BH Media nói gì về thông tin "đánh" bản quyền Quốc ca tại AFF Cup?

Yến Linh Thứ ba, ngày 07/12/2021 08:15 AM (GMT+7)
"Vụ việc các kênh YouTube tắt tiếng Quốc ca lần này không hề liên quan đến BH Media" - đại diện công ty này khẳng định.
Bình luận 0

Tối qua (6/12), nhiều khán giả theo dõi trận Việt Nam - Lào tại giải đấu AFF Cup trên Youtube vô cùng bức xúc khi phần hát Quốc ca mở đầu trận đấu bị tắt âm thanh. Màn hình trận đấu hiện dòng thông báo: "Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong khán giả thông cảm".

BH Media nói gì về thông tin "đánh" bản quyền Quốc ca tại AFF Cup? - Ảnh 1.

Thông báo được đăng tải trên Youtube khi đội tuyển Việt Nam đang hát Quốc ca. (Ảnh chụp màn hình).

Trên mạng xã hội, nhiều người dùng mạng tin rằng đơn vị BH Media can thiệp bản quyền dẫn tới sự cố trên. Trước đó, đơn vị này từng gặp nhiều lùm xùm khi VTV24 khẳng định BH Media "đánh" bản quyền với ca khúc Tiến quân ca.

Chia sẻ với PV Dân Việt, đại diện BH Media khẳng định: "Vụ việc các kênh YouTube tắt tiếng Quốc ca lần này không hề liên quan đến BH Media". Phía công ty này giải thích:

"Trong trận Việt Nam - Ả Rập Xê Út diễn ra tối 16/11 tại Việt Nam, kênh YouTube của FPT (đơn vị có bản quyền tiếp sóng trận đấu này) đã không thể kiếm được tiền vì lý do trận đấu dùng bản ghi Tiến quân ca do hãng đĩa nước ngoài sản xuất, cụ thể là Hãng đĩa Marco Polo.

Video trận đấu thuộc Vòng loại thứ 3 của World Cup 2022 giữa ĐT Việt Nam và Ả Rập Xê Út đăng tải trên kênh YouTube "FPT Bóng Đá Việt" đã bị Naxos Digital Services US (thay mặt cho Hãng đĩa Marco Polo) thông báo xác nhận sở hữu bản quyền bản ghi Quốc ca Việt Nam.

BH Media nói gì về thông tin "đánh" bản quyền Quốc ca tại AFF Cup? - Ảnh 2.

Hình ảnh cho thấy bản quyền ca khúc "Tiến quân ca" tại AFF Cup thuộc về hãng đĩa Marco Polo. (Ảnh chụp màn hình).

Kênh YouTube của FPT chỉ là đơn vị tiếp sóng. Ban tổ chức sân mới chính là người đã chọn bản ghi Tiến quân ca của Hãng đĩa Marco Polo. Đây là bản ghi mà hãng đĩa này bỏ tiền sản xuất và đã đăng ký bản quyền trên YouTube. Theo luật, bất kì ai muốn sử dụng bản ghi này thì phải xin phép nhà sản xuất. Sự vô tư sử dụng bản ghi Tiến quân ca của hãng đĩa nước ngoài, mà không xin phép, của ban tổ chức sân, đã khiến các kênh YouTube ở Việt Nam tiếp sóng bị mất doanh thu.

Trong trận đấu Việt Nam – Lào, không hề có bên nào "đánh bản quyền" Tiến quân ca, mà chỉ là do các kênh YouTube Việt Nam tiếp sóng tự tắt tiếng phần Tiến quân ca để phòng xa, tránh bị mất doanh thu như kênh YouTube của FPT mà thôi".

BH Media cũng cho rằng: "Hiện nay có rất nhiều đơn vị sản xuất bản ghi Tiến quân ca, cả trong nước và ngoài nước. Theo Luật Sở hữu trí tuệ nếu bất kì ai bỏ tiền, thời gian, công sức, kỹ thuật ra sản xuất bản ghi (mà đã thanh toán quyền tác giả) thì là chủ sở hữu hợp pháp của bản ghi; bất kỳ ai sử dụng bản ghi đó thì phải xin phép nhà sản xuất. Chúng tôi cũng chưa bao giờ khẳng định mình nắm giữ bản quyền đối với ca khúc này.

Khi đoàn thể thao Việt Nam ra nước ngoài thi đấu, phía Việt Nam nên chủ động chuẩn bị các bản ghi Tiến quân ca có bản quyền nộp cho ban tổ chức sân, như vậy có thể đảm bảo quyền lợi cho các đơn vị tiếp sóng".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem