Cứ bóc 1kg múi sầu riêng thải 3kg vỏ, ở Đắk Lắk người ta đang làm gì với loại rác từ cây tiền tỷ?
Cứ bóc 1kg múi sầu riêng thải 3kg vỏ, ở Đắk Lắk người ta đang làm gì với loại rác từ cây tiền tỷ?
Chủ nhật, ngày 24/09/2023 08:20 AM (GMT+7)
Cứ bóc tách được 1 kg múi sầu riêng thành phẩm thì phải thải bỏ gần 3 kg vỏ. Nếu nhìn vào sản lượng hàng chục nghìn tấn quả sầu riêng ở Đắk Lắk đang được bóc tách để chế biến cấp đông, sấy thăng hoa trong mùa vụ sầu riêng này có thể thấy rõ nhu cầu cấp thiết về giải pháp xử lý vỏ sầu riêng
giải pháp xử lý vỏ sầu riêng để tránh ô nhiễm môi trường và biến rác thải thành tài nguyên trong chuỗi nông nghiệp tuần hoàn.
Những thử nghiệm ban đầu
Trong vỏ sầu riêng, lượng chất hữu cơ chỉ chiếm khoảng 35% nhưng có đến 0,94% chất đạm, 0,6% lân hữu hiệu và 0,9% kali hữu hiệu.
Đây là kết quả phân tích mà Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) thực hiện trước khi bắt tay vào việc xử lý vỏ sầu riêng thành phân bón hữu cơ.
Bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Giám đốc công ty chia sẻ, kết quả này cho thấy giá trị dinh dưỡng trong vỏ sầu riêng cao hơn nhiều so với rơm rạ, vỏ trấu, vỏ cà phê…. Nếu không tận dụng làm phân bón thì rất lãng phí và gây ô nhiễm môi trường.
Chính vì thế, ngay từ năm 2022, Công ty đã đầu tư máy băm vỏ sầu riêng ngay tại nhà máy và hợp đồng với một công ty phân bón để xử lý ủ vỏ sầu riêng theo quy trình sinh học.
Toàn bộ vỏ sầu riêng mà Công ty thải ra trong quá trình sản xuất với tổng khối lượng từ 50 – 60 tấn/ngày đã được ủ với các chế phẩm sinh học nhằm thúc đẩy quá trình phân hủy, xử lý các loại nấm bệnh.
Sau đó, đơn vị gia công tiếp tục phối trộn với các loại đạm cá, trung lượng, vi lượng để tạo ra hai sản phẩm phân bón hữu cơ dành cho giai đoạn phục hồi cây sau thu hoạch và nuôi dưỡng trái.
Lượng phân bón hữu cơ làm ra được Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm cung ứng cho các nông hộ, trang trại trong chuỗi liên kết canh tác nông nghiệp hữu cơ.
Xử lý băm vỏ sầu riêng tại Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Còn với ông Trần Văn Thắng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp xanh Krông Pắc (huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) thì chỉ cần quan sát thấy đặc điểm thu hút các loại côn trùng và phát sinh mùi hôi của vỏ sầu riêng trong quá trình phân hủy cũng có thể phán đoán được dinh dưỡng trong vỏ sầu riêng cao hơn các loại rác thải nông nghiệp khác.
Nhờ được Viện Bảo vệ thực vật hỗ trợ về quy trình và chế phẩm vi sinh, từ năm 2022, HTX đã bắt đầu thử nghiệm xử lý vỏ sầu riêng làm phân hữu cơ.
Sau khi băm nhỏ, vỏ sầu riêng được trộn cùng chế phẩm sinh học và đậy kín. Nhiệt độ của quá trình phân hủy có thể lên đến hơn 60oC, giúp diệt phần lớn nấm, bệnh tồn dư. Sau khoảng 2 tháng, vỏ sầu riêng mới được đảo, trộn cho giảm nhiệt và ủ thêm lần nữa cùng chế phẩm nấm Trichoderma.
Thành phẩm cuối cùng là phân hữu cơ với khối lượng chỉ bằng khoảng 30% so với rác thải vỏ sầu riêng ban đầu, có độ tơi xốp và giàu dinh dưỡng. Toàn bộ phân bón này được HTX tận dụng để chăm sóc lại vườn sầu riêng sau thu hoạch, giảm một phần đáng kể chi phí đầu tư.
Vẫn còn nhiều trở ngại
Dù lợi ích của việc xử lý vỏ sầu riêng làm phân bón rất rõ ràng nhưng trên thực tế, hầu hết các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất vẫn chưa thực sự quan tâm.
Phần lớn vỏ sầu riêng hiện nay vẫn được đổ bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường. Theo ông Trần Văn Thắng, vướng mắc lớn nhất của HTX là mặt bằng để xử lý chất thải. Mỗi ngày HTX có thể thải ra hơn 20 tấn vỏ, cần xử lý liên tục để tránh gây ùn ứ, ô nhiễm nhưng chỉ có thể tận dụng những diện tích còn trống ít ỏi trong vườn của các thành viên để xử lý vỏ sầu riêng.
Nhân công của HTX Nông nghiệp xanh Krông Pắc (tỉnh Đắk Lắk) đưa vỏ sầu riêng vào máy băm để xử lý thành phân hữu cơ.
Cũng tại huyện Krông Pắc, nơi tập trung hàng trăm cơ sở thu mua, bóc tách sầu riêng, đến nay vẫn chưa có đơn vị nào chuyên thu gom, xử lý loại rác thải nông nghiệp này.
Theo thông tin từ Phòng Tài nguyên – Môi trường, ngay từ đầu vụ thu hoạch năm 2023 đã có doanh nghiệp ở ngoài tỉnh đến làm việc, khảo sát để xây dựng nhà máy xử lý vỏ sầu riêng làm phân bón. Tuy nhiên, vì còn nhiều trở ngại nên doanh nghiệp chưa thể triển khai.
Trên địa bàn huyện cũng có doanh nghiệp thu gom rác thải sinh hoạt rất quan tâm đến lĩnh vực này, có sẵn quỹ đất để xử lý ủ vỏ sầu riêng thì lại gặp vướng mắc bởi chưa xác định được đơn giá thu gom.
Bà Nguyễn Thị Thái Thanh cho rằng, việc xử lý tốt rác thải trong quá trình sản xuất để làm phân bón hữu cơ không chỉ giúp giảm áp lực cho các bãi rác thải tập trung, giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Chính vì thế, bên cạnh các chế tài, công tác kiểm tra, kiểm soát về môi trường, các cơ quan nhà nước cần kịp thời tuyên dương và có cơ chế ghi nhận, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, có các mô hình ứng dụng tiên tiến để xử lý rác thải hữu cơ, thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn.
Bên cạnh đó, cũng cần đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, lan tỏa những cách làm hiệu quả nhằm chung tay bảo vệ môi trường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.