Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành: "Văn hoá đọc không suy thoái!"

Khánh Yến Thứ bảy, ngày 22/04/2023 13:59 PM (GMT+7)
"Các bản sách tiêu thụ tốt hơn trên thị trường, những hoạt động, sự kiện về sách thu hút đông đảo người tham dự, trong đó rất nhiều người trẻ. Văn hoá đọc không giảm sút, hiện đang có chiều hướng phát triển tích cực" - ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục xuất bản, In và Phát hành chia sẻ với PV Dân Việt.
Bình luận 0

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam đang được diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 21/4 đến ngày 25/4, do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức. Với các thông điệp: "Sách: Nhận thức - Đổi mới - Sáng tạo" và "Sách cho tôi, cho bạn", Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 2 là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội.

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành: "Văn hoá đọc không suy thoái!" - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông). (Ảnh: BTT&TT)

PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhân sự kiện này.

Sách cần có sự đổi mới, sáng tạo và khả năng lan toả

Thưa ông, xin ông cho biết ý nghĩa của 2 thông điệp trong Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay?

- Năm nay, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam đưa ra 2 chủ đề chính, đó là "Sách: Nhận thức - Đổi mới - Sáng tạo" và "Sách cho tôi, cho bạn", nhằm hướng tới hai đối tượng khác nhau. Thông điệp "Nhận thức - Đổi mới - Sáng tạo" chỉ nội dung các cuốn sách tham dự. Trong mỗi ấn phẩm đó phải có sự đổi mới, sáng tạo, qua đó hợp lực cho sự phát triển của đất nước. Bản thân ngành xuất bản cũng phải đổi mới nhằm đáp ứng những yêu cầu này. 

Thông điệp "Sách cho tôi, cho bạn" một lần nữa khẳng định: Một cuốn sách không chỉ cần tốt về nội dung mà còn phải có sức lan toả rộng rãi, qua đó khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng.

Năm nay, các hoạt động chính của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2023 sẽ diễn ra tại Quốc Tử Giám (Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế). Tại sao thành phố Huế được chọn là nơi diễn ra các sự kiện này?

- Năm 2022, chúng tôi đã tổ chức rất thành công Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất cũng như Hội sách tại TP. HCM. Doanh thu lên tới 6 tỷ đồng với gần 1 triệu lượt người tham dự, bán trên 200.000 bản sách. 

Với tinh thần sách lan toả rộng khắp trong cộng đồng, về với những vùng miền, không chỉ ở những trung tâm chính trị, kinh tế của đất nước, năm nay chúng tôi chọn TP. Huế. Đây không chỉ là địa danh nổi tiếng về giáo dục, đào tạo, Huế còn là trung tâm văn hoá của đất nước. Hoạt động này cũng có ý nghĩa thiết thực trong dịp kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hoá Việt Nam ra đời.

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành: "Văn hoá đọc không suy thoái!" - Ảnh 2.

Đông đảo bạn trẻ đến với chương trình triển lãm, hội sách chào mừng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 tại Huế. (Ảnh: Hoàng Lê).

Trong thời đại công nghệ thông tin, sách điện tử là một lựa chọn được nhiều rất độc giả quan tâm. Tại ngày sách lần này, các em học sinh, sinh viên cũng được tham gia các hoạt động trải nghiệm thư viện số. Ông đánh giá thế nào về vai trò của sách điện tử trong sự lan toả văn hoá đọc?

- Ngày nay, sách điện tử là một xu hướng không thể đảo ngược. Trong thời gian qua, tại Việt Nam, thể loại sách này phát triển khá mạnh, số lượng các đơn vị xuất bản điện tử trong một vài năm đã tăng lên 6 – 7 lần, hiện đã có 30% nhà xuất bản tham gia xuất bản điện tử, số đầu sách cũng chiếm khoảng trên 10%. Tuy nhiên, so với năng lực và tiềm lực, rõ ràng thể loại sách điện tử chưa phát triển đúng mức, mới chủ yếu tập trung phát triển thị trường về sách nói, những thị trường sách khác hầu như đang ở giai đoạn thử nghiệm.

Trong thời gian tới, nhiệm vụ của Bộ Thông tin & Truyền thông cũng như ngành xuất bản là phải đẩy mạnh phát triển xuất bản điện tử để xứng đáng với tiềm năng của mình. Để làm việc này, theo tôi, có 4 yêu cầu rất quan trọng: Thứ nhất là phải đẩy mạnh nhận thức, bao gồm nhận thức từ chính những người làm công tác xuất bản, cũng như thay đổi thói quen của bạn đọc. Thứ hai, phải thực sự có những cơ chế, chính sách có tính chất tạo động lực cho xuất bản điện tử. Hiện nay, ta đã có những quy chế, chính sách cho xuất bản, nhưng với xuất bản điện tử thì chưa có. 

Hai điều kiện còn lại cũng rất quan trọng, đó là nhân lực và công nghệ. Thế nhưng, tôi tin rằng nếu hai điều kiện trên được giải quyết, hai điều kiện sau ngành xuất bản có thể chủ động và giải quyết được.

Tôi cũng nói thêm rằng là sách điện tử và sách giấy sẽ tiếp tục đồng hành phát triển, và hai thị trường sách đó nó không phải thị trường cạnh tranh để lấn át nhau. Sách điện tử là cơ hội để mở rộng thị trường của các NXB, chứ không phải là để thu hẹp thị trường sách truyền thống.

Phát triển văn hoá đọc cần sự nỗ lực từ nhiều phía

Năm 2023 được đánh giá là năm mang lại nhiều khó khăn, thách thức với nền kinh tế. Ngành xuất bản đã đưa ra những phương hướng nào để đạt được các mục tiêu đặt ra?

- Không phải chỉ tới năm 2023 ngành xuất bản mới gặp khó khăn, mà từ những năm trước đó (2020,2021,2022), lĩnh vực này đều có những khó khăn cần giải quyết. Tuy nhiên, vào năm 2022, ngành đã đạt được những thắng lợi có tính vượt bậc, đối với xuất bản phẩm, chúng ta đạt được 6 bản sách/ người. Đó là điều 20 năm qua chúng ta mới có thể đạt được. 

Năm 2023 đặt ra rất nhiều thách thức với những khó khăn tích tụ. Thực tế cho thấy, doanh thu những tháng đầu năm đang có biểu hiện suy giảm so với thời kỳ trước đó. Đây là một thực trạng đòi hỏi ngành xuất bản phải nỗ lực để thay đổi. Tôi cho rằng, cách để ngành xuất bản vượt khó vươn lên chính là những điều Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ: Sách cần phải đa hình tướng để tiếp cận độc giả, người làm sách phải dựa trên đa nền tảng để người đọc có thể lựa chọn. Đó là lối đi của ngành không chỉ trong hôm nay, mà chính là "kim chỉ nam" trong tương lai của ngành xuất bản.

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành: "Văn hoá đọc không suy thoái!" - Ảnh 3.

Các em thiếu nhi tham gia Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tại Phố Sách Hà Nội. (Ảnh: PV)

Như ông vừa nói, chúng ta đạt được 6 bản sách/người - điều chưa từng có trong 20 năm trở lại đây. Thế nhưng không ít ý kiến cho rằng, văn hoá đọc tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Ông đánh giá thế  nào về quan điểm đó?

- Đúng vậy. Không ít người từng trao đổi với tôi và đưa ra lo ngại rằng văn hoá đọc đang suy thoái. Tôi cho rằng ý kiến đó đúng trên phương diện so sánh tương đối. Còn xét một cách cụ thể trong 10 năm nay, trên cương vị theo dõi ngành cũng như dựa vào các số liệu cụ thể, tôi cho rằng văn hoá đọc có sự phát triển rất rõ rệt. Các bản sách tiêu thụ tốt hơn trên thị trường, những hoạt động, sự kiện về sách thu hút đông đảo người tham dự, trong đó rất nhiều người trẻ. Văn hoá đọc không giảm sút, và đang có chiều hướng phát triển tích cực. Tuy nhiên, so với kỳ vọng thì đương nhiên còn những khoảng cách.

Để hình thành văn hoá đọc cần một quá trình, tại đó chúng ta phải tạo dựng thói quen, tạo ra kỹ năng đọc, tạo ra nhu cầu đọc cho đúng. Câu chuyện cần phải có nhiều nỗ lực từ nhiều phía, không chỉ từ những người làm công tác xuất bản, hay người làm công tác thư viện.

Luật chấn hưng văn hoá đọc của Nhật Bản từng chỉ rõ: Có 5 yếu tố liên quan phát triển văn hoá đọc: Văn hoá đọc là văn hoá tinh thần; Văn hoá đọc gắn với tiếng nói và chữ viết của dân tộc; Văn hoá đọc gắn với sự phát triển của xuất bản; Văn hoá đọc phải dựa trên thói quen; Văn hoá đọc là trách nhiệm của toàn xã hội.

Đó chính là điều tôi mong muốn. Sự phát triển của văn hoá đọc không phải là câu chuyện riêng của người làm sách, làm thư viện, cũng không phải của truyền thông báo chí, đó là câu chuyện của các cấp, các ngành và tất cả chúng ta.

Cảm ơn những chia sẻ của ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem