Đề xuất có chế độ với giáo viên dạy 2 buổi/ngày chương trình GDPT 2018

Mỹ Quỳnh Thứ sáu, ngày 17/03/2023 13:42 PM (GMT+7)
Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận được nhiều đề xuất về việc có chế độ, chính sách đối với giáo viên dạy 2 buổi/ngày chương trình GDPT 2018.
Bình luận 0

Ngày 17/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Phan Viết Lượng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận Gò Vấp, TP.HCM) về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Duy trì thu nhập tăng thêm cho giáo viên

Cô Phan Thị Châu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Thế Vinh cho biết, trường hiện có 52 lớp với 2.345 học sinh. Trong đó, tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày là 44 lớp, 8 lớp khối 3, 5, 6 không được học 2 buổi/ngày (các lớp này được nhà trường bố trí dạy thêm một buổi học chéo buổi, đảm bảo 6 buổi/tuần).

Đề xuất có chế độ với giáo viên dạy 2 buổi/ngày chương trình GDPT 2018 - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tại Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, quận Gò Vấp. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Khó khăn lớn nhất của trường hiện nay là trường chưa đảm bảo diện tích mặt bằng xây dựng bình quân tối thiểu 6 mét vuông/1 học sinh đối với khu vực thành phố; diện tích sân chơi còn chật hẹp, chưa đảm bảo theo quy định. Trường cũng chưa có đầy đủ các phòng chức năng để phục vụ cho việc học các môn học. Bên cạnh đó, sĩ số học sinh trong lớp đông nên hạn chế trong việc tổ chức các hoạt động dạy học của thầy và trò.

Đối với tình hình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, cô Châu đánh giá, trường hoàn thành rất tốt các nội dung yêu cầu của chương trình về việc triển khai; đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá; đổi mới phương pháp dạy học; đổi mới về quản trị nhà trường; đánh giá và lựa chọn và phát hành...

Ngoài ra, các nội dung đánh giá điều kiện đảm bảo triển khai chương trình GDPT 2018, đội ngũ, công tác đào tạo tập huấn, bồi dưỡng, bố trí giáo viên giảng dạy, khả năng đáp ứng của giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị... của trường đều đáp ứng tốt.

Đề xuất có chế độ với giáo viên dạy 2 buổi/ngày chương trình GDPT 2018 - Ảnh 2.

Cô Phan Thị Châu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Thế Vinh tại buổi làm việc. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Cô Châu cho biết, cũng như các cơ sở giáo dục khác, khi thực hiện chương trình GDPT 2018 Trường Tiểu học Lương Thế Vinh cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, nhờ sự sát sao, chỉ đạo tận tình của các cấp lãnh đạo và lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm với công việc của cán bộ giáo viên, tập thể sư phạm nhà trường đã đoàn kết, quyết tâm thực hiện tốt mục tiêu giáo dục toàn diện.

Bên cạnh đó, việc thiếu giáo viên môn đặc thù và cần thêm cơ chế, chính sách cho giáo viên dạy chương trình GDPT 2018 là câu chuyện chung của các trường hiện nay. Cô Châu mong muốn kéo dài thực hiện nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND (quy định thu nhập tăng thêm) để hỗ trợ giáo viên; đồng thời có thêm chính sách dành cho giáo viên dạy học 2 buổi/ngày thực hiện Chương trình GDPT 2018, nhất là giáo viên tiểu học. Bởi việc thực hiện chương trình GDPT 2018 buộc giáo viên phải dày công nghiên cứu, học hỏi, tìm hiểu nên tốn nhiều thời gian, sức lực; đồng thời tần suất đi làm của giáo viên cũng tăng gấp đôi (trước đây đi dạy một buổi, bây giờ đi dạy cả ngày).

Tháo gỡ khó khăn giải tỏa mặt bằng

Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng giáo dục quận Gò Vấp chia sẻ, toàn quận hiện có 2.972 phòng học, trong khi đó, tổng dân số độ tuổi đi học là 127.000 người. Đối với chỉ tiêu đạt 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học, đến nay quận Gò Vấp đạt 234 phòng học/10.000 dân.

Đến năm 2025, quận Gò Vấp dự kiến có 133.619 người trong độ tuổi đi học, dự kiến cần hơn 1.037 phòng học.

Đề xuất có chế độ với giáo viên dạy 2 buổi/ngày chương trình GDPT 2018 - Ảnh 4.

Đoàn giám sát tham quan lớp học vẽ ngoài trời tại Trường Tiểu học Lương Thế Vinh. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Theo ông Thanh, kinh phí đầu tư cho giáo dục hiện còn có nhiều hạn chế, quận có đất để xây dựng trường nhưng kinh phí chưa có. Khó khăn khác là đất sạch trong dân hiện có nhưng phải mua lại với giá bồi thường thấp, người dân không đồng thuận đền bù. Do đó, ông Thanh cho rằng, cần có chính sách tái định cư tại chỗ hoặc nâng giá bồi thường để có thể xây dựng cơ sở giáo dục.

Bên cạnh đó, theo Thông tư 13 của Bộ GDĐT ban hành, yêu cầu tính diện tích đất/học sinh chứ không diện tích sàn. Các quận, huyện hiện nay không muốn xây mới vì khi xây dựng trường mới thì đất phải thực hiện theo quy định mới; nên khi chia diện tích đất/học sinh thì số học sinh sẽ giảm. Vì vậy, quận Gò Vấp mong muốn nhanh chóng tháo gỡ vấn đề này để phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương.

Đoàn giám sát đánh giá rất cao công tác chuẩn bị, triển khai dạy học chương trình mới tại Trường Tiểu học Lương Thế Vinh. Đoàn cũng đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh triển khai chương trình mới như: điểm tâm đắc trong việc triển khai chương trình GDPT 2018; điểm gì ở chương trình mới tốt hơn hẳn so với chương trình 2006; chương trình GDPT 2018 có vừa sức với học sinh, có phong phú hấp dẫn, có thực hiện được mục tiêu giảm tải so với chương trình cũ hay không...

Đoàn giám sát cho biết, thông qua các buổi làm việc với các trường, đoàn sẽ giúp Quốc hội có cái nhìn tổng thể để rút kinh nghiệm, sửa đổi những vấn đề cần thiết. Đồng thời, nhân rộng các mô hình sáng tạo, các cách làm hiệu quả từ các cơ sở giáo dục trong triển khai chương trình GDPT 2018.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem