“Chủ trương cúng dường online chắc chắn sẽ làm thay đổi văn hoá đi lễ chùa”

Hà Tùng Long Thứ tư, ngày 24/02/2021 15:18 PM (GMT+7)
Xoay quanh chủ trương nhận cúng dường, phát tâm làm lễ giải hạn qua ví điện tử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang gây tranh cãi, Dân Việt có buổi trò chuyện với PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Viện trưởng Viện Văn hoá – Nghệ thuật Quốc gia.
Bình luận 0

Ông nhìn nhận như thế nào về chủ trương nhận cúng dường, phát tâm làm lễ giải hạn qua ví điện tử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang gây tranh cãi trong dư luận?

Tôi cho rằng, chủ trương nhận cúng dường, làm lễ giải hạn qua ví điện tử là một sáng kiến phù hợp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tất nhiên, vì là sáng kiến, chưa có kiểm nghiệm đúng sai nên chúng ta cần có thời gian để biết chắc chắn hơn về hiệu quả của sáng kiến này.

“Chủ trương cúng dường online chắc chắn sẽ làm thay đổi văn hoá đi lễ chùa” - Ảnh 1.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Viện trưởng Viện Văn hoá – Nghệ thuật Quốc gia.

Thực ra, chủ trương này cũng có những lý do xã hội nhất định. Chúng ta đang sống trong một xã hội số. Vì thế, dù muốn hay không, chúng ta cũng phải theo các trào lưu của xã hội này.

Nếu chúng ta thấy các hiện tượng học online, mua bán online, biểu diễn nghệ thuật online thì việc chuyển tiền cúng dường online cũng là điều có thể hiểu được.

Tôn giáo, dù là một lĩnh vực đặc biệt của đời sống xã hội vẫn chịu sự chi phối của đời sống xã hội. Không thể tách khỏi, độc lập tuyệt đối với tồn tại xã hội. Vấn đề chỉ là hiện tượng này đến vào lúc nào mà thôi. Và thực tế, đây chính là thời điểm chín muồi để những sáng kiến như thế này xuất hiện.

Bên cạnh đó, rõ ràng là có một bộ phận người dân có nhu cầu cúng dường, làm lễ giải hạn online. Dịp đầu năm, ai cũng mong muốn có một điểm tựa, động lực tinh thần để vượt qua một năm tới có thể có rất nhiều khó khăn, thử thách.

Chính vì vậy, đầu năm cũng là thời điểm người dân mong muốn đến với các cơ sở thờ tự để cầu ước một năm mạnh khoẻ, may mắn, hạnh phúc, tài lộc... Nhưng một năm dịch bệnh như năm nay hay vì những lý do cá nhân, không phải ai cũng có thể đến với các đền, chùa… dù họ vẫn mong muốn có một "bảo lãnh tâm linh" để có mọi sự lành, tránh mọi sự dữ.

Tranh cãi ở đây có thể có nhiều lý do. Có người cho rằng, chuyện tâm linh, tín ngưỡng thì cần phải trực tiếp thì mới "thiêng", phải thực hành theo phong cách truyền thống (giống như chúng ta vào đền chùa vẫn dùng sớ chữ Hán) thì mới đúng lễ. Hay việc chuyển tiền có thể bị trục lợi, giả mạo. Tất cả những điều này đều có thể xảy ra.

Tuy nhiên, theo tôi, Phật vốn tại tâm. Điều quan trọng là ý thức hay cái tâm của chúng ta hướng tới Phật, hướng tới những điều tốt đẹp, chân – thiện – mỹ hơn là hình thức hành động của chúng ta thể hiện bằng cách nào.

Như thế, mâm cao, cỗ đầy, nhiều vàng mã hay đến trực tiếp sẽ không quan trọng bằng việc tâm của chúng ta hướng thiện, lòng chúng ta thanh thản, niềm tin của chúng ta vững vàng khi đến với Phật dù bằng bất cứ cách nào: trực tuyến hay trực tiếp.

Và cần nhấn mạnh thêm nữa, bối cảnh dịch bệnh hiện nay, bên cạnh việc giữ an toàn sức khoẻ cho bản thân thì việc giữ gìn sức khoẻ cộng đồng, tránh dịch bệnh lây lan để cuộc sống sớm trở lại bình thường vừa là trách nhiệm đạo đức của mỗi người, vừa là cách chúng ta thực hành triết lý của đạo Phật về lòng từ bi và phù hộ chúng sinh.

Nhiều người cho rằng, trước nay, đi lễ chùa là truyền thống tốt đẹp, là nét văn hoá nghìn đời. Vậy việc chủ trương cúng dường hoặc nhận phát tâm công đức lễ cầu an qua ví điện tử có khiến cho nét đẹp này bị biến tướng?

Đi lễ chùa là truyền thống tốt đẹp của dân tộc, cần phải gìn giữ. Vì lễ chùa không chỉ giúp chúng ta có tâm an, hướng thiện mà còn giúp chúng ta giữ gìn những giá trị truyền thống của văn hoá Việt Nam. Những giá trị này lại chứa đựng cách quan niệm về thế giới, tự nhiên, con người… vô cùng đặc biệt của người Việt.

“Chủ trương cúng dường online chắc chắn sẽ làm thay đổi văn hoá đi lễ chùa” - Ảnh 3.

Hình ảnh cúng dường và phát tâm công đức làm lễ giải hạn bằng ví điện tử Momo được đặt ở một ngôi chùa của Hà Nội.

Tất cả giúp chúng ta xác định bản sắc văn hoá Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng khiến quốc gia nào không giữ được bản sắc sẽ bị đồng hoá, có nguy cơ biến mất. Chủ trương cúng dường chắc chắn sẽ tác động, làm thay đổi đến văn hoá đi lễ chùa.

Nhưng theo tôi, không đến mức như một số người đang lo ngại. Lo ngại việc cúng dường hay nhận phát tâm công đức qua ví điện tử bị thương mại hoá hay biến tướng xuất phát một phần bởi một số ít những hiện tượng không hay xảy ra ở vài ngôi chùa trong mấy năm vừa qua là chủ yếu.

Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có những chuẩn bị và giải pháp rõ ràng để tránh hiện tượng này xảy ra qua việc sử dụng ví Momo hay là mới chỉ dừng ở việc thí điểm ở một số chùa trước khi có thể triển khai rộng rãi.

Chính sự thận trọng này cộng với việc đây là xu thế phù hợp, đáp ứng cả nhu cầu của nhà chùa và người dân, khiến cho chúng ta tin tưởng hơn vào việc cúng dường, công đức online sẽ hình thành nên một văn minh đi lễ chùa mới. Tránh những hiện tượng phản cảm như: đổi tiền lẻ, đặt tiền vào tay tượng, sử dụng tiền công đức thiếu minh bạch...

Nhiều người lo ngại việc nhận cúng dường, phát tâm công đức lễ cầu an bằng hình thức chuyển khoản qua ví điện tử này dễ bị lạm dụng, lợi dụng. Ông nghĩ sao về điều này?

Chắc chắn đây là một lo ngại có cơ sở khi mà các hình thức lừa đảo trên mạng internet hay việc trục lợi tâm linh đã từng xảy ra ở một số ít chùa. Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc chúng ta có một cơ chế kiểm soát tốt cùng với sự quan tâm của dư luận xã hội, ý thức rõ ràng của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ giúp ngăn chặn, làm giảm bớt những lo ngại này.

Dù sao, bất kỳ một sự đổi mới hay sáng kiến nào cũng luôn nhận được sự nghi ngại, ý kiến trái chiều từ nhiều người nên chúng ta cũng cần có thời gian, lắng nghe nhiều hơn để tạo điều kiện những thử nghiệm như vậy thành công. Góp phần làm lành mạnh hoá, văn minh hơn thói quen đi lễ chùa của người Việt.

“Chủ trương cúng dường online chắc chắn sẽ làm thay đổi văn hoá đi lễ chùa” - Ảnh 4.

Một buổi cầu an được thực hiện trực tuyến, không có Phật tử tham dự.

Theo ông, nên tuyên truyền như thế nào để có thể dung hoà được việc thoả mãn tâm linh của người dân trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng mà vẫn không làm biến tướng hoặc sai lệch quan niệm cúng dường, phát tâm lễ cầu an bằng hình thức chuyển khoản qua ví điện tử?

Những gì chúng ta thấy gần đây cho thấy nhu cầu tâm linh của người dân là nhu cầu có thật. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng chính đáng của người dân. Và vì vậy, chúng ta đã và đang tạo mọi điều kiện để người dân thực hành niềm tin của mình.

Chúng ta đang sống trong một giai đoạn hết sức đặc biệt khi mà dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ của mỗi cá nhân, cộng đồng cũng như đến sự phát triển kinh tế - xã hội của cả đất nước.

Vì lý do đó, bảo vệ bản thân mình và bảo vệ cộng đồng trước sự lây lan của dịch bệnh cũng là trách nhiệm đạo đức của mỗi cá nhân. Việc cúng dường qua ví điện tử cũng cần phải được đặt vào trong hoàn cảnh đó. Người dân vừa vẫn có thể đến với Phật để có tâm an, hướng thiện vừa vẫn thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng.

Chính vì ý nghĩa của hành động này nên chúng ta cần ủng hộ sáng kiến của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam như một sự góp phần nhỏ bé cùng Giáo hội trong việc đẩy lùi dịch bệnh. Xét cho cùng, Phật tại tâm, sáng kiến của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng là mong muốn những gì tốt đẹp nhất cho đạo Phật và cho tín đồ Phật tử. Chính niềm tin và thiện ý ấy sẽ là hệ điều tiết quan trọng nhất để sáng kiến này được điều chỉnh sao cho phù hợp với tất cả các bên có liên quan.

Cảm ơn ông đã chia sẻ thông tin.

PGS Trần Lâm Biền phát biểu: "Tôi cho việc nhận cúng dường và phát tâm làm lễ giải hạn qua ví điện tử là việc làm không hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Một khi đã không hợp với thuần phong mỹ tục thì không còn nằm trong hệ thống tâm linh nữa mà ít nhiều chuyển sang tính chất buôn bán.

Trước nay, người ta đi chùa lễ Phật là để được đối mặt với ban thờ Phật, tâm truyền tâm. Nhà chùa không nên đặt vấn đề kinh tế ở đây. Khi nhà chùa đã đặt vấn đề kinh tế thì rõ ràng nó đã biến tướng, lấy vật chất làm trọng rồi.

Bởi vì nhà chùa là "Từ bi – Hỷ xả". Làm vì quần chúng chứ không phải lấy tiền của quần chúng. Kể cả dịch Covid-19 thì dịch, nếu duyên (điều kiện) chưa tới thì chúng ta chưa đi lễ, hết dịch bệnh thì chúng ta đi lễ chùa. Chúng ta đi lễ bằng tâm và trí của mình chứ bây giờ lấy lí do dịch bệnh nên nộp tiền để thay thế tâm là không được. Đồng tiền không thể mua được lòng tin tưởng của Phật tử đối với đức Phật.

Không thể đem đồng tiền để mua nhận thức. Không thể đem đồng tiền để thay sự kính trọng đức Phật được. Kính trọng là phải đứng trước bàn thờ để tâm truyền tâm, nâng cao trí tuệ, đi đến giác ngộ. Nếu làm việc chuyển khoản này thì nặng tính chất mua bán quá. Nhà chùa không thể là người đi buôn được. Con người không thể đem đồng tiền ra để đi cầu phúc, cầu an mà cầu phúc, cầu an phải tự tâm mình đứng trước ban thờ và tự giác ngộ.

Trên chánh điện các chùa có tượng đức Phật Thích Ca Mâu Ni tay cầm cành sen giơ lên. Tượng đó mang ý nghĩa, Phật tử đến chùa để cầu về tuệ và tâm chứ không không phải cầu tài và lộc. Tuệ và tâm là đi tìm thấy bản thể, cốt lõi của chính mình. Tìm pháp thân chứ không phải nhục thân".



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem