Đà Nẵng gỡ nút thắt cho dự án "treo" hơn 2 thập kỷ
Đà Nẵng gỡ nút thắt cho dự án "treo" hơn 2 thập kỷ
Diệu Bình
Thứ ba, ngày 30/08/2022 15:31 PM (GMT+7)
25 năm kể từ ngày công bố quy hoạch, dự án Làng Đại học Đà Nẵng chỉ mới triển khai được một phần thuộc địa phận TP.Đà Nẵng. Việc dự án kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân nằm trong vùng dự án, công tác quản lý an ninh, trật tự xã hội, xây dựng tại địa phương.
Ghi nhận của PV Dân Việt tại khu vực dự án Làng Đại học Đà Nẵng cho thấy những ngôi nhà tạm "chờ" quy hoạch đã cũ kỹ, xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Nhiều vị trí chưa được xây dựng "đắp chiếu" trong thời gian dài trở nên hoang hóa, cỏ mọc um tùm.
Người dân sinh sống trong khu vực dự án cho biết, họ phải sống trong cảnh "đi không được, ở không xong". Họ tha thiết mong các cơ quan chức năng sớm giải quyết dứt điểm tình trạng dự án treo. Qua đó, sớm chấm dứt cảnh người dân địa phương phải sinh sống chật vật, khổ sở trong khu vực dự án xuyên suốt hơn 20 năm qua.
Ông Nguyễn Văn Nhì (trú phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) cho hay, 5 người trong gia đình ông phải ở trong căn nhà xuống cấp nghiêm trọng trong suốt thời gian dài vì không được phép sửa chữa.
"Tôi đã quá mệt mỏi với suy nghĩ dự án được quy hoạch để gia đình ổn định đời sống rồi. Năm nào cũng có người xuống đo đạc. Đo hơn 20 năm rồi mà vẫn y như cũ. Gia đình tôi không còn trông chờ nữa. Nhà hư hỏng cũng không được sửa chữa, năm nào cũng mong không có mùa mưa. Mưa thì khổ lắm", ông Nhì than thở.
Được biết, từ năm 1997 đến nay, những người dân ở khu vực dự án không được thực hiện một số quyền được luật pháp cho phép như: Lập hộ mới, tách thửa, tặng cho, chuyển nhượng, thừa kế, chuyển mục đích sử dụng đất... và không được cấp phép xây dựng, cải tạo nhà cửa. Chỉ đến khi Luật Xây dựng năm 2013 có hiệu lực, các hộ dân trong khu vực ảnh hưởng mới được cấp phép xây dựng có thời hạn.
Theo kết quả tổng rà soát phối hợp giữa UBND thị xã Điện Bàn và Công an tỉnh Quảng Nam, từ 2009 đến nay có hơn 500 trường hợp xây dựng trái phép trên gần 5ha đất.
Việc dự án "treo" với thời gian kỷ lục đã khiến cuộc sống của hàng ngàn hộ dân trong khu vực dự án bị ảnh hưởng. Ông H.M.T (phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn) cho biết, trước tình trạng căn nhà ông bị xuống cấp nghiêm trọng, ông buộc phải gọi thợ về sửa "chui" vì đất chưa có sổ.
"Ở đây thì nhiều vấn đề lắm. Đường xá, đèn điện, nhà cửa nhìn đâu cũng thấy xuống cấp, nhếch nhác. Quy hoạch hơn 20 chục năm rồi, người dân ở đây ai cũng không muốn nhắc tới nữa", ông T nói.
Gỡ nút thắt cho dự án "treo" hơn 2 thập kỷ
Để gỡ nút thắt cho dự án Làng Đại học Đà Nẵng "treo" 25 năm, Đà Nẵng đã cho đấu thầu thi công khu tái định cư (TĐC) có tổng mức đầu tư 227 tỷ đồng.
Theo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng và Phát triển đô thị TP. Đà Nẵng, đơn vị đang triển khai đấu thầu thi công dự án khu TĐC phục vụ Dự án Làng Đại học Đà Nẵng tại phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn.
