Cuộc khẩu chiến quyết liệt của Donald Trump

Lư Phổ Ân Thứ hai, ngày 08/10/2018 13:30 PM (GMT+7)
Ông Trump sùng bái khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết" thì ông Maas đưa ra khẩu hiệu "Cùng nhau trước hết".  America First đấu chọi với Together First.
Bình luận 0

img

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Chỉ là những phát biểu tại khoá họp ĐHĐ năm nay thôi của LHQ nhưng cả biểu hiện ra bên ngoài lẫn trong thực chất đều chẳng khác gì cuộc khẩu chiến quyết liệt giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và đại diện một số thành viên của EU. Nó phản ánh mối quan hệ giữa Mỹ và các đối tác của Mỹ trong EU hiện tại không đến nỗi xấu hay tồi tệ mà đơn giản không còn được gắn bó và tin cậy, không còn bình đẳng và hài hoà như trước đó nữa, không còn thật sự là cùng hội cùng thuyền với nhau nữa. Có thể thấy được điều này rõ nét nhất ở phát biểu của tổng thống Pháp Emmanuel Macron và của bộ trưởng ngoại giao Đức Heiko Maas ở LHQ và ở việc thủ tướng Đức Angela Merkel công khai biểu lộ bất đồng quan điểm sâu sắc với ông Trump.

Ông Macron như thể đã biết trước nội dung bài phát biểu của ông Trump ở ĐHĐ LHQ nên sau đó đã có bài phát biểu được cấu trúc để đáp trả từng quan điểm mà ông Trump đã trình bày. Trên danh nghĩa, ông Macron đại diện cho nước Pháp và trình bày quan điểm của nước Pháp. Nhưng trên thực tế, ông Macron đã nói thay cho đại đa số thành viên của EU. Chỉ cần để hai bản trình bày này ở cạnh nhau thì đã đủ thấy ông Macron phản biện rất cụ thể và kiên quyết ông Trump.

Sự đối lập của quan điểm tưởng như không thể rõ ràng hơn được nữa và mức độ đối kháng của quan điểm tưởng như không thể sâu đậm hơn được nữa. Bộ trưởng ngoại giao Đức Heiko Maas còn khái quát hoá sự cách biệt giữa Mỹ và EU ở cách chơi chữ nhằm trực diện vào cá nhân ông Trump. Ông Trump sùng bái khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết" thì ông Maas đưa ra khẩu hiệu "Cùng nhau trước hết".  America First đấu chọi với Together First.

Phía sau những đáp trả và thể hiện quan điểm thái độ này của đại diện các nước thành viên EU là chủ ý và nỗ lực của EU tập hợp lực lượng trên thế giới để ứng phó với quan điểm chính sách và cách thức cầm quyền  của ông Trump ở nước Mỹ. EU không can thiệp vào chuyện trị vì và dẫn dắt nước Mỹ của ông Trump nhưng EU hiện đang lo ngại sâu sắc về những hậu quả và hệ luỵ rất tai hại đối với EU xuất xứ từ chính sách cầm quyền của ông Trump. Thực thi nghĩa bảo hộ thương mại, lật ngược giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran, công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển đại sứ quán Mỹ ở Israel từ Tel Aviv về Jerusalem, bất hợp tác với Toà án công lý quốc tế của LHQ, hạ thấp vai trò và giảm đóng góp tài chính cho LHQ, rút khỏi các thoả thuận đa phương quốc tế đã ký kết, tiền bạc hoá cam kết đảm bảo an ninh của Mỹ trong Nato..... đều là những định hướng chính sách của ông Trump ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp đến lợi ích và cả an nguy của EU.

EU phải tập hợp lực lượng để đối phó nước Mỹ ở thời ông Trump cầm quyền vì 3 lý do chính sau đây.

Thứ nhất, sự xoay chiều đổi hướng đường lối chính sách của Mỹ diễn ra bất ngờ đối với EU và EU hoàn toàn chưa có sự chuẩn bị ứng phó gì. Kể cả cho đến thời điểm hiện tại, tức là ông Trump trị vì nước Mỹ đã được gần nửa nhiệm kỳ rồi mà EU vẫn chưa tìm ra được cách thức thích hợp cho việc xử lý quan hệ với ông Trump. EU ý thức được rằng chỉ một thân một mình thôi thì EU không phải là đối tác được ông Trump coi là ngang bằng với nước Mỹ và phải công nhận là ngang bằng để được Mỹ đối xử ngang bằng. Ông Trump sẵn sàng bất chấp EU và Nato trong khi cả Nato lẫn EU hiện tại đều chưa thể và chưa dám bất chấp Mỹ. Tập hợp lực lượng trên thế giới để có như thể một liên minh vì thế hiện vô cùng quan trọng đối với EU.

Thứ hai, một tập hợp lực lượng, liên minh, liên kết hay liên thủ mới sẽ giúp EU có được vai trò chủ chốt trong việc thống nhất quan điểm và phối hợp hành động trên thế giới để ứng phó và đối phó Mỹ. Ở đây, EU theo đuổi đồng thời hai mục tiêu. Thứ nhất là tăng thế và tạo lực ganh đua chiến lược với Mỹ, dựa vào tập hợp lực lượng có được để tự cứu chính mình. Thứ hai, trong trường hợp ông Trump cứ đưa nước Mỹ tiếp tục cách biệt với thế giới thì tập hợp lực lượng sẽ giúp EU có được vai trò và vị thế lãnh đạo phần còn lại của thế giới, hoặc ít nhất thì cũng vai trò và vị thế rất nổi bật.

Thứ ba, EU muốn tận dụng chuyện bên ngoài này để khắc phục sự rạn nứt và phân hoá hiện rất sâu sắc và nghiêm trọng trong nội bộ cũng như tìm kiếm động lực mới cho tăng cường phát triển EU cả về chiều sâu lẫn về quan hệ hợp tác với bên ngoài.

Mưu sự do EU nhưng thành sự có tại EU hay không thì lại là chuyện khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem