Theo đó, thời vụ và vùng sinh thái được xem xét công nhận là các vùng trồng lúa tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt cho vùng lúa tôm và vùng ven biển. Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trung tâm Khuyến nông quốc gia và đơn vị có giống cây trồng được công nhận chịu trách nhiệm tổ chức phổ biến giống vào sản xuất theo quy định hiện hành.
Giống lúa ST25 được chọn tạo bằng phương pháp lai cổ điển với nhiều bố mẹ kết hợp tại Trạm Nghiên cứu lúa Sóc Trăng và được trồng tuyển chọn tại Trại nghiên cứu giống lúa của Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, tỉnh Sóc Trăng.
Thủ tướng Chính phủ trao tặng bằng khen cho kỹ sư Hồ Quang Cua.
Tính đến thời điểm hiện nay, giống lúa thơm ST25 được khảo nghiệm quốc gia 3 vụ và khảo nghiệm sản xuất 2 vụ, đúng theo quy định tại Quyết định số 95/2007/QĐ-BNN ngày 27/11/2007. Sau khi khảo nghiệm sản xuất, giống lúa thơm ST25 được nhóm tác giả đưa vào tham dự cuộc thi “World’s best rice”, do The Rice Trader (TRT) tổ chức trong hội nghị “TRT world rice conference” lần thứ 11 tại Manila, Philippines vào tháng 11/2019.
Giống lúa thơm ST25 có phẩm chất đặc biệt nhất hiện nay
Giống lúa ST25 được Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống và sản phẩm cây trồng vùng Nam bộ xếp hạng 2 (18,6/20 điểm) trong tổng số 92 giống được đánh giá, với các chỉ tiêu lần lượt là: mùi thơm (4/5 điểm), độ mềm (4,8/5 điểm), độ trắng (5/5 điểm) và vị ngọt (4,8/5 điểm). Vì vậy, có thể xem đây là giống đặc sản, có phẩm chất đặc biệt nhất hiện nay.
|
Kết quả dự thi giống lúa ST25 đoạt giải nhất Gạo ngon nhất thế giới năm 2019. Kết quả khảo nghiệm DUS cho thấy, giống ST25 có tính khác biệt, đồng nhất và tính ổn định. Khảo nghiệm sản xuất cho thấy, giống vẫn giữ được các đặc tính tốt như trong khảo nghiệm, là giống lúa thuộc nhóm gạo đặc sản về chất lượng, có khả năng chống chịu bệnh đạo ôn và thích hợp canh tác vùng lúa tôm, đáp ứng được yêu cầu của xuất khẩu.
Hiện nay, gạo ST25 đang được người tiêu dùng yêu thích và đang được nông dân ưa chuộng muốn mở rộng sản xuất. Giống lúa thuần ST25 đã được Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng đề nghị công nhận đặc cách. Giống ST25 chưa được sản xuất thử tại đồng bằng sông Cửu Long theo quy định nhưng giống lúa này đã được nhiều doanh nghiệp trong nước muốn đưa vào sản xuất để phục vụ cho xuất khẩu gạo làm gia tăng giá trị lúa gạo.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch năm 2020 ngành NN&PTNT ngày 23/12, ông Phan Văn Sáu, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng nhận định, việc gạo ST25 được công nhận “gạo ngon nhất thế giới” là niềm vinh dự lớn cho tỉnh và nhóm tác giả. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo ngành NN&PTNT rà soát, tổ chức lại sản xuất, quy hoạch lại vùng trồng lúa, trong đó sẽ hình thành 100.000ha vùng trồng giống lúa ST25.
Theo ông Sáu, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng đề ra chỉ tiêu 80% diện tích trên địa bàn tỉnh gieo cấy lúa đặc sản (hiện đã đạt trên 50%). Tỉnh đang chỉ đạo nhóm nghiên cứu tiếp tục phối hợp các viện, trường nghiên cứu, bảo tồn, nâng cao chất lượng gạo ST25, không để xuống cấp, giảm phẩm cấp; tăng cường ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo sản phẩm chất lượng cao cung ứng ra thị trường. Đồng thời, thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm việc giả nhãn hiệu, thương hiệu gạo ST25.
Ông Sáu chia sẻ, trước khi tới dự họp tổng kết ngành NN&PTNT ông nghe đài thông tin Festival lúa gạo Việt Nam tại Vĩnh Long bán được 5 tấn gạo ST25 trong khi chính ông đề nghị cung cấp mỗi tháng 1 tấn để phân phối mà ông Hồ Quang Cua cho biết chưa có gạo.
“Thành ra, gạo ST25 bây giờ tràn lan giả và chúng tôi cũng đã phát hiện tại thị trường Mỹ đã có ST25. Việc này tôi đề nghị với Bộ NN&PTN phối hợp với các bộ ngành khác hết sức quan tâm tới việc bảo hộ trong nước và quốc tế đối với giống lúa thơm ST25” – ông Phan Văn Sáu nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.