Dự án khu TĐC đang được đấu thầu rộng rãi để chọn nhà thầu thi công gói thầu xây lắp toàn bộ hạng mục công trình. Gói thầu này có giá dự toán 164,6 tỷ đồng, thời gian thực hiện 270 ngày, dự kiến hoàn thành vào năm 2023.
Liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư tại địa phận tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh Quảng Nam thông tin, tổng diện tích đất ảnh hưởng của người dân đến 1.591.028m2; tổng số hộ dân bị ảnh hưởng là hơn 1.845 hộ. Trong đó, 1.375 hộ ảnh hưởng đất ở, 30 hộ ảnh hưởng đất tôn giáo và 440 hộ ảnh hưởng đất nông nghiệp. Số căn nhà thuộc diện giải tỏa trắng là 817 căn. Tổng số lô TĐC dự kiến cần bố trí là 3.155 lô. Ngoài ra, tổng chi phí bồi thường, hỗ trợ và TĐC dự kiến là khoảng 2.776 tỷ đồng. Dự kiến chi phí bồi thường, hỗ trợ và TĐC thực tế là 4.164 tỷ đồng.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, kết quả kiểm tra, rà soát thể hiện 41% tổng diện tích dự án thuộc địa phận thị xã Điện Bàn có liên quan đất ở và nhà ở của nhân dân, dẫn đến chi phí bồi thường tăng cao. Vì vậy, việc triển khai thực hiện công tác GPMB dự án cơ bản không khả thi. Chỉ có khoảng 50ha có khả năng thuận lợi trong công tác GPMB tại khối Tứ Hà và Câu Hà, phường Điện Ngọ với tổng số hộ ảnh hưởng là 222 hộ. Dự kiến, tổng chi phí GPMB cho phần diện tích này khoảng 334 tỷ đồng; tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 815,8 tỷ đồng.
Lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị Bộ KH&ĐT chủ trì, cùng các bộ, ngành Trung ương xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện công tác bồi thường, GPMB và đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu liên quan.
Theo đó, trước mắt, cần bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện công tác bồi thường, GPMB toàn bộ diện tích trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong giai đoạn 2023 - 2025 (160 ha). Trong trường hợp không bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện công tác bồi thường, GPMB toàn bộ diện tích trên địa bàn tỉnh Quảng Nam từ nay đến năm 2025, UBND tỉnh đề nghị Bộ KH&ĐT chủ trì, cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh Quy hoạch phân khu (1/2000) để tập trung triển khai thực hiện trên phần diện tích khoảng 50 ha nêu trên.
Phần diện tích còn lại loại ra khỏi ranh giới dự án để UBND tỉnh Quảng Nam lập quy hoạch chỉnh trang, đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân tại khu vực; đồng thời, hình thành "khu đô thị vệ tinh" phục vụ Làng Đại học Đà Nẵng.
Dự án Làng Đại học Đà Nẵng được Chính phủ phê duyệt quy hoạch từ năm 1997, tổng diện tích gần 300ha, trong đó Quảng Nam 190ha, Đà Nẵng hơn 110ha.
Đến ngày 25/2/2019, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Nhiệm vụ quy hoạch phân khu 1/2000" với quy mô khoảng 286,5ha, gồm 96,5ha thuộc phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn (TP.Đà Nẵng) và 190ha thuộc phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam tại Quyết định 227/QĐ-TTg. Đến nay, trên địa bàn TP.Đà Nẵng đã giải phóng mặt bằng được 79 ha/110ha.
Hiện đã có 3 đơn vị đã sinh hoạt trong dự án Làng Đại học Đà Nẵng gồm: Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Trung tâm giáo dục Quốc phòng, Khoa Y dược, với khoảng 4.000 sinh viên đang học tập. Ngoài ra, tòa nhà làm việc của Đại học Sư phạm Kỹ thuật; Tòa nhà của Khoa Y dược đang được hoàn thiện, dự kiến cuối tháng 4/2022 sẽ bàn giao và đưa vào sử dụng. Đây là 2 tòa nhà thuộc công trình cấp thiết 200 tỷ đồng mà Bộ Giáo dục đã bố trí vốn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.