Chuyên gia Nguyễn Đức Hùng Linh: Sẽ không ngạc nhiên nếu 1 vài tháng tới lãi suất tiết kiệm tăng

Huyền Anh Thứ tư, ngày 13/03/2024 13:45 PM (GMT+7)
"Năm 2020, 2021 ngành ngân hàng đã lãi đậm vì giảm nhanh lãi suất huy động, nhưng lãi vay giảm chậm. Thế nhưng, năm nay tình hình chắc sẽ khác. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu 1 vài tháng tới lãi suất tiết kiệm tăng và NIM của ngành ngân hàng giảm".
Bình luận 0

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Đức Hùng Linh, chuyên gia kinh tế - tài chính khi đề cập tới vấn đề lãi suất – tỷ giá, áp lực tỷ giá tăng cao trong những tháng đầu năm nay.

Chuyên gia Nguyễn Đức Hùng Linh: Sẽ không ngạc nhiên nếu 1 vài tháng tới lãi suất tiết kiệm tăng- Ảnh 1.

Chuyên gia Nguyễn Đức Hùng Linh. (Ảnh: FBNV)

Lãi suất thấp làm giảm sự hấp dẫn của đồng VND

Khảo sát của Dân Việt cho thấy, mặc dù đã hạ nhiệt song tỷ giá USD/VND tại thị trường tự do vẫn đang giao dịch tại vùng giá cao kỷ lục. Cụ thể, tỷ giá USD/VND hôm nay (13/3) đang được niêm yết mua vào - bán ra lần lượt 25.320 đồng/USD và 25.550 đồng/USD.

Trong phiên liền trước (12/3), tỷ giá USD tại thị trường phi chính thức này giao dịch quanh mức 25.600 VND/USD (bán ra). Thậm chí, phải chi ra 25.700 VND để đổi lấy 1 USD khi giao dịch trên thị trường phi chính thức này (theo giá bán ra ngày 11/3). 25.700 VND/USD cũng là mức giá cao "chưa từng có" của tỷ giá tự do.

Với mức giá niêm yết 25.600 VND/USD, theo tính toán của ông Nguyễn Đức Hùng Linh, tỷ giá tự do đã tăng 3,4% trong vòng hơn 2 tháng (kể từ đầu năm nay). Đáng chú ý, mức tăng cao này gần bằng tốc độ tăng của tỷ giá tự do trong năm 2023 (4,2%).

Chuyên gia Nguyễn Đức Hùng Linh: Sẽ không ngạc nhiên nếu 1 vài tháng tới lãi suất tiết kiệm tăng- Ảnh 2.

Nguồn: FBNV

Làm rõ nguyên nhân, chuyên gia Nguyễn Đức Hùng Linh nhìn nhận, lãi suất rất thấp là lý do chính khiến tỷ giá tăng; đặc biệt lãi suất huy động đối với tiền đồng hiện đã thấp hơn thời điểm Covid năm 2020 - 2021. Cùng với đó, lãi suất liên ngân hàng USD-VND đã ở trạng thái dương kể từ đầu năm 2023.

Chuyên gia Nguyễn Đức Hùng Linh: Sẽ không ngạc nhiên nếu 1 vài tháng tới lãi suất tiết kiệm tăng- Ảnh 3.

Nguồn: FBNV

Bên cạnh đó, cầu USD để nhập lậu vàng tăng khi chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới quy đổi luôn ở mức cao (dao động từ 15 triệu đồng - 20 triệu đồng/lượng).

Chuyên gia Nguyễn Đức Hùng Linh: Sẽ không ngạc nhiên nếu 1 vài tháng tới lãi suất tiết kiệm tăng- Ảnh 4.

Diễn biến giá vàng trong nước.

"Lãi suất thấp làm giảm sự hấp dẫn của đồng VND, tăng hấp dẫn của nắm giữ USD. Kết hợp với 2 cú bồi của năm 2024 là chênh lệch giá vàng và nhập khẩu tăng (17,1% trong 2 tháng đầu năm) đã làm tăng áp lực tỷ giá", ông Linh nói.

Can thiệp bằng lãi suất để giữ tỷ giá

Để kiểm soát tỷ giá, chuyên gia kinh tế - tài chính Nguyễn Đức Hùng Linh đề cập tới 2 lựa chọn. Thứ nhất, bán USD trong dự trữ ngoại hối. Hai là, tăng lãi suất VND.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này lưu ý, việc bán USD từ dự trữ ngoại hối như "gió vào nhà trống", không thể giữ được tỷ giá mà hao tổn dự trữ ngoại hối là điều rất nguy hiểm. Đây cũng là bài học đã được rút ra trong quý III/2022.

Do đó, theo ông Linh, chỉ còn 1 cách là tăng lãi suất, và trước tiên là tăng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng. Điều này cũng lý giải cho động thái Ngân hàng Nhà nước đã quay lại phát hành 15.000 tỷ đồng tín phiếu vào hôm thứ 1 (ngày 11/3). Phát hành trái phiếu là công cụ để Ngân hàng Nhà nước thực hiện hút tiền "dư thừa" khỏi hệ thống ngân hàng.

"Mục tiêu rất rõ, giảm thanh khoản để tăng lãi suất VND, tăng độ hấp dẫn của VND để neo tỷ giá. Tháng 9/2023 khi tỷ giá tăng thì Ngân hàng Nhà nước cũng làm động tác tương tự, phát hành 360 nghìn tỷ tín phiếu trong 7 tuần liên tục để hút tiền. Tỷ giá khi đó đã tăng chậm lại rồi giảm vào tháng 11. Tháng 11/2023, Ngân hàng Nhà nước cũng ngưng phát hành tín phiếu cho đến lần phát hành mới nhất", ông Linh làm rõ thêm.

Chuyên gia Nguyễn Đức Hùng Linh: Sẽ không ngạc nhiên nếu 1 vài tháng tới lãi suất tiết kiệm tăng- Ảnh 5.

Can thiệp bằng lãi suất để giữ tỷ giá. (Ảnh: ABB)

Động thái can thiệp bằng lãi suất để giữ tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước đã nằm trong dự đoán của thị trường. Do đó, lãi suất trúng thầu trái phiếu kho bạc và lợi tức trái phiếu trên thị trường thứ cấp đều đã tăng từ tuần trước. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Hùng Linh cho rằng, để kiểm soát tỷ giá nếu chỉ dùng tín phiếu và công cụ trên thị trường liên ngân hàng trong năm 2024 thì khả năng cao là không đủ. Bởi thời điểm này khác với tháng 9/2023.

Sự khác biệt được ông chỉ ra đó là, kinh tế 2023 tăng trưởng chậm, nhu cầu nhập khẩu tư liệu sản xuất và hàng hóa tiêu dùng giảm làm tăng xuất siêu, tức là tăng nguồn cung USD. Trong khi đó, theo dự báo các hoạt động kinh tế và tiêu dùng 2024 sẽ sôi động hơn, kéo theo nhu cầu nhập khẩu tăng và xuất siêu giảm.

Cũng theo vị này, thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng) không đủ, phải dùng đến thị trường 1 (thị trường dân cư), tức là tăng lãi suất "tiết kiệm dân cư" như hồi quý III/2022.

Ông nhấn mạnh, tăng lãi suất tiết kiệm dù vướng định hướng hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng nhưng chúng ta không có lựa chọn nào khác. Bởi, ổn định tỷ là là ưu tiên đầu tiên trong điều hành chính sách tiền tệ.

Hai là, tăng lãi suất tiết kiệm không có nghĩa tăng lãi suất cho vay. Song, để hỗ trợ tăng trưởng thì mấu chốt nằm ở lãi suất cho vay.

"Năm 2020, 2021 ngành ngân hàng đã lãi đậm vì giảm nhanh lãi suất huy động mà giảm chậm lãi suất cho vay. Năm nay tình hình chắc sẽ khác. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu 1 vài tháng tới lãi suất tiết kiệm tăng và NIM của ngành ngân hàng giảm", ông Nguyễn Đức Hùng Linh nhấn mạnh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem