Đằng sau đội hình trị giá 1,337 tỷ euro của ĐT Pháp: "Nhức nhối" vấn đề gốc Phi
Đằng sau đội hình trị giá 1,337 tỷ euro của ĐT Pháp: "Nhức nhối" vấn đề gốc Phi
Đông Hưng
Thứ tư, ngày 14/12/2022 16:10 PM (GMT+7)
ĐT Pháp giành 2 chức vô địch World Cup nhờ sự đóng góp rất lớn của những cầu thủ có gốc gác nhập cư từ châu Phi, thế nhưng trong lòng nước Pháp, không ít người lại mỉa mai điều này. Họ vẫn có sự phân biệt nhất định đối với người nhập cư...
Các cầu thủ là thế hệ nhập cư thứ nhất, con trai hoặc cháu trai của nhóm nhập cư là những người đang thắp lên hy vọng bảo vệ chức vô địch tại World Cup 2022 của ĐT Pháp. Dẫu vậy, nhập cư lại đang là vấn đề nhức nhối tại Pháp.
Đội hình "Liên hợp quốc"
Kylian Mbappe lớn lên ở ngoại ô Paris, nhưng cha đến từ Cameroon và mẹ đến từ Algeria. Ông nội của Antoine Griezmann là người Bồ Đào Nha, trong khi mẹ Ousmane Dembele đến từ Mauritania và cha đến từ Mali.
Gốc gác châu Phi cũng xuất hiện nhiều trong đội hình của ĐT Pháp dưới thời HLV Didier Deschamps. Cha của Aurelien Tchouameni là người Cameroon, trong khi gốc gác của Dayot Upamecano là từ Guinea-Bissau. Tổ tiên của Jules Kounde từ Nigeria, Togo và Benin, trong khi cha mẹ Eduardo Camavinga là người Congo và sinh cầu thủ này trong một trại tị nạn ở Angola, Youssouf Fofana có nguồn gốc Bờ Biển Ngà...
Theo thống kê, 26 tuyển thủ Pháp tới Qatar có tổng giá trị chuyển nhượng lên tới 1,337 tỷ euro, và trong 26 gương mặt này, có tới 17 ngôi sao có gốc gác châu Phi. 2-3 cầu thủ khác thì có chút lai tạo từ Bỉ, Đức hay Tây Ban Nha. Số gương mặt thuần Pháp chỉ đếm trên đầu ngón tay (6-7 cầu thủ). Dẫu vậy, đây không phải là điều mới lạ với "Những chú gà trống Gô-loa".
Theo Al Jazeera, vào ngày 12/7/1998, khi ĐT Pháp vô địch World Cup lần đầu tiên trong lịch sử, hình ảnh tiền vệ Zinedine Zidane được chiếu lên Khải Hoàn Môn cùng dòng chữ "Merci ZiZou".
Zidane - người Algeria nhập cư thế hệ thứ hai đến từ khu vực thuộc tầng lớp lao động ở Marseille - từng là thành viên một đội gồm các cầu thủ gốc Armenia, Ghana, Senegal và Guadeloupe.
9 cầu thủ trong đội hình 22 người vô địch World Cup 1998 đều là người nhập cư hoặc con của người nhập cư. Trong một khoảng thời gian, thành công của bóng đá dường như gắn kết xã hội Pháp.
ĐT Pháp năm 1998 được ca ngợi là tấm gương sáng về sự hội nhập thành công. Tờ Le Monde gọi họ là "biểu tượng của sự đa dạng và thống nhất đất nước".
"Chỉ riêng bóng đá không thể xóa bỏ phân biệt chủng tộc, nhưng môn thể thao này đã có tác động", cựu cầu thủ Lilian Thuram - người ghi kỷ lục số lần khoác lên mình áo ĐTQG Pháp - nói.
Khi người Pháp nâng chiếc cúp vô địch lần thứ 2 vào năm 2018, đội hình có 20 cầu thủ sinh ra bên ngoài nước Pháp hoặc có cha mẹ, ông bà đến từ nơi khác. Pháp, một lần nữa, vui mừng trước thành công đa văn hóa. Khoảng 89% số bàn thắng ĐT Pháp ghi được ở World Cup 2022 tính cho tới lúc này là từ cầu thủ nhập cư, trong đó riêng Kylian Mbappe đã là chủ nhân của 5 bàn thắng.
Vấn đề nhức nhối
Dẫu vậy, những rạn nứt về vấn đề cầu thủ nhập cư vẫn âm ỉ trong xã hội Pháp.
Hồi năm 1996, lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) khi đó - Jean-Marie Le Pen - đã có phát ngôn đầy tranh cãi, khi nói ĐT Pháp là "nhân tạo" vì có quá nhiều cầu thủ không phải da trắng. Sau đó, ông còn mô tả Pháp "không xứng đáng" khi có nhiều cầu thủ không biết quốc ca.
ĐT Pháp đến với World Cup 2022 sau cuộc đua tổng thống đầy cạnh tranh giữa ông Emmanuel Macron và đối thủ Marine Le Pen, con gái của ông Jean-Marie Le Pen.
Chiến dịch tranh cử của bà Le Pen chủ yếu tập trung vào các đề xuất nhắm vào người nhập cư và Hồi giáo. Dù ông Macron giành chiến thắng, đảng của bà Le Pen cũng giành kỷ lục 89/577 ghế trong Quốc hội Pháp.
Các CLB Pháp cũng phải vật lộn với các phe phái phân biệt chủng tộc trong số CĐV. PSG - thành lập vào năm 1970 - từng vật lộn đối phó với nhóm phân biệt chủng tộc chiếm giữ khán đài Kop of Boulogne tại sân Parc des Princes cho tới tận năm 2010.
Parc des Princes có thể là một trong những địa điểm thù địch nhất với các cầu thủ da đen. Patrick Vieira - cựu tiền vệ người Pháp gốc Senegal - từng nói: "Tôi sẽ phản cân nhắc kỹ trước khi đặt chân tới đây một lần nữa".
Timothee Maymon, nhà báo thể thao, nói rằng mặc dù việc lấy bóng đá làm giải pháp cho xã hội toàn diện mang tính chính trị, trên thực tế, chính nhập cư đã "làm cho bóng đá Pháp trở nên tốt hơn".
"Nền chính trị cánh hữu (Pháp) thường nói tuyển không có cầu thủ da trắng. Nhưng thực ra, nếu chúng tôi chỉ có cầu thủ da trắng, chúng tôi đã không thể chiến thắng tới 2 kỳ World Cup", ông nói.
Ông cũng nhấn mạnh giải Quả bóng Vàng là ví dụ điển hình cho thấy bóng đá Pháp phụ thuộc vào người nhập cư. Bốn trong số năm cầu thủ Pháp chiến thắng không phải là người gốc Pháp.
2h ngày 15/12 (giờ Việt Nam), Pháp sẽ gặp Maroc ở trận bán kết 2 World Cup 2022. Có một sự thật khá thú vị. Nếu như nền tảng sức mạnh của ĐT Pháp dựa trên gần 20 cầu thủ gốc Phi, thì sức mạnh của Maroc lại dựa trên 16-17 cầu thủ sinh ra hoặc lớn lên ở châu Âu. Có những cầu thủ Maroc sinh ra hoặc lớn lên ở Pháp, nhưng chọn khoác áo đội tuyển quê cha đất tổ như Romain Saiss hay Sofiane Boufal. Họ sẵn sàng chống lại nơi đã nuổi nấng mình. Nhưng cũng có những người gốc Maroc, như Matteo Guendouzi đã chọn phục vụ nơi mình sinh ra và chuẩn bị sẵn tâm lý để đối đầu với quê cha đất tổ...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.