Giá gạo bán lẻ tại nhiều cửa hàng, đại lý tại TP.HCM đang nhích tăng liên tục trong cơn sốt giá gạo xuất khẩu tăng. Nhiều đại lý còn cho biết giá gạo bán lẻ hiện nay cứ 2 - 3 ngày là tăng, thậm chí mỗi ngày một giá theo hướng hôm sau cao hơn hôm trước.
Giá gạo bán lẻ tại các đại lý, cửa hàng khu vực TP.HCM đang nhích tăng liên tục. Ảnh: H.Phúc
Tại một cửa hàng bán lẻ gạo trên đường Lê Hồng Phong, quận 10, gạo thơm Mỹ 18.000 đồng/kg, gạo thơm Đài 20.000 đồng/kg, tăng 3.000 - 5.000 đồng/kg so với đầu tháng 7. Giá các loại gạo phổ thông cũng nhích tăng 2.000 - 3.000 đồng/kg so với tháng trước.
Khảo sát thêm tại nhiều cửa hàng bán gạo lẻ khác đều thấy giá gạo tăng so với cuối tháng 7. Giá gạo thơm lài 23.500 - 24.000 đồng/kg, gạo thơm Thái 25.000 - 26.000 đồng/kg, gạo thơm lài Campuchia 27.000 - 28.000 đồng/kg, gạo Tài nguyên Chợ Đào giá 22.000 đồng/kg, gạo thơm Nhật giá 21.000 đồng/kg, gạo tấm Thơm giá 17.000 đồng/kg… Mức tăng phổ biến 1.000 - 3.000 đồng/kg.
Nhiều loại gạo nhích tăng giá, dẫn đến hệ quả là không dễ tìm thấy gạo 14.000 - 15.000 đồng/kg tại các đại lý. Đồng thời, giá gạo nhảy múa liên tục nên các đại lý này bán theo ngày là chủ yếu, không dám nhận đặt trước với sản lượng nhiều.
Ông Thành - chủ một đại lý gạo tại quận 3, cho biết 10 ngày trở lại đây, giá gạo tăng thấy rõ tại các cửa hàng bán lẻ, đại lý.
“Gạo phân khúc 12.000 - 18.000 đồng/kg tăng từ 20-30%. Các loại gạo thơm trung và cao cấp phân khúc 20.000 đồng/kg trở lên tăng ít hơn, tăng từ 10- 15%”, ông nói và cho biết ngày nào nhiều đại lý gạo cũng đều cắm bảng giá mới.
Sở Công Thương TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức, các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu gạo, doanh nghiệp bình ổn thị trường mặt hàng gạo và các hệ thống phân phối tại thành phố, về việc bình ổn thị trường các mặt hàng gạo trong bối cảnh giá gạo tăng nóng.
Các quận, huyện và TP.Thủ Đức được yêu cầu phải chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc theo dõi diễn biến thị trường, giá cả trên địa bàn; báo cáo định kỳ và đột xuất về Sở Công Thương, Sở Tài chính; kịp thời báo cáo và đề xuất phương án xử lý khi có dấu hiệu khan hiếm hàng hóa.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định nhà nước về giá hàng hoá tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, chấn chỉnh, hỗ trợ hoạt động của mạng lưới bán hàng bình ổn thị trường trên địa bàn.
Ban quản lý các chợ phải tăng cường quản lý giá cả, chất lượng gạo, việc cân, đong gạo, giá cả niêm yết trong phạm vi quản lý chợ.
Sở Công Thương TP.HCM cũng đề nghị các hệ thống phân phối hiện đại dự báo nhu cầu thị trường, có kế hoạch thu mua dự trữ và kịp thời cung ứng gạo phục vụ thị trường trong mọi tình huống.
Đồng thời, doanh nghiệp phân phối phải phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp bình ổn thị trường, doanh nghiệp cung ứng gạo; chủ động đàm phán hợp đồng phân phối các mặt hàng gạo trên tinh thần hỗ trợ, chia sẻ, hợp tác bền vững và có kế hoạch giao nhận hàng dài hạn, ổn định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.