Đặc sứ Trung Quốc tới Nga và Ukraine: Liệu có hy vọng thúc đẩy hòa bình?
Đặc sứ Trung Quốc tới Nga và Ukraine: Liệu có hy vọng thúc đẩy hòa bình?
V.N (Theo SCMP, AP...)
Thứ bảy, ngày 13/05/2023 19:06 PM (GMT+7)
Trung Quốc thông báo sẽ cử đặc phái viên đến Ukraine, Nga và các quốc gia châu Âu khác bắt đầu từ đầu tuần tới để giải quyết khủng hoảng Ukraine. Đó là ông Lý Huy, đại sứ Trung Quốc tại Nga từ năm 2009 đến 2019. Liệu ông Lý có đem lại hy vọng kết nối các bên?
Đây là nhà ngoại giao cấp cao nhất của Trung Quốc đến thăm Ukraine kể từ đầu chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tới nay. Chuyến đi tuần tới của ông bao gồm hàng loạt điểm dừng: Ukraine, Ba Lan, Pháp, Đức và Nga. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 12/5 rằng mục đích chuyến đi của ông Lý là để “giao tiếp với tất cả các bên về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine”.
Ông Vương nói chuyến công du của ông Lý cho thấy “cam kết thúc đẩy hòa bình và đàm phán” của Trung Quốc. “Điều đó hoàn toàn cho thấy rằng Trung Quốc kiên quyết đứng về phía hòa bình.
“Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc xây dựng sự đồng thuận quốc tế hơn nữa về ngừng bắn, ngừng chiến tranh, mở ra các cuộc đàm phán hòa bình và ngăn chặn sự leo thang của tình hình”.
Ông Vương nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng ở Ukraine còn kéo dài và leo thang, các tác động lan rộng của nó đang nổi lên và ngày càng nhiều tiếng nói kêu gọi ngừng bắn
Ông Lý hiện là thứ trưởng ngoại giao về các vấn đề Á-Âu. Đã có 10 năm là Đại sứ Trung Quốc tại Nga, ông nói tốt tiếng Nga, hiểu rõ và có các mối quan hệ tốt ở Nga. Trước khi hết nhiệm kỳ, ông được Tổng thống Nga Putin trao tặng huân chương hữu nghị - song điều này cũng làm xuất hiện nhưng e ngại rằng ông là người “thân Nga”. Nhưng tờ South China Morning Post dẫn lời các chuyên gia có rằng, việc cử ông Lý cho thấy Trung Quốc muốn thúc đẩy vấn đề Ukraine. Ông Lý có vị thế quan trọng hơn các đại sứ Trung Quốc ở các nước ông sẽ dừng chân, điều đó khiến tiếng nói của ông có trọng lượng hơn. Ngoài ra việc ông thạo tiếng Nga có thể là nền tảng để ông trao đổi quan điểm tốt hơn với các bên. Điều đó cũng không có nghĩa là ông “thân Nga”. “Liệu việc học tiếng Anh có phải là thân Mỹ?” - Li Lifan, chuyên gia về Nga và Trung Á tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Thượng Hải nói với SCMP.
Nói về chuyến thăm của ông Lý, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương hiện đang ở thăm Na Uy, nói: “Tất cả chúng tôi đều lo ngại về tình hình và chúng tôi đều kêu gọi hòa bình và một giải pháp chính trị, điều mà Trung Quốc ủng hộ và kêu gọi kể từ ngày đầu tiên bùng phát xung đột”.
Trung Quốc luôn khẳng định họ là một bên trung lập trong cuộc chiến Ukraine, song nước này luôn bị phương Tây chỉ trích vì từ chối lên án Nga về chiến sự Ukraine. Nhưng thời gian qua, chính những nỗ lực của Trung Quốc đã được các bên trông đợi và thể hiện những tiến triển nhất định.
Hơn một năm sau cuộc chiến, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã điện đàm với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky vào tháng trước. Cuộc điện đàm của ông Tập với ông Zelensky, được tổng thống Ukraine mô tả là “dài và có ý nghĩa”, sau khi Bắc Kinh công bố vào tháng 2 một tài liệu lập trường 12 điểm về Ukraine, trong đó kêu gọi đối thoại và tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của tất cả các quốc gia. Các nước phương tây cho rằng kế hoạch này là mơ hồ, song trên thực tế kế hoạch khiến ông Zelensky nói rằng ông sẵn sàng đàm phán với ông Tập, với quan điểm đầu tiên của ông là “chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia phải được tôn trọng một cách hiệu quả”. Đến giờ các chi tiết cụ thể của kế hoạch vẫn được giữ kín và vẫn chưa rõ liệu các điều kiện của ông Zelensky sẽ được đề cập như thế nào.
EU và NATO cũng quan ngại việc Trung Quốc làm trung gian. Theo một điều tra hồi tháng 3/2023 của tờ Politico, một số công ty Trung Quốc kể cả các công ty có mối quan hệ với chính phủ, đã gửi súng trường, linh kiện máy bay không người lái và áo giáp cho các đơn vị ở Nga. Trung Quốc đã bác bỏ những thông tin này.
Tuy nhiên bối cảnh vẫn có những thuận lợi cho chuyến đi của ông Lý. Tuần qua, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã gặp nhau ở Vienna, Áo, với các cuộc thảo luận “sâu sắc, cụ thể, thực chất và mang tính xây dựng” về việc ổn định và cải thiện quan hệ song phương. Quan hệ Trung - Mỹ đã ở mức thấp nhất kể từ khi Mỹ bắn rơi bóng thám không bị nghi là thiết bị do thám của Trung Quốc bay trên bầu trời Mỹ và Canada. Sự cố đã khiến Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phải hoãn chuyến thăm Bắc Kinh. Quan hệ Mỹ - Trung được cải thiện như vậy sẽ có lợi cho việc thúc đẩy giải quyết xung đột ở Ukraine mặc dù còn rất nhiều vấn đề phức tạp liên quan.
Trong khi đó, quan chức đối ngoại cấp cao nhất của EU, ông Joseph Borrell, phát biểu với các nhà báo tại Stockholm nói rằng EU “có 2 vấn đề an ninh chiến lược” với Trung Quốc - một là Đài Loan và một là Ukraine. Tuy nhiên ông nói: “Chúng tôi không thể có quan hệ bình thường với Trung Quốc nếu Trung Quốc không sử dụng ảnh hưởng của mình với Nga để ngăn chặn cuộc chiến này”. Điều này cho thấy Châu Âu rất cần vai trò của Trung Quốc, đồng thời cũng thể hiện sự nghi ngại của họ.
Chiến sự ở Ukraine kéo dài đã khiến các bên mệt mỏi. Nga đã sáp nhập một số vùng lãnh thổ của Ukraine khiến phương tây hiểu rằng Ukraine khó mà đủ năng lực để giành chiến thắng, hơn nữa nội bộ các quốc gia phương tây cũng không đủ nguồn lực và quá mệt mỏi để tiếp tục viện trợ cho Ukraine. Chiến sự ở Bakhmut có vẻ dằng dai nhưng Nga cũng đã kiểm soát hầu hết Bakhmut, chỉ còn vài km vuông cuối cùng. Những gì có vẻ là bất đồng giữa tập đoàn quân sự tư nhân Wagner đã chiến đấu ở Bakhmut suốt thời gian qua với Bộ Quốc phòng Nga dường như là một chiến thuật hơn là một sự bế tắc. Tuy nhiên Nga cũng hứng chịu các cuộc tấn công ngày càng gia tăng vào bên trong lãnh thổ của họ, kể cả tấn công bằng máy bay không người lái vào tận Điện Kremlin, đặt ra những câu hỏi về năng lực của phòng không Nga và sự ủng hộ của công chúng với cuộc chiến ở Ukraine.
Không thể phủ nhận là sự tham gia của Trung Quốc lúc này rất quan trọng. Tất cả các bên hiện giờ đều trông vào vai trò của Trung Quốc với tư cách là cường quốc tương đương trong bộ ba Mỹ - Nga - Trung. Không nước nào có ảnh hưởng lớn với Nga như Trung Quốc và không có nước nào khiến Mỹ lo ngại vì sự cạnh tranh vị thế như Trung Quốc.
Ảnh hưởng của Trung Quốc đã được khẳng định rất rõ, nhất là trong những tháng gần đây, Bắc Kinh luôn thể hiện mình là một nhà trung gian hòa giải với vai trò hàng đầu trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng toàn cầu. Trung Quốc đã thành công khi sắp xếp các cuộc đối thoại giữa Saudi Arabia và Iran hồi tháng Ba vừa qua, dẫn tới việc hai nước nối lại quan hệ ngoại giao sau 7 năm gián đoạn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.