Giữa cánh đồng ở Bình Thuận, có “con ông trời” nuôi ốc đặc sản trong vườn sầu riêng mà thu tiền tỷ

Bùi Phụ Thứ tư, ngày 12/04/2023 12:50 PM (GMT+7)
“Con ông trời” chính là anh nông dân có họ tên rất oai: Phạm Thiên Đình, một nông trẻ tuổi nổi tiếng với nghề nuôi ốc lác lai Thái Lan; nuôi ốc bươu đen dưới tán cây sầu riêng ở thị trấn Đức Tài, huyện Đức Linh (Bình Thuận).
Bình luận 0

Nhỏ người nhưng nặng kiến thức

Theo lời giới thiệu của Hội Nông dân huyện Đức Linh, một ngày trung tuần tháng 4/2023, PV Báo Dân Việt đã tìm đường về thăm mô hình nuôi ốc lác lai Thái Lan và nuôi ốc bươu đen trong vườn cây sầu riêng của anh Phạm Thiên Đình ở khu phố 5 thị trấn Đức Tài.

Giữa cánh đồng ở Bình Thuận, có “con ông trời” nuôi con đen sì dưới gốc cây đầy gai, thu tiền tỷ hàng năm - Ảnh 1.

Nông dân Phạm Thiên Đình ở khu phố 5 thị trấn Đức Tài (huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận) thành công với lai giống ốc lác Thái Lan. Ảnh: Bùi Phụ

Dẫn chúng tôi băng qua cánh đồng thơm mùi lúa đang chín sắp đến ngày thu hoạch, anh Thế Minh, một nông dân ở thị trấn chỉ tay vào một người đàn ông trung niên nhỏ người, đang đứng bên bờ ao chăm sóc ốc dưới trời nắng gắt rồi nói: “Đó, anh đó là “con ông trời” đó! Nhìn ảnh nhỏ người nhưng “chở nặng kiến thức” làm nông nghiệp lắm đó chú nhà báo,…”

Theo lời anh Thế Minh, anh em thân quen gọi là “con ông trời” một phần là cái tên và một phần thực tế bởi anh Phạm Thiên Đình thường làm những chuyện khác người và thành công, giúp nhiều bà con nông dân xung quanh cùng có lợi.

Dẫn chúng tôi tham quan một vòng nhỏ của phần đất nông nghiệp mình đang canh tác, anh Pham Thiên Đình khẳng định: Mô hình mô hình nuôi ốc lác lai Thái Lan và ốc bươu đen dưới gốc cây sầu riêng của anh đã mang lại nguồn lợi lớn, thu nhập khá hơn trước rất nhiều.

Chúng tôi thật không thể ngờ nhìn cái anh nông dân nặng chỉ hơn 48 ký, mới hơn 41 tuổi mà sở hữu tới hơn 27 héc ta đất nông nghiệp, trồng sầu riêng, cao su, nuôi ốc bươu và sản phẩm làm ra không đủ bán…

Là nông dân, nhưng anh Thiên Đình có tâm hồn lãng mạn, trong vườn anh cho trồng những ao sen nhỏ, lúc chúng tôi đến thì sen đang nở hồng nhìn rất thích!

Giữa cánh đồng ở Bình Thuận, có “con ông trời” nuôi con đen sì dưới gốc cây đầy gai, thu tiền tỷ hàng năm - Ảnh 3.

Trên là cây sầu riêng, dưới nước nuôi ốc bươu đen, ốc lác lai Thái Lan, tổ điểm những đóa sen hồng trong vườn nhà anh Phạm Thiên Đình. Ảnh: Bùi Phụ

Chúng tôi ấn tượng trước hệ thống tưới nước tự động do chính tay anh Thiên Đình và người cha anh thiết kế. Vườn sầu riêng anh trồng khoảng cách đúng kỹ thuật nên chăm sóc hầu hết là tự động.

Theo lời anh Thiên Đình, toàn bộ hệ thống tưới tiêu tự động bằng điện mặt trời này và cả hệ thống máy dầu(dự phòng thời tiết), do gia đình anh đầu tư với số tiền gần khoảng 150 triệu đồng.

