Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.
Sáng nay (21/10), kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV đã chính thức khai mạc tại Hà Nội.
Trong báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc năm 2018 được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng gửi tới các ĐBQH, có một vấn đề đã tồn tại nhiều năm, song vẫn tiếp tục được nêu ra tại kỳ họp Quốc hội lần này. Đó là hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của một số doanh nghiệp nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư. Thậm chí, một số dự án của DNNN còn thua lỗ, thất thoát vốn lớn, điển hình là 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ ngành Công Thương trước đây.
Công ty mẹ Vinachem gánh hơn 10.000 tỷ nợ phải thu khó đòi
Theo báo cáo của Công ty mẹ Tập đoàn kinh tế, Công ty mẹ Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ trong nhóm Công ty mẹ - công ty con có tổng tài sản là 1.913.463 tỷ đồng. Nếu tính riêng Công ty mẹ khối Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước thì con số tổng tài sản là 1.873.053 tỷ đồng, tăng 1% so với thực hiện năm 2017.
Trong đó, tài sản cố định chiếm 18% tổng tài sản. Hệ số tự tài trợ tài sản cố định (Vốn chủ sở hữu/Giá trị tài sản cố định) năm 2018 là 3,08 lần, cho thấy mức độ sử dụng vốn chủ sở hữu để đầu tư vào tài sản cố định phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khá cao.
Hệ số vòng quay tổng tài sản (Doanh thu thuần/Tổng tài sản) của các Công ty mẹ năm 2018 là 0,41 lần (nhỏ hơn 1), điều này cho thấy việc sử dụng tài sản của doanh nghiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh chưa thực sự hiệu quả. Tuy nhiên, chỉ số này cần được xem xét, đánh giá cụ thể gắn với tính chất ngành nghề kinh doanh của từng doanh nghiệp.
Về các khoản phải thu, tỷ lệ Các khoản phải thu/Tổng tài sản năm 2018 là 13% theo số liệu báo cáo hợp nhất và 20% theo số liệu báo cáo Công ty mẹ.
Hệ số vòng quay các khoản phải thu (Doanh thu thuần/Các khoản phải thu bình quân) của các Công ty mẹ năm 2017 là 2,02 lần (lớn hơn 1). Điều này cho thấy hầu hết các Công ty mẹ có tốc độ thu hồi công nợ của khách hàng đủ để đảm bảo dòng tiền luân chuyển trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Việc theo dõi, ghi nhận và trích lập dự phòng đối với các khoản nợ phải thu khó đòi để xử lý theo quy định nhằm bảo toàn vốn của doanh nghiệp. Theo đó, các TĐ,TCT đã thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi theo số liệu báo cáo hợp nhất là 12.993 tỷ đồng, đối với Công ty mẹ là 8.239 tỷ đồng.
Nợ phải thu khó đòi năm 2018 của Công ty mẹ Vinachem là 10.082 tỷ đồng. (Ảnh: Nam Trần)
Trong số này, có một số Công ty mẹ có tỷ lệ Nợ phải thu/Tổng tài sản ở mức trên 40% như: Công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (nợ phải thu là 5.486 tỷ đồng, chiếm 44%); Công ty mẹ - Tổng công ty Thái Sơn (nợ phải thu 2.041 tỷ đồng, bằng 62%); Công ty mẹ - Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (nợ phải thu 778 tỷ đồng, bằng 62%); Công ty mẹ - Tổng công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam (nợ phải thu 218 tỷ đồng, chiếm 50%).
Một số Công ty mẹ có giá trị tuyệt đối của chỉ tiêu nợ phải thu khó đòi năm 2018 tăng cao so với năm 2017 như Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam là 10.082 tỷ đồng (năm 2017 là 695 tỷ đồng); Công ty mẹ - Tổng công ty Thương mại Sài Gòn là 321 tỷ đồng (năm 2017 là 250 tỷ đồng); Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị là 240 tỷ đồng (năm 2017 là 147 tỷ đồng); Công ty mẹ - Tổng công ty 789 là 31 tỷ đồng (năm 2017 là 7 tỷ đồng).
Công ty mẹ EVN, PVN nợ nước ngoài gần 250.000 tỷ đồng
Theo báo cáo hợp nhất của các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước có tổng số nợ phải trả là 1.454.668 tỷ đồng, giảm 1% so với thực hiện năm 2017, chiếm 54% tổng nguồn vốn của các TĐ, TCT. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2018 là 1,13 lần, ở Công ty mẹ là 1,2 lần. Trong đó, có 17 Công ty mẹ có tỷ lệ Nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần.
Cụ thể, nợ vay bao gồm vay ngắn hạn và dài hạn từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng trong nước (NHTM & TCTD) của các TĐ, TCT là 374.025 tỷ đồng, giảm 9% so với thực hiện năm 2017. Một số TĐ, TCT có số nợ vay từ các NHTM & TCTD tương đối lớn như EVN là 95.933 tỷ đồng, PVN là 114.769 tỷ đồng, TKV là 42.961 tỷ đồng, Viettel là 28.658 tỷ đồng, Vinachem là 27.467 tỷ đồng…
Báo cáo hợp nhất, nợ nước ngoài của các TĐ, TCT là 484.769 tỷ đồng. Trong đó, vay ngắn hạn là 7.432 tỷ đồng, vay dài hạn là 477.337 tỷ đồng. Phân loại bao gồm vay lại vốn ODA của Chính phủ là 186.256 tỷ đồng, vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh là 220.497 tỷ đồng, vay nước ngoài theo hình thức tự vay, tự trả là 70.584 tỷ đồng. Còn lại là các hình thức huy động khác.
Công ty mẹ EVN nợ nước ngoài số tiền 217.971 tỷ đồng.
Báo cáo của các Công ty mẹ, nợ nước ngoài là 336.632 tỷ đồng. Trong đó, Công ty mẹ EVN là 217.971 tỷ đồng, Công ty mẹ PVN là 30.283 tỷ đồng, Công ty mẹ TKV là 15.093 tỷ đồng, Công ty mẹ - Công ty TNHH MTV Đầu tư tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh là 2.624 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty Giấy Việt Nam là 2.094 tỷ đồng.
Báo cáo hợp nhất, hệ số nợ tổng quát (tổng nợ phải trả/tổng nguồn vốn) bình quân năm 2018 là 0,54 lần (Công ty mẹ là 0,43 lần). Tỷ số này càng thấp thì doanh nghiệp có khả năng trả nợ cao hơn.
Báo cáo của Công ty mẹ, Tổng số nợ phải trả là 818.520 tỷ đồng, tăng 1% so với thực hiện năm 2017. Hệ số Nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu bình quân năm 2017 là 1,13 lần.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.