Thông tin từ Công an tỉnh Vĩnh Phúc, trong thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc thường xuất hiện các đối tượng lợi dụng lòng tin của cá nhân, tổ chức, các cơ sở kinh doanh, cơ quan… để gọi điện thoại xưng là cán bộ Cảnh sát phòng cháy chữa cháy để lừa bán tài liệu với giá "cắt cổ".
Khi gọi điện, các đối tượng thông báo rằng lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy sắp mở lớp tập huấn nghiệp vụ về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, yêu cầu chủ cơ sở, doanh nghiệp đăng ký tham gia và mua tài liệu với giá 900.000 đồng rồi gửi qua chuyển phát nhanh (người giao hàng đóng vai trò trung gian thu tiền của khách hàng và chuyển về cho chủ bán).
Công an tỉnh Vĩnh Phúc thông báo, lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy tỉnh Vĩnh Phúc khi mở các lớp tập huấn nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ sẽ thông báo đễn các cơ quan, doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký tham gia lớp tập huấn và có giấy mời về cơ sở.
Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tuyệt đối không cử cán bộ, chiến sĩ xuống cơ sở bán tài liệu, thu lệ phí.
Có đối tượng giả danh cảnh sát để bán tài liệu với giá "cắt cổ", gần 1 triệu đồng tiền tài liệu phòng cháy, chữa cháy ở Vĩnh Phúc. Ảnh minh họa
Do đó, để không bị lừa đảo, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn không mua bán và làm việc với các đối tượng với nội dung nêu trên. Nếu nhận được điện thoại hoặc liên hệ trực tiếp của các đối tượng, người dân cần nhanh chóng báo cho cơ quan công an gần nhất để phối hợp xử lý.
Trước đó, tại Hà Nội, Công an TP.Hà Nội cũng đã phải cảnh báo về trường hợp giả danh cảnh sát để bán tài liệu tương tự như ở Vĩnh Phúc.
Theo Công an TP.Hà Nội, thời gian vừa qua, lợi dụng tình hình nhiều vụ cháy xảy ra, một số đối tượng tự xưng là cán bộ Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ - Công an huyện Thạch Thất (TP.Hà Nội) gọi điện thoại cho một số chủ doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh.
Đối tượng thông báo lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy sắp mở lớp tập huấn nghiệp vụ về phòng cháy chữa cháy, yêu cầu chủ doanh nghiệp, chủ cửa hàng đăng ký tham gia và mua tài liệu phòng cháy chữa cháy với giá 950.000 đồng rồi gửi qua chuyển phát nhanh (dạng COD, người giao hàng đóng vai trò trung gian với nhiệm vụ thu hộ số tiền từ khách rồi chuyển về cho chủ bán).
Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ - Công an huyện Thạch Thất cho biết, trước khi mở lớp tập huấn, đơn vị sẽ thông báo đến các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh có nhu cầu đăng ký tham gia lớp tập huấn, có giấy mời gửi về cơ sở. Tuyệt đối không chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ xuống cơ sở để bán tài liệu, thu lệ phí.
Thủ đoạn của "tín dụng đen" biến tướng
Thông báo của Công an tỉnh Vĩnh Phúc thể hiện, thời gian vừa qua tình hình tội phạm liên quan đến hoạt động cho vay có nhiều phức tạp, nổi lên là chiêu thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các ứng dụng cho vay trên mạng xã hội, trên các trang web với nội dung chào mời vô cùng hấp dẫn nhưng cũng dễ dàng chiếm đoạt tiền của người vay, khiến nhiều người dân lâm vào cảnh khó khăn, túng quẫn.
Theo đó, hầu hết các ứng dụng người dân dễ dàng thấy trên các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo…, các app, hoặc các website.
Những ứng dụng này thường có thông điệp gây sự chú ý, đánh đúng vào tâm lý của người đi vay như: "Không đi xa, vay tại nhà", "Vay tiền nhanh trong ngày online", "Có tiền mặt 30 phút".
Thủ tục thì rất đơn giản, người vay chỉ cần tạo một tài khoản bằng cách cung cấp thông tin cá nhân gồm: Hình ảnh, hình chụp CMND (hoặc CCCD), số tài khoản ngân hàng và đồng ý các điều khoản trên hợp đồng điện tử do ứng dụng soạn sẵn. Đặc biệt mức lãi suất thấp hơn ngân hàng, miễn phí tư vấn và dịch vụ. Số tiền vay rất lớn tùy theo nhu cầu của người vay. Tuy nhiên nhiều khách hàng đã rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo.
Điển hình như thời gian qua, Công an huyện Tam Đảo đang điều tra, xác minh hành vi có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua app vay tiền online của Công ty Tài chính.
Ngày 19/1/2022, anh Lâm (tên nhân vật đã được thay đổi) tiến hành vay tiền online thông qua app của Công ty Tài chính.
Sau khi gửi các thủ tục giấy tờ tùy thân như: Hình ảnh CMND hoặc CCCD, ảnh chân dung, số tài khoản ngân hàng thì Công ty đồng ý cho anh Lâm vay tiền với lãi suất 1/100 (tức là 1.000đ/1 ngày với số tiền vay 1.000.000đ).
Sau khi thực hiện các thủ tục, anh Lâm nhận được thông báo từ App: Tiền đã về app của mình và thực hiện từ điện thoại về số tài khoản của mình, số tiền 50.000.000đ.
Anh Lâm vào App kiểm tra số dư báo đã vay thành công 50.000.000đ. Tuy nhiên kiểm tra tài khoản ngân hàng anh Lâm chưa thấy có tiền vào tài khoản. Liên hệ với nhân viên Công ty Tài chính anh Lâm biết mình đã mắc bẫy khi bị nhân viên cố tình hướng dẫn nhập sai 1 chữ số của số tài khoản nên không nhận được tiền. Nhân viên công ty Tài chính yêu cầu anh Kiên phải vào trụ sở Công ty tại TP Hồ Chí Minh để được giải quyết hoặc phải nộp 10.000.000đ để được xác minh qua mạng. Thủ đoạn lừa đảo nói trên đều nhằm vào tâm lý của người dân đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều người đang gặp khó khăn do dịch bệnh nên khi được vay tiền với lãi suất ưu đãi hoặc thủ tục vay đơn giản không phải thế chấp đã mất cảnh giác, sập bẫy các đối tượng lừa đảo.
Một số trường hợp khi người vay tiền chưa kịp trả tiền các đối tượng dùng thủ đoạn đe dọa, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe để ép người vay trả tiền hoặc có thể sử dụng thông tin cá nhân của người vay để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Đây là hình thức vay "tín dụng đen" biến tướng, do đó Công an tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị cán bộ, công nhân viên, người dân không thực hiện vay tiền qua các App online.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.