“Nhờ làm trước hệ thống này từ 3 năm trước, sáng sáng tôi lái máy cày đi phun thuốc dưỡng cho vườn cây ăn trái. Chờ nắng lên tôi đẩy cầu dao cho hệ thống tưới nước tự động phun tưới toàn bộ vườn cây sầu riêng. Việc này đã giảm chi phí rất nhiều so với trước đây…”, anh Thiên Đình nói.

Bắt ốc ngoại “yêu” ốc nội rồi đẻ ra trứng

Dẫn chúng tôi đi xem mô hình nuôi ốc lác lai Thái Lan và ốc bươu đen dưới những gốc cây sầu riêng, anh Thiên Đình cho biết, muốn nuôi thành công trước hết phải làm đất theo hệ thống mương nước phía dưới. Phía đất trên cao là những gốc sầu riêng, có nhiều thảm cỏ xanh nên ốc sống dưới môi trường này phát triển rất tốt, chất lượng  thịt thơm và ngon. 

Giữa cánh đồng ở Bình Thuận, có “con ông trời” nuôi con đen sì dưới gốc cây đầy gai, thu tiền tỷ hàng năm - Ảnh 4.

Nông dân Phạm Thiên Đình với trứng ốc lác lai Thái Lan. Ảnh: Bùi Phụ

Theo lời anh Thiên Đình, những năm trước gia đình anh phải nhập nguồn giống từ Thái Lan bởi có nhiều lợi thế, sức đề kháng mạnh hơn ốc nội nhưng chi phí cao. Sau nhiều đêm lên mạng nghiên cứu, cách đây 2 năm, anh đã lấy ốc cha (giống ngoại), lai tạo với ốc mẹ (giống nội) và đẻ ra trứng thành công tại ao vườn nhà. 

“Kết quả này thành công ngoài mong đợi và những con ốc lai này có sức khỏe mạnh, sức ăn tốt hơn hơn giống cha ban đầu. Thời gian nuôi từ 8 đến 10 tháng là xuất bán thịt với tầm từ 10 đến 14 con 1 ký. Giá bán tại chỗ từ 100.000đ – 120.000 đồng/kg nhưng hàng làm ra không đủ bán. Vì thịt ốc lai thơm, ngọt dai hơn ốc ngoại. Nếu so với nhập giống Thái Lan ban đầu thì nuôi ốc lác lai lợi gần gấp đôi…”, anh Thiên Đình chia sẻ. 

Anh Phạm Thiên Đình cho biết, mô hình nuôi ốc lác lai Thái Lan và nuôi ốc bươu đen dưới gốc cây sầu riêng trên diện tích khoảng gần 5 hecta, sau khi trừ mọi chi phí, mỗi năm lợi nhuận của gia đình anh khoảng 1 tỷ đồng. Với số thu nhập này, gia đình anh sống tốt, yên tâm nuôi 2 đứa con cắp sách đến trường… 

Nhằm chia sẻ với bà con gần xa kỹ thuật nuôi ốc lác lai Thái Lan và nuôi ốc bươu đen dưới gốc cây sầu riêng, anh Phạm Thiên Đình đã mở rộng mạng xã hội như Zalo… để ai cần điện thoại anh sẽ tư vấn.

Hiện nay, anh Thiên Đình nuôi ốc bươu đen và ốc lác lai Thái Lan song song dưới gốc sầu riêng. Thời gian nuôi ốc bươu đen ngắn hơn nhưng giá bán chỉ bằng 60% giá ốc lát lai Thái Lan.

Anh Đào Tuyến, một thương lái ở TP.HCM thường ra Đức Linh mua ốc về cung cấp cho các nhà hàng lớn cho biết, ốc lát lai Thái Lan, được các nhà hàng chế biến món ốc nướng nước mắm - tiêu xanh hoặc hấp sả - gừng cho những thực khách sành ăn. Thịt ngon nên nhiều người thích…

Giữa cánh đồng ở Bình Thuận, có “con ông trời” nuôi con đen sì dưới gốc cây đầy gai, thu tiền tỷ hàng năm - Ảnh 5.

Nông dân Phạm Thiên Đình đang điều khiển hệ thống tưới nước tự động bằng năng lượng mặt trời. Ảnh: Bùi Phụ

Ra mắt Tổ hội nghề nghiệp nuôi ốc bươu đen

Theo Hội Nông dân huyện Đức Linh, nhằm hỗ trợ bà con nông dân trên địa bàn nuôi ốc bươu tốt hơn, cuối năm 2022 vừa qua Hội Nông dân thị trấn Đức Tài đã cho ra mắt Tổ Hội nghề nghiệp nuôi ốc bươu đen tại chi Hội Nông dân khu phố 5.

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Đức Binh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Linh cho biết, việc ra mắt Tổ Hội nghề nghiệp nuôi ốc bươu đen là thực hiện theo Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW, ngày 5/8/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Kế hoạch số 28-KH/HNDT của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận về việc xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp...

“Chúng tôi đánh giá cao việc ra mắt Tổ Hội nghề nghiệp nuôi ốc bươu đen trên và hy vọng các thành viên của tổ sẽ giúp bà con nông dân nâng cao thu nhập và phát triển hội viên trong thời gian tới…”, ông Nguyễn Đức Binh nói.

Tại buổi lễ ra mắt Tổ hội nghề nghiệp nuôi ốc bươu đen, Hội Nông dân đã công bố quyết định cử anh Phạm Thiên Đình làm Tổ trưởng, hội viên Lê Minh Đại làm tổ phó, hội viên Nguyễn Chí Tâm làm thư ký.    Mục tiêu của tổ là đoàn kết, tập hợp các hội viên có nuôi ốc bươu đen trên địa bàn thị trấn, tổ chức các hoạt động nhằm hỗ trợ, giúp đỡ, trao đổi kinh nghiệm về kỹ thuật, áp dụng những tiến bộ mới nuôi ốc bươu đen.

Song song đó, tổ còn có nhiệm vụ tập hợp nhu cầu, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị những vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn và chương trình xây dựng văn minh đô thị lên các cấp trên… Hiện tổng số diện tích nuôi của 7 hộ hội viên hơn 5000m2 với số lượng trên 500.000 con, 600kg ốc giống bố mẹ. Diện tích nuôi này sẽ tăng trong thời gian tới...

Giữa cánh đồng ở Bình Thuận, có “con ông trời” nuôi con đen sì dưới gốc cây đầy gai, thu tiền tỷ hàng năm - Ảnh 6.

Mô hình nuôi ốc lác lai Thái Lan và ốc bươu đen dưới gốc cây sầu riêng mỗi năm gia đình anh Phạm Thiên Đình thu hàng tỷ đồng. Ảnh: Bùi Phụ

Ngày nông dân vệ sinh ruộng đồng

Cũng theo ông Nguyễn Đức Binh – chủ tịch Hội Nông dân Đức Linh (Bình Thuận), cuối tháng 2/2023 vừa qua Hội đã tổ chức ngày chủ nhật xanh, vệ sinh đồng ruộng. Có gần 200 hội viên nông dân của 12 hội cơ sở của huyện Đức Linh tham gia hưởng ứng phong trào ngày “Chủ nhật xanh”.

Các hội viên nông dân đã tích cực đến từng đồng ruộng của địa phương thu gom rác thải, chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng, do một số người vứt bỏ trên đồng ruộng, gây ô nhiễm môi trường đồng ruộng.

Những nông dân tình nguyện đã lội xuống mương nước, dùng cuốc kéo vớt các chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, thu gom vào bao đưa đi xử lý; đồng thời dùng rựa phát quang, khơi thông dòng nước chảy. Rác thải khi gom lại vào bao được đưa đến các lò thiêu hủy rác thải nông nghiệp đã được xây sẵn trên các cánh đồng lúa.

Được biết, trên địa bàn huyện Đức Linh đã triển khai lắp đặt nhiều lò thiêu hủy rác thải nông nghiệp bằng bê tông cốt thép, đặt tại những vị trí thuận lợi, trên các trục đường chính dẫn ra ruộng để tiện cho người dân bỏ chai lọ, vỏ thuốc bảo vệ thực vật.

Qua hoạt động này, Hội Nông dân các cấp ở huyện Đức Linh cũng đã tuyên truyền sâu hơn cho bà con nông dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường đồng ruộng, góp phần bảo vệ nguồn nước và bảo vệ hệ sinh thái.

Đây là hoạt động thiết thực của Hội Nông dân huyện Đức Linh, nhằm chào mừng đại hội Hội Nông dân các cấp nhiệm kỳ 2023-2028

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem