa thưởng thức hoa thơm suốt 4 mùa.
Mùi thơm của hoa ngâu rất nồng nàn. Tôi còn nhớ những ngày ở quê, mỗi sáng thức giấc hay buổi tối đi dạo trên đường làng, mùi hoa ngây bay lơ lửng trong không khí, khiến tôi như được tắm mình trong nước hoa vậy.
Hoa ngâu phơi khô còn là thức uống thơm mát, dưỡng nhan mà các bà các cô rất thích. Hơn nữa, cây cảnh này còn có ý nghĩa phong thủy rất đặc biệt.
Đặc điểm của cây cảnh ngâu
Cây ngâu hay còn được gọi là ngâu ta, tên tiếng Anh là Chinese perfume tree, Chinese rice flower, mock lemon, tên khoa học là Aglaia duperreana, thuộc họ xoan, chi gội.
Thực chất, quê hương chính của ngâu cũng là ở Việt Nam. Cây cảnh này gắn bó với văn hóa của người nông dân xưa. Hầu hết các gia đình nông thôn đều trồng ngâu thành bụi hai bên cửa hoặc làm hàng rào.
Đình chùa và các công trình văn hóa tín ngưỡng của người Việt cũng luôn có bóng dáng và hương thơm của hoa ngâu.
Hoa ngâu có mặt trên các mâm hoa cúng để tỏ lòng thành kính, thơm thảo với tổ tiên, Thần Phật. Hoa ngâu dùng để pha trà, làm túi thơm ướp quần áo...
Loài hoa này chính là loài hoa 4 mùa. Thời kỳ ra hoa chính của chúng là từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm nhưng nếu khí hậu ấm áp, chúng nở hoa quanh năm, bất chấp mùa đông.
Cây ngâu cao khoảng 1 - 7m, thường mang nhiều cành nhánh và tạo thành bụi. Lá cây ngâu là lá dạng kép, có màu xanh thẫm bắt mắt, hình bầu dục và hơi nhọn về phần đuôi.
Đồng thời, lá của cây mọc xen kẽ nhau, mặt lá nhẵn bóng, viền nguyên vẹn mà không có răng cưa, khi mọc thì tạo thành một tán dày, um tùm và rất đẹp mắt.
Cứ độ khoảng tháng 4 - tháng 9 mỗi năm, cây ngâu sẽ nở những đóa hoa nhỏ nhắn ở phần nách lá, chỉ lớn khoảng 2mm và thường mọc thành các chùm dài từ 5 - 10cm, mang màu vàng tươi xinh xắn, mùi thơm thoang thoảng, dịu nhẹ.
Ngoài ra, quả của cây ngâu có màu đỏ hoặc cam, kích thước cũng khá nhỏ và thường khó kết trái nếu trồng trong chậu.
Hoa ngâu nhỏ li ti như hạt kê, giống như rắc vàng trên nền lá xanh, tỏa mùi thơm ngát, đặt trong nhà có tác dụng thanh lọc không khí.
Ý nghĩa phong thủy của cây cảnh ngâu
Hoa ngâu nhỏ nhưng tỏa ra hương thơm nồng nàn, có tác dụng thư giãn tinh thần, thời gian ra hoa dài, hầu như quan năm nên rất được mọi người ưa thích.
Ngôn ngữ hoa của hoa ngâu là "nếu có tình yêu và sự sống thì hoa sẽ nở rộ". Ngôn ngữ loài hoa này không chỉ phản ánh nét đặc trưng của hoa ngâu mà còn hàm chứa tinh thần cống hiến thầm lặng, cao quý.
Mỗi bông hoa ngâu nhỏ nhắn và tinh tế, như những ngôi sao treo giữa những chiếc lá. Hoa vàng thơm thỏa, lá xanh thanh nhã, hoa ngâu không cạnh tranh với những loài hoa rực rỡ khác mà mang đến sự bình yên và dịu dàng, một sự quyến rũ thầm kín mà khó phai nhòa, như mùi hương của chúng vậy.
Như đã nói, cây cảnh này có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của người Việt. Trong phong thủy, cây ngâu đóng vai trò như một chiếc bình phong chấn thủy của cả căn nhà, giúp ngăn chặn và xua đuổi những làn khí xấu, tà ma.
Đồng thời, cây cảnh này cũng thu hút thêm nhiều may mắn, vượng khí tốt và đồng thời cũng cân bằng nguồn năng lượng các mệnh của mọi thành viên trong gia đình.
