Nhiều ý kiến đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ NNPTNT trong quản lý lĩnh vực này.
Chưa rõ ngân sách phòng, chống dịch
Dự luật nêu rõ một loạt hành vi bị nghiêm cấm như: Cố ý không áp dụng các biện pháp phòng chống dịch để sinh vật gây hại lây lan, gây hậu quả nghiêm trọng; nhập khẩu, xuất khẩu, sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán, sử dụng giống cây bị nhiễm sinh vật gây hại; nhập khẩu và nhân nuôi sinh vật gây hại; đưa đất có sinh vật gây hại vào Việt Nam; sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng; thuốc bảo vệ thực vật giả, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, hết hạn sử dụng; quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng, thuốc bảo vệ thực vật không có trong danh mục được phép sử dụng...
|
Kiểm soát tốt dư lượng thuốc BVTV sẽ giúp nâng cao chất lượng nông sản, bảo đảm an toàn thực phẩm (ảnh minh họa). I.T |
Trình bày báo cáo thẩm tra về dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường (KHCNMT) - ông Phan Xuân Dũng cho biết: Nhiều ý kiến cho rằng, quy định về kinh phí phòng, chống dịch tại Điều 21 chưa thể hiện rõ vai trò chủ đạo của Nhà nước và chưa rõ ngân sách nhà nước hỗ trợ cho hoạt động nào trong phòng, chống dịch.
Đại diện Ủy ban KHCNMT cho rằng, phòng, chống dịch đòi hỏi phải có nguồn lực lớn, sự chỉ đạo quyết liệt, tính đồng bộ, kịp thời bởi đây là vấn đề liên quan đến an ninh lương thực, đời sống người nông dân, đặc biệt là khi dịch bệnh gây hại thực vật xảy ra ở quy mô nhiều tỉnh, gây thiệt hại lớn.
“Do vậy, dự thảo luật phải làm rõ vai trò chủ động của Nhà nước trong việc đầu tư kinh phí cho công tác phòng, chống dịch; đồng thời quy định cụ thể ngân sách nhà nước sử dụng cho hoạt động nào trong phòng, chống dịch để việc huy động, sử dụng được kịp thời, hiệu quả; đồng thời cũng tăng cường tính chủ động của chủ thực vật đối với thực vật của mình” - báo cáo nêu rõ.
Cần quy định cụ thể về trách nhiệm các bộ
Về trách nhiệm quản lý nhà nước về BVKDTV, ông Phan Xuân Dũng cho rằng: Qua khảo sát thực tế, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ NNPTNT trong quản lý nhà nước về BVKDTV; trách nhiệm phối hợp của các bộ, cơ quan ngang bộ với Bộ NNPTNT, đặc biệt trong các lĩnh vực như kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản để góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm, xử lý thuốc BVTV bị tiêu hủy, thuốc BVTV quá hạn sử dụng, việc tuyên truyền giáo dục người dân trong sử dụng thuốc BVTV... Đồng thời, cần phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước giữa UBND cấp tỉnh, huyện và cấp xã trong việc quản lý nhà nước về BVKDTV.
Xung quanh các quy định về KDTV, theo ông Dũng, Ủy ban KHCNMT thấy rằng, để bảo đảm tính minh bạch trong thương mại quốc tế, dự thảo luật cần bổ sung một số quy định về: Thời gian phân tích nguy cơ dịch hại, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu đối với một số vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nhập khẩu không vì mục đích thương mại.
Cần có quy định về trách nhiệm phối hợp giữa tổ chức kiểm dịch thực vật vùng với tổ chức BVTV địa phương trong việc kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu như phải thông báo khu vực thực hiện cách ly để gieo trồng, nhân nuôi giống cây trồng nhập khẩu… Đồng thời, làm rõ điều kiện hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.
Phương Hà
Vui lòng nhập nội dung bình luận.