Chuyển đổi số, phát triển sản phẩm OCOP hiệu quả, nông dân Bạc Liêu nâng cao giá trị nông sản

Ngọc Mai Chủ nhật, ngày 25/02/2024 10:24 AM (GMT+7)
Không chỉ ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý, tổ chức các hoạt động Hội, các cấp Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu còn đẩy mạnh hỗ trợ hội viên, nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, tạo sản phẩm đạt chất lượng. Đặc biệt là ứng dụng chuyển đổi số trong việc quảng bá, kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP địa phương.
Bình luận 0

Xây dựng cơ sở dữ liệu của hội viên nông dân

Nêu cao vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, hội viên trong tiến trình chuyển đổi số, gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025, Hội Nông dân xã Long Thạnh (huyện Vĩnh Lợi) đã chủ động thực hiện việc ứng dụng hệ thống quản lý văn bản, chuyển, nhận thông tin trên môi trường internet. Qua đó, hầu hết các chủ trương, kế hoạch, chương trình công tác tháng, quý, năm… của Đảng ủy, UBND xã và của các cấp Hội đều được triển khai đến cán bộ, hội viên nông dân thông suốt.

Chi hội Nông dân các ấp thông qua các cuộc sinh hoạt định kỳ hằng tháng, tuyên truyền, hướng dẫn hội viên, nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, tạo sản phẩm đạt chất lượng; hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong nông nghiệp và kết nối, tiêu thụ nông sản thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử.

Chuyển đổi số, phát triển sản phẩm OCOP hiệu quả, nông dân Bạc Liêu nâng cao giá trị nông sản- Ảnh 1.

Để giúp nông dân tiếp cận mô hình mới và ứng dụng vào sản xuất, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Bạc Liêu (Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu) đã phối hợp với doanh nghiệp thực hiện mô hình điểm trồng dưa lưới trong nhà màng.

Còn tại huyện Hòa Bình, ông Châu Thanh Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hòa Bình cho biết: Hội Nông dân huyện chuẩn bị thực hiện gói thầu Xây dựng cơ sở dữ liệu làng du lịch thông minh, với quy mô 200 hộ dân ấp Vĩnh Tiến (xã Vĩnh Thịnh). Đây là gói thầu nằm trong Dự án Bảo tồn và nâng cao giá trị nghề muối truyền thống, gắn với phát triển du lịch vùng ven biển huyện Hòa Bình, do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ. Đến nay, đã thu thập thông tin của hơn 100 hộ diêm dân, dự kiến hoạt động này sẽ hoàn tất trong quý 1/2024, sau đó các bên tiến hành số hóa dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Ứng dụng chuyển đổi số, đưa trái táo vào siêu thị

Không chỉ ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý, tổ chức các hoạt động Hội, các cấp Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu còn đẩy mạnh hỗ trợ hội viên, nông dân ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, tạo sản phẩm đạt chất lượng. Đặc biệt là ứng dụng chuyển đổi số trong việc quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP ở địa phương..

Điển hình là mô hình trồng táo của nông dân sản xuất kinh doanh giỏi Phạm Thanh Phương (ở thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi). Ông Phương cho biết: Được sự hỗ trợ của các cấp Hội về vốn vay, tập huấn khoa học kỹ thuật, ông đã mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi từ trồng táo thường sang trồng táo trong nhà lưới.

Do trồng táo trong nhà lưới nên hạn chế được sâu bệnh, hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ bón 1 - 2 lần phân, trái táo sạch. Với 350 gốc táo mỗi năm cho trái 2 vụ, mỗi vụ ông Phương thu khoảng 200 triệu đồng.

"Hiện tôi được Hội Nông dân hướng dẫn làm hồ sơ đăng ký mã QR để đưa trái táo sạch vào các hệ thống siêu thị. Từ đó sẽ nâng cao giá trị sản phẩm, cũng như tăng thu nhập cho mô hình"- ông Phương phấn khởi cho biết.

