Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Tái cấu trúc, tái kiến thiết TP.HCM sau đại dịch là nhiệm vụ trọng tâm

Bạch Dương Thứ ba, ngày 12/10/2021 18:38 PM (GMT+7)
Tại buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19, phát triển kinh tế - xã hội chiều 12/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, TP.HCM phải thúc đẩy nhanh việc phục hồi kinh tế từ đầu năm 2022.
Bình luận 0
Chủ tịch nước: Tái cấu trúc, tái kiến thiết TP.HCM sau đại dịch là nhiệm vụ trọng tâm - Ảnh 1.

ĐBQH Nguyễn Thị Lệ phát biểu trong buổi làm việc chiều 12/10. Ảnh: HMC

"Thành phố sẽ đón và tiêm vaccine cho bà con"

ĐBQH Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TP.HCM bày tỏ lo lắng, hiện nay có tình trạng người dân chủ quan lơ là trong phòng dịch khi cho rằng TP.HCM đã kiểm soát được dịch, đã được tiêm vaccine. Do đó, đề nghị UBND TP.HCM hoàn chỉnh phương án phòng chống dịch theo từng cấp độ để đảm bảo người dân ra đường an toàn. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông đến người dân việc thực hiện nghiêm 5K, không chủ quan lơ là.

Bên cạnh đó, ngành Công thương cần thiết lập nguồn cung cấp "hàng hóa xanh", đảm bảo nguồn cung hàng hóa đến người dân. Đặc biệt, TP.HCM liên kết vùng trong phòng chống dịch, phục hồi phát triển kinh tế để đảm bảo an ninh lương thực, nguồn lao động với các tỉnh thành... Đồng thời, cần chuẩn bị phương án cụ thể, phối hợp đồng bộ với các tỉnh để đón bà con trở lại thành phố.

"Bà con chưa tiêm vaccine hoặc chỉ mới tiêm mũi 1 thì thành phố đón trở lại và tiêm vaccine để bà con yên tâm tham gia lao động, sản xuất", bà Nguyễn Thị Lệ kiến nghị.

Nêu lý do các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, thiếu hụt nguồn lực để duy trì hoạt động, ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân đề nghị TP.HCM cùng Hiệp hội Doanh nghiệp sớm lên danh sách các doanh nghiệp cần hỗ trợ và hỗ trợ gì, nắm bắt nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp. Song song đó, nên giãn tiền thuê đất cho các doanh nghiệp gặp khó khăn đến tháng 6/2022.

"Hiện doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc xét nghiệm cho người lao động, cứ 3-5 ngày phải xét nghiệm một lần. Doanh nghiệp có hàng vạn công nhân thì rất khó khăn", ông Nhân nói và đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ chi phí xét nghiệm Covid-19 cho các doanh nghiệp đến hết tháng 12/2021 để có điều kiện phục hồi.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa đề nghị Đảng, Nhà nước cần chỉ đạo xây dựng và ban hành chiến lược "bình thường mới" tổng thể trong cả nước để có thể sống thích nghi an toàn với Covid-19. Trong đó, bao gồm chiến lược thành phần ở từng lĩnh vực, từng ngành, từng vùng kinh tế trọng điểm với các giải pháp, chính sách mang tính vĩ mô.

Đặc biệt, không nên để tình trạng gỡ bỏ rồi áp dụng lại, rồi lại gỡ bỏ rồi lại áp dụng lại các biện pháp giãn cách xã hội nhiều lần trên phạm vi rộng, vì sẽ gây tác động lớn đến cuộc sống người dân và làm mất đi ưu thế ổn định của môi trường đầu tư, phát triển kinh tế.

Chủ tịch nước: Tái cấu trúc, tái kiến thiết TP.HCM sau đại dịch là nhiệm vụ trọng tâm - Ảnh 2.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự buổi giám sát của đoàn ĐBQH TP.HCM chiều 12/10. Ảnh: HMC

Sẽ tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP lên 23% 

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết, TP.HCM đã trải qua những ngày chống dịch chưa từng có, tình hình đang ngày càng khả quan với tinh thần đồng cam cộng khổ, thắt lưng buộc bụng của đồng bào, doanh nghiệp và sự chỉ đạo, chung sức của Trung ương, các địa phương với TP.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những nỗ lực của TP.HCM trong thời gian qua để đưa TP trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới và cho biết, thời gian tới, nhiệm vụ cấp bách của TP là tái kiến thiết và tái cấu trúc để phục hồi kinh tế.

TP cần đầu tư mạnh mẽ cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, đảm bảo doanh nghiệp được tiếp cận và hưởng lợi, đào tạo lại nguồn nhân lực, chú trọng khai thác công nghệ mới, trong đó việc lãnh đạo TP đối thoại, lắng nghe doanh nghiệp là rất cần thiết.

Bên cạnh đó, việc xây dựng các hệ thống an sinh, hỗ trợ xã hội, đúng đối tượng… là rất quan trọng. Chủ tịch nước đề nghị TP kết hợp với các địa phương để tìm cách đưa cơ sở sản xuất đến gần hơn với các nguồn lao động dồi dào ở địa phương

TP.HCM nên hướng đến mô hình nền kinh tế sáng tạo, trong đó tài nguyên đất đai là lớn nhất. Tuy nhiên TP không có đất để phát triển chiều rộng thì phải tăng giá trị gia tăng trên một đơn vị đất.

Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, trong đại dịch Covid-19, TP.HCM chịu tác động tiêu cực nhất, nguy cơ suy giảm vai trò đầu tàu kinh tế là hiện hữu, dễ mất đi vị thế "hòn ngọc Viễn Đông". TP cần có báo cáo cụ thể với Quốc hội, nhanh chóng xây dựng kế hoạch, đề án tái cấu trúc phục hồi kinh tế từ đầu năm 2022, nâng cao hiệu quả chính quyền đô thị các cấp, sớm xây dựng trung tâm tài chính khu vực.

"Quốc hội sẽ xem xét việc sớm tăng tỷ lệ điều tiết lên 23% đầu năm 2022 để TP.HCM có điều kiện phục hồi", Chủ tịch nước nói và nhấn mạnh: "Tái cấu trúc, tái kiến thiết TP sau đại dịch là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó chú trọng phát triển hạ tầng, các dự án đường vành đai, phát triển một số thành phố vệ tinh cùng hạ tầng liên vùng…".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem