Hàng ngày, cứ tờ mờ sáng, anh Phương lại cầm vợt ra hồ thuỷ lợi Phú Ninh (huyện Phú Ninh) làm việc. Đến nơi, anh Phương lội xuống hồ, tiến đến những chùm lá cây đặt nằm dưới nước để thu hoạch tôm, tép. Một tay nâng nhẹ chùm lá nằm dưới đáy, một tay cầm vợt đưa vào chùm lá rồi giũ mạnh. Trong tích tắc, hàng trăm con tôm tép tươi rói nằm trọn trong vợt của người thợ.
Mỗi kg tôm, tép bán từ 100 ngàn đến 150 ngàn đồng.
“Người thợ cần phải có “nghề” mới bắt được. Khi đưa chiếc vợt vào chùm lá đòi hỏi thực hiện động tác nhẹ nhàng, một tay nâng từ từ chùm lá lên, một tay khéo léo luồn chiếc vợt vào phía dưới để làm sao không gây ra tiếng động. Nếu người thợ sơ sẩy tạo ra rung lắc nhẹ chùm lá thì không còn một con tôm tép nào ở trong”, anh Phương tiết lộ.
Chia sẻ về bí quyết, anh Phương cho biết, anh bẻ cành cây rồi bó lại thành hình nan quạt thả xuống hồ. Mỗi ngày, anh bỏ khoảng 60 chùm lá cây dọc ven lòng hồ, nơi sâu nhất gần 1m, nơi cạn khoảng 30cm. Lá cây ngâm xuống nước tạo môi trường cho tôm tép đến trú ẩn, nhất là ngày nắng nóng thì chúng vào ở nhiều.
Anh Phương và đồ nghề bắt tép, trong đó có bó lá cây dùng để dụ tép.
“Để dụ tôm tép vào ở thì chọn loại lá cây rất quan trọng. Người thợ phải chọn những loại lá không có chất cay và để trong nước lâu rụng. Lá của cây đủng đỉnh thích hợp nhất đối với việc dụ tôm tép vào ở, bởi chúng có đặc điểm giống hình nan quạt, khi bó lại rất dễ. Một đặc điểm khác, lá đủng đỉnh ngâm xuống nước để cả tháng mới mới mục” - anh Phương chia sẻ và cho hay, ngày nhiều anh bắt được khoảng 5kg, ngày ít vài kg tôm tép.
Tôm tép thu hoạch được, vợ anh Phương đưa ra phiên chợ buổi sáng bán với giá từ 100 ngàn đến 150 ngàn đồng mỗi kg. “Ngày nhiều thu về được 500 ngàn đồng, ngày ít hơn 200 ngàn, trung bình mỗi ngày thu khoảng 300 ngàn đồng. Mức thu nhập này so với người nông dân cũng khá cao” - anh Phương bộc bạch.
Bắt tôm tép bằng lá cây trở thành nghề chính của gia đình ông Lợi.
Cách nơi anh Phương đặt lá khoảng 200m, người bác ruột mà anh từng theo học nghề ông Lê Ngọc Lợi (54 tuổi) cũng đang bắt tôm tép bằng lá cây. Ông Lợi có gần 10 năm hành nghề và quen thuộc địa điểm khai thác được nhiều thủy sản. Ở những bãi đá là nơi tôm tép đến ở nhiều nên ông thường xuyên bỏ lá để bắt. Tuy nhiên, khi hành nghề phải cẩn thận, di chuyển không cẩn thận bị ngã, đá cắt vào chân chảy máu.
“Loại thủy sản này sống ở lòng hồ môi trường nước trong sạch và đánh bắt bằng phương pháp thủ công nên rất được người nội trợ ưa chuộng. Họ mua về chế biến làm bánh xèo, tôm tép xào hay làm gỏi...” – ông Lợi nói.
Sơn Tùng (Báo Phụ nữ Việt Nam)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.