Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM: Y tế giá rẻ thì chất lượng khám chữa bệnh không thể cao

Bạch Dương Thứ năm, ngày 25/08/2022 13:52 PM (GMT+7)
Làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Xã hội của Quốc hội về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phòng chống dịch, Sở Y tế TP.HCM đã thẳng thắn chỉ ra những "nút thắt" kéo dài lâu nay.
Bình luận 0
"Đấu thầu giá rẻ sẽ dẫn đến nền y tế giá rẻ" - Ảnh 1.

Uỷ ban Xã hội của Quốc hội làm việc với Sở Y tế TP.HCM. Ảnh: B.D

Báo cáo với Đoàn giám sát, TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, hiện trên địa bàn có 187 cơ sở y tế tham gia khám chữa bệnh BHYT. Ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2022, số lượt khám chữa bệnh BHYT đã có dấu hiệu phục hồi, tăng cao hơn so với thời điểm 2021 nhưng vẫn giảm so với các năm 2018, 2019. Số lượt khám chữa bệnh giảm khiến cho các cơ sở y tế tự chủ tài chính gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, trong 7 tháng đầu năm 2022, TP.HCM có lượt khám BHYT nội trú trái tuyến tăng và đang có xu hướng gia tăng vào giai đoạn cuối năm khiến xảy ra tình trạng quá tải ở một số bệnh viện chuyên sâu tuyến cuối, đồng thời vượt dự toán chi của BHXH TP.HCM.

Một khó khăn khác mà các cơ sở y tế hiện nay đang gặp phải là việc thanh quyết toán vượt quỹ, vượt trần đang bị kéo dài, không đúng niên độ. Hiện nay các đơn vị y tế đều đã phải tự chủ tài chính, hàng năm phải quyết toán thu – chi, từ lương, thu nhập tăng thêm của nhân viên đến thanh toán công nợ cho các đơn vị cung ứng thuốc, vật tư y tế…Do đó, việc chậm thanh quyết toán sẽ ảnh hưởng đến thu nhập nhân viên y tế và các công ty cung ứng cũng sẽ chậm cung cấp thuốc, vật tư y tế cho bệnh viện.

Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế cũng chia sẻ, hiện đang có sự mâu thuẫn giữa giải quyết quyền lợi của người tham gia BHYT và sự phát triển của y tế cơ sở. Việc thông tuyến BHYT tạo thuận lợi nhất cho người dân nhưng điều này khiến các trạm y tế không thu hút được bệnh nhân bởi các trạm vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của người bệnh.

Ở các bệnh viện, việc khám chữa bệnh BHYT cũng không khá hơn khi thời gian qua, số lượng bệnh nhân giảm, công tác đấu thầu cung ứng thuốc, vật tư y tế gặp nhiều vấn đề, có những bệnh viện rơi vào tình trạng chênh lệch thu – chi là 0 đồng.

"Đấu thầu giá rẻ sẽ dẫn đến nền y tế giá rẻ" - Ảnh 3.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng. Ảnh: B.D

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các nghị quyết hướng dẫn giải quyết khó khăn trong mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Quốc hội sớm hoàn thiện chính sách, khung pháp lý trong công tác mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế nhằm mua sắm được hàng hóa có chất lượng với giá hợp lý thay cho việc mua được hàng hóa giá rẻ.

Về vấn đề này, ông Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng theo Nghị quyết 30 thì cơ chế đặc biệt, đặc thù và phải làm nhanh, thậm chí là chỉ đạo miệng hôm sau có thiết bị để sử dụng, nhưng tình hình kiểm tra, thanh tra thì nói không đúng thủ tục, trình tự trong đấu thầu, sai chỗ này, sai chỗ nọ và xử lý hàng loạt. Vấn đề này hiện có vướng gì thì mạnh dạn đề xuất. Vì theo Nghị quyết 30 làm vậy, nhưng làm rồi xử lý thì căn cứ vào các quy định cũ thì sai hết. Theo ông, thời điểm này ngành y đang "gặp đại nạn".

"Chúng tôi mong mỏi thay đổi chiến lược đấu thầu để làm sao đấu thầu được thuốc chất lượng nhưng giá hợp lý. Trong khi hiện nay đấu thầu thuốc phải là thuốc giá thấp nhất, mua máy phải giá rẻ nhất, chắc chắn với một nền y tế giá rẻ thì chất lượng khám chữa bệnh không thể cao được", ông Thượng tâm tư.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem