Đã từ chối, nhưng áp lực từ ông Trần Bắc Hà khiến chi nhánh phải cho vay tiền

Nguyễn Hoà Thứ ba, ngày 27/10/2020 10:52 AM (GMT+7)
Hôm nay (27/10), phiên tòa xử đại án xảy ra tại Ngân hàng BIDV và một số công ty liên quan bước sang ngày làm việc thứ 2. Theo các bị cáo, trước đề xuất cấp hạn mức tín dụng của doanh nghiệp, họ đã từ chối khi không đủ điều kiện nhưng áp lực từ ông Trần Bắc Hà khiến họ phải "tuân lệnh".
Bình luận 0

Cấp tín dụng cho doanh nghiệp hoạt động chủ yếu bằng vốn vay, vốn chiếm dụng

Tại tòa hôm nay, trả lời Hội đồng xét xử (HĐXX), bị cáo Lê Thị Vân Anh – nguyên Trưởng Phòng Khách hàng Doanh nghiệp BIDV – Chi nhánh Hà Tĩnh thừa nhận sai phạm như cá trạng truy tố. Bà Vân Anh mong HĐXX xem xét cho hoàn cảnh của bị cáo chỉ là người làm công ăn lương.

Liên quan đến hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng xảy ra tại BIDV (Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam), BIDV – Chi nhánh Hà Thành trong việc cấp tín dụng cho Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trung Dũng, ông Ngô Duy Chính – nguyên Giám đốc BIDV – Chi nhánh Hà Thành cho biết, doanh nghiệp này bắt đầu đặt quan hệ tín dụng với BIDV Hà Thành vào khoảng năm 2007.

Công ty Trung Dũng trong nhiều năm 2008, 2009, 2010, 2011 đã có những đề nghị cấp hạn mức tín dụng, năm cao nhất là năm 2011 là 700 tỷ đồng. Trong quá trình Công ty Trung Dũng vay tiền thì việc thanh toán được thực hiện theo quy trình.

Đã từ chối, nhưng áp lực từ ông Trần Bắc Hà khiến chi nhánh phải cho vay tiền - Ảnh 1.

Ông Đoàn Hồng Dũng - nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trung Dũng, một đơn vị theo xác định của cơ quan chức năng là hoạt động chủ yếu dựa trên vốn vay, vốn chiếm dụng của doanh nghiệp khác.

Đánh giá về điều kiện cấp tín dụng cho công ty Trung Dũng năm 2011, ông Chính cho biết, công ty này có đề nghị cấp hạn mức tín dụng, các phòng nghiệp vụ cũng như xem xét hồ sơ.

Theo ông Chính, công ty Trung Dũng cũng có những điều kiện chưa đủ. Theo sắp xếp của BIDV thì Công ty Trung Dũng thuộc nhóm hạng A (nhóm khách hàng uy tín), lúc đó chưa nhìn ra tiềm ẩn, rủi ro nên đề xuất lên Hội sở chính.

Theo HĐXX, Công ty Trung Dũng hoạt động chủ yếu dựa trên vốn vay, chiếm dụng của các doanh nghiệp khác, dư nợ nhiều, lãi giảm nhiều ở các năm trước.

Trong việc cấp L/C cho Công ty Trung Dũng, khi công ty trên có đề xuất, ông Chính nói đã có ý kiến từ chối, có báo cáo Chủ tịch HĐQT BIDV.

Về cáo trạng truy tố mình, bị cáo Chính thấy rằng mình có vi phạm.

Với nguyên Phó Giám đốc BIDV - Chi nhánh Hà Thành Nguyễn Xuân Giáp, trong việc cấp tín dụng hạn mức năm 2011 cho Công ty Trung Dũng, bị cáo Giáp khai tham gia với vai trò thành viên hội đồng tín dụng.

Trong việc họp, xét cấp tín dụng cho Công ty Trung Dũng, bị cáo Giáp đồng ý với việc cấp tín dụng cho Công ty này, kèm theo 2 điều kiện là quản lý dòng tiền của doanh nghiệp, yêu cầu bổ sung tài sản đảm bảo.

Nguyên Phó Giám đốc BIDV - Chi nhánh Hà Thành cũng thừa nhận, tại thời điểm giải ngân, doanh nghiệp vẫn chưa bổ sung được tài sản đảm bảo.

Với vai trò của mình, bị cáo này khai đã phê duyệt đề xuất của phòng khách hàng về việc giải ngân cho Công ty Trung Dũng, tổng số 13 phê duyệt về việc giải ngân, có 9 văn bản vi phạm về tài sản đảm bảo (khoảng 235 tỷ đồng).

Trước câu hỏi từ HĐXX khi doanh nghiệp chưa đáp ứng điều kiện giải ngân vẫn phê duyệt, ông Giáp nói thời điểm đó có nhiều áp lực.

Sau này khi Công ty Trung Dũng không trả được nợ, ông Giáp có tham gia khởi kiện doanh nghiệp này. Mục đích của việc khởi kiện Công ty Trung Dũng để thu hồi nợ, không nhằm che giấu việc cho vay trái pháp luật.

Áp lực từ ông Trần Bắc Hà

Nguyên Trưởng phòng Khách hàng Doanh nghiệp I BIDV – Chi nhánh Hà Thành Phạm Hồng Quang là người nói bị áp lực về tinh thần từ nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà.

Đã từ chối, nhưng áp lực từ ông Trần Bắc Hà khiến chi nhánh phải cho vay tiền - Ảnh 2.

Theo các bị cáo tại BIDV - Chi nhánh Hà Thành, họ ban đầu đã "nói không" với đề xuất của Công ty Trung Dũng, tuy nhiên sau khi nhận được văn bản có bút phê của ông Trần Bắc Hà, họ đã bị áp lực và phải "tuân lệnh".

Theo bị cáo Quang, người này đã ký đề xuất trình hạn mức năm 2011 của Công ty Trung Dũng, ký đề xuất mở L/C cho Công ty Trung Dũng.

Trước khi ký đề xuất cấp hạn mức cho doanh nghiệp này, theo ông Quang, Công ty Trung Dũng là khách hàng có uy tín, việc tái cấp của hạn mức thấy chưa có gì vi phạm.

Trong quá trình giải ngân cho Công ty Trung Dũng, bị cáo Quang ký đề xuất giải ngân 23 khế ước trên 26 khế ước.

Trong việc ký đề xuất mở L/C cho Công ty Trung Dũng, Phạm Hồng Quang trình bày ban đầu đã báo cáo trực tiếp Phó Giám đốc với Giám đốc chi nhánh ngân hàng về việc không cấp L/C cho Công ty Trung Dũng và nhận được sự đồng ý từ các lãnh đạo này.

Tuy nhiên, theo lời bị cáo Quang, sau đó bị cáo này nhận được văn bản của Hội sở chính, có bút phê của Chủ tịch HĐQT Trần Bắc Hà, lúc này bị áp lực về tinh thần. Bị cáo Quang cũng trình bày không nhớ ai đưa cho mình văn bản có bút phê đó.

"Sau khi nhận được văn bản có bút phê này, do có áp lực nên đã đồng ý. Bị cáo có báo cáo lại ban lãnh đạo, sau đó hội đồng tín dụng họp, đề xuất cấp L/C cho Trung Dũng" – Phạm Hồng Quang nói.

Bị cáo này cũng thừa nhận sai phạm như Viện kiểm sát truy tố, nhưng nói do bối cảnh, áp lực của đồng chí Chủ tịch HĐQT thì cuối cùng cũng phải giải ngân. Việc mở L/C, ban đầu cũng từ chối, nhưng do áp lực từ Chủ tịch nên bắt buộc phải phát hành.

Nguyên cán bộ Quản lý khách hàng BIDV – Chi nhánh Hà Thành Đặng Thanh Nam cũng khai trước tòa bị áp lực từ ông Trần Bắc Hà.

Theo đó, khi Công ty Trung Dũng đề xuất mở L/C, lúc đầu bị cáo cũng đề nghị không mở.

Sau đó nhận được công văn có bút phê của Chủ tịch Trần Bắc Hà nên dưới áp lực như đó đã lập báo cáo đề xuất báo cáo lãnh đạo phê duyệt theo thẩm quyền.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem