Hoàng Hải Sơn
Thứ ba, ngày 13/02/2024 05:46 AM (GMT+7)
Dù nhìn gần hay xa, nông thôn bao giờ cũng là tương lai của một xứ nông nghiệp. Muốn nông dân “yêu ruộng”, phải xem lại các chính sách tác động giúp nông dân được hưởng lợi những gì…, nghĩ về những câu chuyện “khoán hộ”, “khoán 10” sẽ gợi ra những điều bổ ích…
1.Thế hệ chúng tôi biết làm nông rất sớm! 14 - 15 tuổi con trai đã biết cầm cày, bừa, gánh phân, rắc mạ; con gái biết nhổ mạ, cấy lúa, trồng khoai. Chuyện ăn uống thì giống nhau, hạt cơm, lát khoai lỡ rơi xuống đất là nhặt lên cho vào miệng. Ngày bữa có, bữa không - thế mà từ làng trên đến xóm dưới - tôi chưa từng thấy ai kêu khổ, chưa từng thấy ai bỏ làng ra đi!
Làng vẫn thế! Lũ trẻ thì cứ tồ tồ lớn lên, đi học, đi bộ đội, phần rất nhiều là ở lại quê lấy vợ, gả chồng, sinh con, nuôi cái. Hơn chục năm gần đây, công nghiệp về làng, nông thôn mới bừng thức, dân làng giàu lên, người ta mới nhận ra "đất" và những giá trị từ đất sinh sôi.
Trở lại những năm 1970, 1980, nông nghiệp nghèo, nông thôn nghèo…, các nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách vẫn cho rằng, một mặt những hạn chế của hệ thống chính sách kinh tế nói chung và chính sách kinh tế nông nghiệp nói riêng chỉ là phần nhỏ, tạm thời và có thể khắc phục được. Mặt khác, các chủ trương, đường lối chính sách chung là đúng, chỉ có khâu thực hiện chính sách là chưa tốt.
Do vậy, từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (tháng 3/1982) cho tới trước Hội nghị T.Ư 8 (khóa V) tháng 6/1985 vẫn chưa hề có những đổi mới chính sách nào có tính toàn diện và triệt để hơn những quan điểm và giải pháp chính sách được ban hành giai đoạn từ Nghị quyết Hội nghị T.Ư 6 (khóa IV) tháng 9/1979 cho tới khi Chỉ thị 100 (tháng 1/1981).
"Những năm gần đây nhà tôi đã mạnh dạn thuê gần 3 mẫu đất, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, chuyên canh rau màu nên làm nông nghiệp vẫn có của ăn của để. Nông dân chúng tôi dù ở thời nào cũng cần đất – vì đất không bao giờ phụ công sức con người".
Nông dân Nguyễn Văn Lịnh (xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình)
Nếu như đọc kỹ nội dung của chính sách, quả thực, tính đổi mới, đột phá của Chỉ thị 100 ngày 13/1/1981 vẫn còn hạn chế.
Khách quan mà nói, Chỉ thị 100 đã bộc lộ gần như ngay sau khi nó được áp dụng vào thực tiễn sản xuất: Nhà nước và tập thể đã không đảm bảo được 5 khâu sản xuất (làm đất, giống, nước, phân bón, phòng trừ dịch bệnh); mặt khác, sự điều chỉnh mức khoán từng năm theo xu hướng năm sau cao hơn năm trước, đã dần dần triệt tiêu động lực của hộ gia đình.
"Nhà nước không đảm bảo cung ứng kịp thời, thì HTX không làm tròn trách nhiệm với xã viên trong việc giao khoán. Mặt khác, tập thể làm mà không đảm bảo chất lượng thì xã viên cũng không đồng tình mà họ đòi hỏi tự để họ đảm nhiệm lấy tất cả những việc mà họ có thể làm được" (Nguồn: Ban Nông nghiệp T.Ư – Báo cáo ngày 3/7/1982).
Nếu như năm 1986, lương thực sản xuất ở nước ta đạt 18,37 triệu tấn, thì năm 1987 chỉ còn 17,5 triệu tấn, giảm gần 80 vạn tấn; trong khi đó, dân số cả nước tăng thêm 1,5 triệu người làm cho lương thực bình quân đầu người giảm từ 300,8kg xuống còn 280kg, riêng miền Bắc từ 245,6kg xuống còn 230,6kg- mức thấp nhất kể từ năm 1981.
Đó là nguyên nhân cơ bản, trực tiếp tạo nên những cơn sốt về lương thực ở miền Bắc - mà đỉnh cao là nạn đói giáp hạt những tháng đầu năm 1988 xảy ra ở 21 tỉnh, thành phố phía Bắc với hơn 9,3 triệu người, bằng 39,7% số nhân khẩu nông nghiệp.
Trong đó, số người thiếu đói gay gắt, đứt bữa vào những tháng giáp hạt 1988 là 3,6 triệu người" (theo sách "Đảng Cộng sản Việt Nam với công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế - NXB QĐND 2006).
2. Nghị quyết 10 đã chính thức thừa nhận "khoán đến hộ" cả về tư liệu sản xuất (sở hữu), về tổ chức phân công lao động và phân phối, lưu thông sản phẩm.
Cụ thể Nghị quyết 10 quy định việc khoán ruộng (đất trồng trọt) tới hộ được ổn định trong vòng 15 năm và nghĩa vụ của người nhận khoán trong HTX trong vòng 5 năm. Nó cũng quy định được giao khoán đến hộ một cách lâu dài đất trồng rừng và cây công nghiệp dài ngày (1 đến 2 vụ kinh doanh), đất mặt nước và đất trồng cây lương thực, cây công nghiệp hàng năm từ 15 - 20 năm.
Trong tổ chức sản xuất, Nghị quyết 10 không bắt buộc phải quy định làm theo phương thức "5 khâu 3 việc". Trong phân phối, ngoài thuế và nghĩa vụ, các hộ gia đình và HTX được quyền tự do sử dụng các sản phẩm làm ra, đồng thời các cơ quan, đơn vị kinh tế Nhà nước phải "thuận mua vừa bán" - nếu muốn mua nông sản của người nông dân.
Nghị quyết 10 xuất phát từ hệ tư tưởng xóa bỏ hệ thống chính sách nông nghiệp, nông thôn đã có và xây dựng một hệ thống chính sách kinh tế nông nghiệp, nông thôn mới dựa trên một hệ quan điểm kinh tế mới - Nghị quyết Đại hội Đảng VI.
3.Hiện nay, thôn An Phú, xã Quỳnh Hải được coi là vựa rau màu của huyện Quỳnh Phụ và cả tỉnh Thái Bình nhờ truyền thống chuyên canh rau màu từ nhiều năm nay, với chủng loại đa dạng và có sức tiêu thụ cao trên thị trường như: cần tây, tỏi tây, su hào, bắp cải, ớt, bí xanh, hành lá, thì là...
Nhờ giàu kinh nghiệm sản xuất, khả năng thâm canh, tăng vụ cao (6 - 7 vụ/năm), có các cơ sở cung ứng và tiêu thụ nông sản ngay tại địa phương đã giúp thu nhập bình quân từ sản xuất rau màu của bà con đạt từ 600 - 700 triệu đồng/ha.
Quỳnh Hải còn được coi là một trong những đầu mối tập kết, trung chuyển nông sản lớn trong khu vực. Toàn xã có gần trên 50 hộ thu mua, trung chuyển quy mô lớn tại chợ đầu mối và các đại lý. Ước tính, lượng nông sản trung chuyển, tiêu thụ trên địa bàn trung bình từ 75 - 100 tấn/ngày, cao điểm từ 150 - 200 tấn/ngày.
"Xã chúng tôi là địa phương có truyền thống chuyên canh rau màu. Để phục vụ tốt việc sản xuất và tiêu thụ rau, địa phương duy trì hiệu quả hoạt động của chợ đầu mối nông sản, tổ chức phân luồng giao thông, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, tạo điều kiện các luồng hàng nông sản xuất nhập được thuận lợi" - nông dân Nguyễn Văn Lịnh cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.