Quốc hội thông qua Luật mới: Dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng BT
Quốc hội thông qua Luật PPP: Dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng BT
PVCT
Thứ năm, ngày 18/06/2020 16:03 PM (GMT+7)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, không quy định loại hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) tại dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Chiều nay (18/6), với hơn 92.75% số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Trước khi Quốc hội thông qua, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý đối với dự thảo Luật.
Một trong những nội dung đáng chú ý là các quy định đối với hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, một số ý kiến đề nghị không quy định dự án áp dụng loại hợp đồng BT trong dự thảo Luật vì không đúng bản chất hợp tác công tư. Có ý kiến đề nghị dừng triển khai mới loại hợp đồng BT vì cho rằng thời gian qua dự án BT đã để lại nhiều hệ lụy, dư luận không tốt, có tình trạng mua công trình giá đắt và đổi lại đất đai và tài sản công với giá rẻ gây thất thoát cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị tiếp tục quy định dự án áp dụng loại hợp đồng BT trong dự thảo Luật.
"Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, chỉnh lý, không quy định loại hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) tại dự thảo Luật, quy định rõ tại khoản 5 và khoản 6 Điều 101 (Quy định chuyển tiếp) các trường hợp chuyển tiếp đối với dự án BT đã và đang triển khai thực hiện trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành; bổ sung quy định về việc dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng BT; bổ sung quy định dự án áp dụng loại hợp đồng BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư thì dừng thực hiện kể từ ngày 15/8/2020", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết.
Một nội dung đáng chú ý khác là kiểm toán nhà nước trong hoạt động đầu tư theo phương thức PPP.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, khi góp ý cho dự thảo Luật, một số ý kiến cho rằng Kiểm toán nhà nước chỉ kiểm toán tài sản công, tài chính công trong dự án PPP, không kiểm toán vốn đầu tư tư nhân trong dự án. Một số ý kiến khác cho rằng dự án PPP bản chất là đầu tư công nên phải kiểm toán toàn bộ, kể cả phần đầu tư từ nguồn vốn tư nhân.
Có ý kiến đề nghị cân nhắc kỹ về thời điểm, giai đoạn thực hiện kiểm toán dự án PPP để phù hợp với nguyên tắc hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của Kiểm toán nhà nước; không quy định cụ thể về nội dung kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động vì Luật Kiểm toán nhà nước đã quy định.
Có ý kiến đề nghị bỏ cụm từ "có sử dụng tài chính công, tài sản công"; bỏ quy định kiểm toán "trên cơ sở các chỉ số đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ công" do không có quy định rõ ràng kiểm toán trên chỉ số nào; bổ sung một khoản quy định về kiểm toán ngân sách nhà nước sử dụng để chia sẻ phần giảm doanh thu.
Kiểm toán khi thực hiện cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu; kiểm toán toàn bộ giá trị tài sản của dự án PPP khi được chuyển giao cho Nhà nước. Dự thảo Luật không quy định cụ thể về nội dung kiểm toán là kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động hay kiểm toán tài chính.Thời điểm kiểm toán, nghiệp vụ kiểm toán và kế hoạch kiểm toán thực hiện theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước.
Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư có hiệu lực thi hành từ ngày 01/ 01/2021, trừ quy định tại khoản 6 Điều 101 của Luật này (Dự án áp dụng loại hợp đồng BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư thì dừng thực hiện kể từ ngày 15/8/ 2020).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.