Bên cạnh đó, với sức sống dẻo dai, dồi dào và cành lá um tùm, xum xuê, cây ngâu sẽ mang đến cho gia đình bạn nhiều tài lộc, sung túc, ngoài ra còn giúp cuộc sống gia đình thêm an yên, hòa thuận và gắn bó với nhau.
Trồng ngâu ngoài sân, trong nhà sẽ giúp cho các thành viên trong nhà một tinh thần sảng khoái và dồi dào năng lượng để chinh phục các mục tiêu riêng.
Cách trồng và chăm sóc cây cảnh ngâu
Cây ngâu trồng ngoài sân vườn hầu như không phải chăm sóc gì. Tuy nhiên, một số người phàn nàn cây ngâu của họ trồng (đặc biệt là ngâu trồng trong chậu) chỉ có lá xanh rất tươi tốt nhưng không có hoa.
Trên thực tế, điều này liên quan nhiều đến phương pháp chăm sóc của bạn. Để chăm sóc cho cây cảnh này nở hoa thường xuyên, bạn cần lưu ý:
1. Tạo môi trường phù hợp
Mặc dù cây cảnh này có thể chịu được một lượng bóng tối nhất định, nhưng nên duy trì nó ở nơi có đủ ánh sáng, dù trong nhà hay ngoài trời.
Ngoại trừ việc duy trì bóng râm vào mùa hè khi ánh sáng mạnh nhất, còn vào các mùa khác nên để nó tự do nhận ánh sáng. Ánh sáng càng tốt thì sức khỏe của cây cảnh càng tốt.
Ngược lại, nếu duy trì trong môi trường không đủ ánh sáng trong thời gian dài, cây cảnh sẽ mọc dài ra, cành lá yếu ớt, khó nở hoa.
Tuy nhiên, nếu bạn mang cây ra nắng cần phải có quá trình. Nếu bê ngay ra dưới trời nắng gắt, cây cảnh có thể gặp nhiều vấn đề như lá vàng, rụng lá...
Có một điều khác cần chú ý khi duy trì môi trường ngoài ánh sáng tốt, bạn còn phải đảm bảo thông gió tốt có thể giảm thiểu việc xảy ra các vấn đề về lá vàng, thối rễ hay sâu bệnh.
2. Bón phân
Cây cảnh này phát triển rất nhanh và thời gian ra hoa dài nên có yêu cầu dinh dưỡng tương đối cao. Không nên sử dụng phân bón có hàm lượng nitơ cao để bón cho hoa ngâu vì phân đạm sẽ làm mọc lá nhiều, hoa ít.
Nếu cây cảnh chỉ mọc lá mà không có hoa nở thì nên sử dụng phân bón hỗn hợp cân đối đạm, lân và kali để bón cho cây, mỗi lần bón một chút và có thể rắc trực tiếp lên bề mặt đất trồng giúp các chất dinh dưỡng có thể thẩm thấu đều.
Nói chung, nên bón phân hỗn hợp nửa tháng một lần. Cây cảnh cũng có thể ra nụ hoa khi đang mọc lá, vì chất dinh dưỡng tương đối đồng đều.
Trước thời kỳ ra hoa, khoảng tháng 5, bạn có thể bón thêm phân lân và kali, sau khi pha loãng với nước, phun lá và tưới rễ cùng lúc, điều này có lợi cho sự phân hóa nụ hoa và cho phép cây cảnh ra hoa nhiều hơn.
3. Nước
Cây cảnh này thích môi trường bảo dưỡng tương đối ẩm ướt, đặc biệt là vào mùa hè, sau khi nhiệt độ tăng lên, nhu cầu về nước sẽ cao hơn.
Thông thường, nên đợi cho đến khi bề mặt đất trong chậu khô khoảng 2 cm thì hãy tưới nước, đồng thời đảm bảo thông gió.
Khi không khí tương đối khô vào mùa hè, bạn có thể phun xung quanh cây để tăng độ ẩm. Lượng nước vừa đủ không chỉ làm cho lá cây cảnh xanh hơn mà còn làm giảm hiện tượng vàng lá và rụng lá.
4. Cắt tỉa
Việc cắt tỉa cây cảnh này thường được thực hiện vào mùa xuân. Cắt tỉa một số cành chết, cành mỏng hoặc cành không đáp ứng được mức tăng trưởng như mong đợi.
Sau khi cắt tỉa vào mùa xuân, bạn không nên tiếp tục cắt tỉa nữa. Việc cắt tỉa quá muộn có thể dễ dàng cắt bỏ nụ hoa và ảnh hưởng đến sự ra hoa của nó.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.