Đề thi Văn quá khó khiến nhiều giáo viên nhận xét: "Xứng đáng chọn học sinh giỏi THPT Quốc gia"
Đề thi Văn quá khó khiến nhiều giáo viên nhận xét: "Xứng đáng chọn học sinh giỏi THPT Quốc gia"
Tào Nga
Thứ bảy, ngày 06/01/2024 06:27 AM (GMT+7)
"Đề thi Văn chọn học sinh giỏi Quốc gia khá khó và có khả năng phân hoá thí sinh một cách rất chi tiết, đủ sức để chọn lọc những thí sinh xứng đáng", Thạc sĩ Ngôn ngữ học Nguyễn Mộng Tuyền nhận xét.
Đề thi Văn chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2023-2024
Ngày 5/1, khoảng 5.800 học sinh cả nước chính thức bước vào kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia THPT. Trong đó, đề thi Văn gây chú ý.
Cụ thể, thí sinh làm đề thi Văn chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2023-2024 trong thời gian 180 phút với 2 câu hỏi.
Câu 1 Nghị luận xã hội (8 điểm): "Trải nghiệm - ghi lại - tức thời chia sẻ lên mạng xã hội có nên là phương cách khẳng định giá trị của người trẻ trong thời đại ngày nay?
Câu 2 Nghị luận văn học (12 điểm): "Các kiệt tác lớn là vô tận; mỗi thế hệ hiểu chúng theo cách của mình: như vậy có nghĩa là các độc giả tìm thấy ở đó điều gì rọi sáng một phương diện trái nghiệm của họ. Nhưng nếu như một tác phẩm là vô tận, điều đó không có ý nói rằng họ không có nghĩa khởi thủy, hay chủ ý tác giả không phải là tiêu chuẩn của nghĩa khởi thủy ấy. Cái vô tận, là ý nghĩa của nó, là tính thích đáng của nó ở bên ngoài bối cảnh nó xuất hiện". Bằng hiểu biết và trải nghiệm văn học, anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên.
Giáo viên nhận xét đề thi Văn chọn học sinh giỏi quốc gia THPT
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, cô Nguyễn Mộng Tuyền, Thạc sĩ Ngôn ngữ học, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Trung Phú, huyện Củ Chi, TP.HCM đánh giá: "Về cấu trúc, đề vẫn như những năm trước, vì đây là kỳ thi học sinh giỏi cấp Quốc gia nên đề chỉ tập trung vào phần vận dụng cao.
Phần nghị luận xã hội gắn liền với thực tế. Phần nghị luận văn học đi vào chiều sâu lý luận. Đề không chỉ yêu cầu học sinh có kỹ năng nghị luận tốt, kỹ năng dụng ngôn sắc bén, kỹ năng cảm thụ và lý luận sâu rộng, mà bên cạnh đó, còn giúp phát hiện ra thế giới quan, nhân sinh quan của thí sinh - ở vị trí là một người trẻ đang sắp sửa bước vào thế giới rộng lớn.
Câu nghị luận xã hội, đề đưa ra một trong những hành vi gắn liền với cuộc sống của giới trẻ ngày nay: cách sử dụng mạng xã hội. Trọng tâm của câu hỏi nằm ở việc “có nên” hay không sử dụng cách “trải nghiệm, ghi lại và tức thời chia sẻ lên mạng xã hội” như một phương cách để khẳng định giá trị của bản thân mình trong thời đại ngày nay? Các em có thể cho rằng hoàn toàn “nên”, hoặc hoàn toàn “không nên”, hoặc chỉ chấp nhận một phương diện nào đó. Dù chọn góc độ nào, thí sinh cũng phải nêu những lý lẽ, dẫn chứng cụ thể để củng cố cho lập luận của mình, và định hướng một cách hành xử đúng đắn cho bản thân và cho xã hội. Có nhiều câu hỏi mà thí sinh nên tự đặt ra để thể hiện tư duy phản biện của bản thân khi tiếp cận vấn đề, chẳng hạn như:
Đề cho rằng đấy là phương cách để khẳng định giá trị của người trẻ, chứ đề không nói rằng đó là phương cách duy nhất. Điều này có ý nghĩa như thế nào?
Đề cho rằng phải có 3 bước: trải nghiệm - ghi lại - tức thời chia sẻ lên MXH. Vậy thì nếu chúng ta tập trung vào bước trải nghiệm, bước ghi lại, một cách tinh tế và sâu sắc, thì kết quả sẽ ra sao?
Đề có nói đến việc “tức thời chia sẻ lên mạng xã hội”, liệu rằng hành động “tức thời” có là cách hành động thông minh của một người muốn khẳng định giá trị bản thân?
Rõ ràng, để giải quyết được đề nghị luận xã hội này một cách thấu đáo, thí sinh cần có khả năng tư duy rất tốt và sắp xếp ý thận trọng để làm rõ lập luận của mình.
Câu nghị luận văn học: Vẫn là một câu hỏi mang tính lý luận rất cao. Ở đây, thí sinh phải làm rõ mối quan hệ giữa nhà văn - tác phẩm và người đọc, nghĩa là tập trung vào bước “tiếp nhận văn học”. Thí sinh phải giải thích cặn kẽ những hình ảnh ẩn dụ có trong đề: cái vô tận, điều gì rọi sáng một phương diện trải nghiệm, nghĩa khởi thuỷ, tính thích đáng, bối cảnh xuất hiện”. Phải hiểu những ẩn dụ đó, thí sinh mới rút ra ý chung của đề, cũng là cái chân lý của nghệ thuật văn chương.
Theo đó, ta biết rằng, một tác phẩm văn học ra đời được bắt nguồn từ trải nghiệm của nhà văn giữa cuộc đời thực. Tác phẩm có bối cảnh xuất hiện của nó. Bối cảnh này, chỉ riêng nhà văn - người khai sinh ra tác phẩm - mới biết, mới hiểu một cách tường tận nhất. Đã là “cha đẻ” của tác phẩm, nhà văn chắc chắn phải có chủ ý của bản thân anh ta, chủ ý đó chính là nghĩa khởi thuỷ của tác phẩm. Khi phôi thai ra một đứa con văn chương, nhà văn vốn dĩ đã thổi vào cho nó những hồn cốt sâu xa mà anh ta mong muốn thể hiện, mong muốn trình bày ra với thế giới. Rồi sau những trăn trở, nghĩ suy, quằn quại, hoài thai của nhà văn, cuối cùng, tác phẩm ra đời.
Một tác phẩm có giá trị sẽ vượt qua mọi phương diện không gian, thời gian để kết nối với những độc giả ở mọi nơi, mọi thời. Những tác phẩm sức sống lâu bền và sức tác động mạnh mẽ được công nhận là những kiệt tác. Khi tầm ảnh hưởng của tác phẩm được mở rộng, mỗi độc giả, với trải nghiệm cá nhân của họ, lại tìm thấy ở tác phẩm những nguồn sáng đủ sức lay động tâm hồn, rọi sáng tâm tư, chiếu soi một phương diện trong đời thực của họ. Lúc này, bằng một lý do vô cùng thích đáng, người đọc sẽ hiểu tác phẩm theo cách của riêng mình, mà cách hiểu này thậm chí nhà văn cũng không lường trước được. Đó là quyền của độc giả. Và như thế, chính độc giả đã cộng hưởng với nhà văn trên hành trình sáng tạo của nghệ thuật ngôn từ.
Càng tiếp cận nhiều độc giả bao nhiêu, tác phẩm lại càng được hiểu theo những cách khác biệt bấy nhiêu. Hành trình đó sẽ không dừng lại cho đến vô cực. Điều này chính là sự vô tận mà Antoine Compagon đã nói đến. Khi đã hiểu cặn kẽ vấn đề lý luận như vậy, thí sinh bằng kỹ năng nghị luận của bản thân và vốn kiến thức văn học đã tích lũy, cần lập luận mạch lạc để bài viết thêm sáng rõ.
Nhìn chung, đề khá khó và có khả năng phân hoá thí sinh một cách rất chi tiết, đủ sức để chọn lọc những thí sinh xứng đáng cho danh hiệu học sinh giỏi cấp Quốc gia".
Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia diễn ra trong hai ngày 5-6/1 với hơn 5.800 thí sinh tham dự. Các môn thi gồm Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Nga và Tiếng Trung.
Tỷ lệ học sinh đạt giải sẽ chiếm 60% số thí sinh dự thi. Trong đó, số giải nhất, nhì, ba không vượt quá 60% tổng số giải; số giải nhất không vượt quá 5%.
Học sinh đạt giải được ưu tiên xét tuyển thẳng vào đại học, cao đẳng. Những thí sinh được vào vòng chọn đội tuyển Olympic quốc tế (Tin học, Hóa học, Toán học, Sinh học, Vật lý) sẽ được miễn thi tốt nghiệp THPT.
Đây là năm đầu tiên kỳ thi học sinh giỏi quốc gia được thực hiện theo quy chế mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, các đơn vị sẽ được dự thi tối đa 10 thí sinh/môn thi. Riêng TP.HCM và Hà Nội được dự thi tối đa 20 thí sinh/môn thi (những năm trước chỉ có 10 thí sinh).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.