Chuyển đổi số, phát triển sản phẩm OCOP hiệu quả, nông dân Bạc Liêu nâng cao giá trị nông sản- Ảnh 2.

Táo trồng trong nhà lưới của ông Phạm Thanh Phương, thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu được cấp mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc

Ông Nguyễn Hoàng Thoại – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu khẳng định: Chuyển đổi số trong nông nghiệp là giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm và mức thu nhập của nông dân. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân thi đua ứng dụng chuyển đổi số đang được các cấp Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu chú trọng thi đua thực hiện.

Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, hội viên, nông dân tiếp cận công nghệ mới, nhận thức đúng về công tác chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu ứng dụng trong tình hình mới.

Chuyển đổi số, phát triển sản phẩm OCOP hiệu quả, nông dân Bạc Liêu nâng cao giá trị nông sản- Ảnh 3.

Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định (bìa trái) đến tham quan mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao tại Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Chúc Ly.

Trong đó, Hội Nông dân các cấp chú trọng kết nối phần mềm để làm việc, xử lý văn bản trên máy vi tính và điện thoại thông minh, giúp hoạt động Hội ngày càng hiệu quả. Ứng dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền đến hội viên, nông dân, Cổng thông tin điện tử của Hội hoạt động ngày càng tốt, cập nhật các thông tin hoạt động của Hội các cấp giúp hội viên, nông dân nắm được hoạt động và các chỉ đạo của Hội cấp trên…

Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu cũng dồn sức hỗ trợ hội viên, nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, tạo sản phẩm đạt chất lượng.

Cụ thể: Hiện nay, Quỹ Hỗ trợ nông dân do Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu quản lý đã đầu tư số tiền trên 56 tỷ đồng cho 2.156 hộ vay vốn. Hội ND tỉnh Bạc Liêu phối hợp nhiều ngân hàng hỗ trợ vốn sản xuất cho hội viên nông dân như: Cùng Ngân hàng NNPTNT tỉnh thực hiện chương trình cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất (hơn 1.188,6 tỷ đồng cho 68.000 hộ vay); phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tín chấp ủy thác qua tổ vay vốn, đến nay đã giải ngân gần 550 tỷ đồng cho 24.571 hộ vay.

Nhằm xây dựng người nông dân văn minh, hiện đại, chuyên nghiệp, Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu đã tìm hiểu, kết nối, giới thiệu, tổ chức học tập thực tế những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả,… để giúp hội viên, nông dân thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức về khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số, tích cực tham gia chương trình OCOP tại địa phương

Hội Nông dân tỉnh ký kết thỏa thuận hợp tác với Bưu điện tỉnh hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong nông nghiệp và kết nối, tiêu thụ nông sản, đặc biệt là các sản phẩm OCOP thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử. Hiện nay nông dân trong tỉnh đã giới thiệu, quảng bá, bán sản phẩm tới người tiêu dùng thông qua các sàn thương mại điện tử bao gồm 61 chủ thể OCOP đưa 130 sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.

"Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu đặt ra mục tiêu đến năm 2025, toàn bộ cán bộ Hội từ tỉnh đến xã có tài khoản thanh toán điện tử và phấn đấu tỷ lệ Chi hội trưởng, Chi hội phó, hội viên nông dân có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 50%. Có 70% hội viên nông dân được tuyên truyền về chuyển đổi số, công nghệ số. Tất cả công chức, viên chức Hội Nông dân cấp xã và 70% Chi hội trưởng, Chi hội phó, hội viên nông dân tiếp cận và được phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G.

Để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trong nông nghiệp, phát triển sản phẩm OCOP tại địa phương, thời gian tới Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ nông dân trong việc nâng cao kiến thức về chuyển đổi số, thay đổi tư duy sản xuất truyền thống của nông dân sang một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm; hướng dẫn nông dân trực tiếp tham gia xây dựng các dữ liệu lớn về nông nghiệp để nông dân quyết định hướng sản xuất - kinh doanh phù hợp" - lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu cho biết.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem