Đã mắt với tranh phong cảnh về một thời xa vắng của Trần Quốc Giang

M.T Chủ nhật, ngày 27/11/2022 16:05 PM (GMT+7)
Ký ức tuổi thơ trong "Ngày hôm qua", hay cảnh "Gia súc trên cánh đồng", "Mây sáng", "Sóng xô bờ", "Nhu động"... đều gợi lên nhiều lớp lang liên tưởng và trầm mặc trong tranh của Trần Quốc Giang.
Bình luận 0
Đã mắt với tranh phong cảnh về một thời xa vắng của Trần Quốc Giang - Ảnh 1.

"Tàn ngày" của Trần Quốc Giang. Ảnh: NVCC

Là họa sĩ vẽ tranh phong cảnh thường "không một bóng người", hay nói chung, là sự biến mất của "nhân ảnh", Trần Quốc Giang ghi dấu ấn với những tìm tòi riêng của mình đối với dòng tranh sơn mài.

Từ 26/11 đến 9/12, tại Eight Gallery, 8 Phùng Khắc Khoan, quận 1, TP.HCM diễn ra triển lãm tranh "Ngày hôm qua" của Trần Quốc Giang, họa sĩ sinh năm 1988 với những trải nghiệm có chiều sâu và những triết lý về nhân sinh cô đọng.

Đã mắt với tranh phong cảnh về một thời xa vắng của Trần Quốc Giang - Ảnh 2.

"Mây sáng"

Ban đầu theo phong cách biểu hiện, càng về sau càng chuyển sang trừu tượng, nhưng những sáng tạo bằng tranh sơn mài của Quốc Giang cho thấy anh đang theo đúng mạch nguồn sáng tạo bên trong.

Những nét xước công phu trên bức tranh "Ngày hôm qua" như sự dịch chuyển của thời gian và của những biến động trong cảm xúc, những tia sáng vàng xuyên qua những gam màu tăm tối, như hy vọng chồng lên thất vọng.

Đã mắt với tranh phong cảnh về một thời xa vắng của Trần Quốc Giang - Ảnh 3.

"Bãi bùn"

Đã mắt với tranh phong cảnh về một thời xa vắng của Trần Quốc Giang - Ảnh 4.

"Gia súc trên cánh đồng"

Và mong ước của anh chính là quan sát và cảm nhận sự sống ở xung quanh, làm bật lên những ấn tượng gai góc trên toan và vóc bằng chất liệu sơn ta mà anh đã nhiều năm học ở trường đại học Mỹ thuật.

Bản chất sơn mài là âm, chính vì thế, anh đưa những gam màu dương vào để làm cân bằng lại tâm trạng trước thiên nhiên trong tranh phong cảnh của mình. "Nhu động", "Phong hóa", "Bãi bùn" là những bức có giá trị về mặt hiệu ứng cân bằng như thế.

Đã mắt với tranh phong cảnh về một thời xa vắng của Trần Quốc Giang - Ảnh 5.

"Nhu động"

Sống động và trực diện, các tác phẩm phong cảnh của Giang mô tả thiên nhiên như những tấm gương khác nhau của tình cảm và nhận thức. Trần Quốc Giang chia sẻ: "Trong toàn bộ quá trình vận động của tự nhiên, trạng thái sống của động thực vật chỉ chiếm một phần. Con người thường nhìn nhận những trạng thái khác với cái nhìn tiêu cực do ý thức đánh đồng sự tồn tại của bản thân với trạng thái sống.

Nhưng tự nhiên, cho dù là đang phá hủy hoặc làm tiêu biến đi một vài thứ, vẫn là đang sống trong cuộc sống sôi động và vĩ đại của chính nó. Tôi muốn mở rộng đôi mắt mình, nhìn nhận mọi thứ bằng một trái tim không ẩn tình, không chủ quan, trong một lúc ngắn ngủi nào đó, cũng chấp nhận được rằng, kể cả là sự mất mát, cũng có vẻ đẹp của riêng nó".

Đã mắt với tranh phong cảnh về một thời xa vắng của Trần Quốc Giang - Ảnh 6.

"Sóng xô bờ"

Giám tuyển Lý Đợi nhận xét: Trần Quốc Giang có cách tiếp cận hơi khác với nhiều họa sĩ cùng trang lứa tại Việt Nam. Đầu tiên, anh chọn bảng màu có hơi hướng dã thú (fauvism), hòa trộn giữa phong cách tượng trưng và phong cách bán tượng trưng, với màu sắc mạnh, nóng, tự do, có chút nổi loạn, phá cách.

Phong cảnh của anh căn bản là hiện thực, nhưng không dừng lại ở mô tả, tỉa tót, mà bộc lộ một mong muốn với hiện thực. Trong mong muốn ấy, hiện thực được đẩy ra xa dần, thay vào đó là những hoài niệm, những tưởng tượng. Nói chung anh muốn áp đặt một hiện thực theo tâm trạng.

Đã mắt với tranh phong cảnh về một thời xa vắng của Trần Quốc Giang - Ảnh 7.

"Ngày hôm qua"

Từ khi còn là sinh viên Đại học Mỹ thuật TP.HCM, Giang đã được nhiều người biết đến với tư cách là một cây cọ của những tìm tòi, những truy vấn về các vấn đề mang tính bản thể của con người và xã hội.

Nên sẽ có chút ngạc nhiên, khi đến với loạt tranh phong cảnh lần này - được thực hiện từ đầu năm 2020 đến đầu năm 2021 - nơi con người hoàn toàn vắng bóng. Chỉ có những những nét cọ phiêu nên sắc trời, dáng mây, hình đất, thế nước...

Đã mắt với tranh phong cảnh về một thời xa vắng của Trần Quốc Giang - Ảnh 8.

"Sáng trăng"

Nói về lý do chuyên vẽ tranh phong cảnh, Trần Quốc Giang cho biết: "Trong giai đoạn đầu Covid-19, tôi cảm thấy năng lượng bên trong mình không còn đủ để tiếp tục những chủ đề cũ nữa. Có một tiếng nói bên trong thôi thúc tôi dừng lại.

Dù Covid-19 không ảnh hưởng gì đến kinh tế tài chính cá nhân, nhưng tôi thấy rõ sự tác động về mặt năng lượng. Đó là sự bí bách, như vậy, nếu cứ theo đuổi chủ đề phản kháng và đấu tranh thì không ổn lắm. Tôi đã ngưng nhằm lấy lại cân bằng.

Đã mắt với tranh phong cảnh về một thời xa vắng của Trần Quốc Giang - Ảnh 9.

"Phong hóa"

Tôi quyết định về quê thư giãn vài hôm, và nhận ra bao ký ức cũ ùa về. Tôi nhận ra khi mình đối diện và trò chuyện với thiên nhiên thì tương tác mạnh hơn nhiều so với những đợt trở về "cưỡi ngựa xem hoa". Khi trở về với động thái quan tâm và đối thoại với phong cảnh, thì mình thấy nó cũng đang đối thoại với chính mình. Và dù dịch bệnh, nhưng phong cảnh vẫn thế, vẫn tràn đầy sức sống và nên thơ".

Theo họa sĩ, hơn 20% của tổng 40 bức tranh là trực họa, nằm ở giai đoạn đầu, khi anh sáng tác ở Lái Thiêu (nơi đặt studio) và Gò Công, Tiền Giang, nơi anh sinh ra và lớn lên. Từ bé, anh đã sống trong vòng gần gũi với thiên nhiên, cho đến khi tôi lên Sài Gòn học và làm việc. Dù bị tách biệt, nhưng với anh, thiên nhiên vẫn còn nằm trong tiềm thức, và khi biến cố căng thẳng xảy đến, trở về đối diện với nó, anh như quay lại thời bé. 

Đã mắt với tranh phong cảnh về một thời xa vắng của Trần Quốc Giang - Ảnh 10.

Họa sĩ Trần Quốc Giang

"Tôi quan sát và lấy bút cọ ra vẽ, đơn thuần giải quyết cảm xúc bên trong chứ không có ý định triển lãm. Những bức đầu vẫn cảm xúc, nhưng thiên về mô tả đối tượng hơn. 

Về sau, nhờ nghe tiếng lòng mà tôi không ghi chép "thông tin đối tượng" nữa mà ghi chép tâm hồn xúc cảm của mình. Nếu sắp loạt tranh theo trình tự thời gian sáng tác thì khán giả sẽ thấy rõ đặc điểm ấy, qua sự biến thiên màu. 

Cũng về sau, màu là màu của xúc cảm chứ không phải là màu của đối tượng mà đôi mắt trông thấy".

Trần Quốc Giang tốt nghiệp khoa hội họa, Đại học Mỹ thuật TP.HCM năm 2015. Một số tác phẩm của Giang đã được chọn trưng bày tại các triển lãm toàn quốc, tại Giải thưởng Dogma 2019, tại triển lãm Biennale Mỹ thuật trẻ 2019... Tác phẩm Lên đồng (sơn mài), từng được trao giải Bạc tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015 và hiện đang được lưu trữ tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Triển lãm cá nhân đầu tiên có tên Xúc cảnh diễn ra tại TP.HCM năm 2021.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem