Chăm lo tốt cho người có công

Thuỳ Anh Thứ hai, ngày 19/09/2022 11:02 AM (GMT+7)
Thời gian qua, khắp các tỉnh thành trong cả nước tổ chức nhiều hoạt động chăm sóc, ưu đãi người có công và gia đình người có công. Các hoạt động này được thực hiện thường xuyên, liên tục thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Bình luận 0

Hỗ trợ xây, sửa nhà

Phóng viên tới thăm gia đình bà Nguyễn Thị Hoa Ngãi (ở thị trấn Me, huyện Gia Viễn, Ninh Bình) vào chiều đầu thu, ngôi nhà vừa được địa phương hỗ trợ sơn, sửa lại. Gương mặt không giấu nổi niềm vui, bà Ngãi hồ hởi kể: Trước đây cả hai ông bà đều tham gia kháng chiến chống Mỹ. Cách đây chục năm, chồng mất, nhà lại neo người, kinh tế khó khăn nên ngôi nhà của bà mãi không thể xây sửa lại được.

"Năm nay được sự quan tâm của chính quyền, người dân mà gia đình tôi sửa được nhà. Giờ đây mỗi lần mưa gió là chúng tôi không còn sợ nữa"- bà Ngãi nói.

Chăm lo tốt cho người có công - Ảnh 1.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Việt (phải) chia sẻ về những vết thương khi chiến đấu ở chiến trường Vị Xuyên. Ảnh: P.V

Tỉnh Ninh Bình đang chi trả trợ cấp cho 71.000 đối tượng, với số tiền là 133,6 tỷ đồng/tháng. Từ năm 2012 đến tháng 3/2022 tỉnh cũng xác nhận mới giải quyết mới chế độ ưu đãi người có công với cách mạng cho 12.288 trường hợp, giải quyết trợ cấp một lần cho gần 394.000 người có công và thân nhân với tổng kinh phí trên 1.000 tỷ đồng.

Huyện Gia Viễn có hơn 4.800 người có công. Những năm qua, bên cạnh việc thực hiện đúng, đủ, kịp thời chính sách, chính quyền địa phương cũng phát động nhiều phong trào việc làm thiết thực chăm sóc tốt hơn đời sống cho người có công và thân nhân của họ. Có thể kể đến như chương trình toàn dân tham gia ủng hộ, xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ người có công còn khó khăn về nhà ở; chăm sóc Mẹ Việt Nam anh hùng; tặng quà người có công trong dịp lễ tết...

Ông Nguyễn Công Huấn (ở xã Gia sinh, huyện Gia Viễn, Ninh Bình) là một trong những cựu chiến binh nhận được sự hỗ trợ để tham gia phát triển kinh tế. Ông Huấn cho biết: "Huyện có hỗ trợ cấp vốn cho chúng tôi vay chăn nuôi bò. Chúng tôi mua bò bê, nuôi, nhân giống rồi lấy con mới và trả lại vốn đó để sau đó để luân chuyển cho các địa phương khác. Nhờ vậy, kinh tế gia đình bớt khó khăn".

Cùng chung niềm phấn khởi, ông Bùi Hoàng Khánh (Gia Hưng, Gia Viễn) cho biết, anh em thương bệnh binh, người có công và thân nhân của người có công ở địa phương rất vui mừng vì được chăm sóc toàn diện, không chỉ về tinh thần mả cả về vật chất.

6 tháng đầu năm huyện Gia Viễn đã tiến hành chi trả trợ cấp thường xuyên cho hơn 3.300 đối tượng với số tiền trên 37 tỷ đồng; trợ cấp 1 lần cho 241 đối tượng với số tiền hơn 2,5 tỷ đồng. Nhân dịp 75 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ, huyện đã tổ chức chỉnh trang lại nghĩa trang liệt sĩ, tặng hơn 4.000 suất quà cho người có công với cách mạng.

Ông Phạm Ngọc Hà - Chủ tịch UBND thị trấn Me, huyện Gia Viễn cho biết, vừa qua ngoài số quà quy định của Chủ tịch nước, địa phương cũng bố trí kinh phí từ quỹ đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội để tổ chức gặp mặt và tặng quà cho hơn 200 đối tượng người có công. Ngoài ra, địa phương cũng chú trọng tới việc xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công còn khó khăn.

Giải quyết cơ bản hồ sơ tồn đọng

Nghệ An là một trong những địa phương có số lượng người có công lớn nhất cả nước. Những năm qua, tỉnh đã có nhiều chế độ chính sách, quan tâm, hỗ trợ tới người có công và gia đình của họ. Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, gia đình ông Phạm Bá Tiến (Thanh Hà, Thanh Chương) đã được nhận Bằng Tổ quốc ghi công cho ông nội ông sau 90 năm chờ đợi.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Việt (xã Nam Nghĩa, Nam Đàn) cũng vừa đón nhận niềm vui. Ông Việt từng chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang). Năm 1984, ông bị thương tại chiến trường. Gần 40 năm nay ông chỉ nhận được chế độ bệnh binh vì có trục trặc việc làm thủ tục. Mới đây, thực hiện Nghị định 131/2021 (quy định chi tiết thực hiện Chế độ ưu đãi người có công với cách mạng), ông Việt mới được hưởng chế độ thương binh. "Từ tháng 5/2022 đến nay tôi được hưởng chế độ thương binh, tiền chế độ cũng giúp giảm bớt khó khăn đời sống của tôi"- ông Việt nói.

Lãnh đạo Sở LĐTBXH tỉnh Nghệ An cho biết, từ năm 2012 tới tháng 3/2022, toàn tỉnh Nghệ An đã giải quyết được trên 12.000 hồ sơ tồn đọng của người có công. Nhiều thương bệnh binh nhận được ưu đãi, nhiều gia đình dòng họ đã được yên lòng vì được sự quan tâm của Nhà nước. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem