Đề xuất nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ xây dựng chung cư cũ tại TP.HCM

Quốc Hải Thứ bảy, ngày 09/04/2022 18:00 PM (GMT+7)
Cải tạo, xây mới chung cư cũ là một trong hai nội dung mà TP.HCM tập trung triển khai thực hiện gắn với chương trình phục hồi, phát triển kinh tế trong lĩnh vực nhà ở giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, hiện công tác này vẫn gặp nhiều khó khăn do các vướng mắc… “tế nhị”.
Bình luận 0
Đề xuất nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ xây dựng chung cư cũ tại TP.HCM - Ảnh 1.

Chung cư Vĩnh Hội (Q.4) - một trong các chung cư xuống cấp cần cải tạo. Ảnh: IT

Cải tạo, xây mới chung cư cũ chậm đến khó tin

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, trong giai đoạn 10 năm (2011-2021), toàn TP có 28 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 đã được đưa vào danh sách xây dựng mới. 

Trong đó, riêng giai đoạn 2015-2020, TP.HCM phấn đấu xây mới 14 chung cư cấp D (cấp hư hỏng nặng, có nguy cơ sụp đổ).

Tuy nhiên, đến nay chỉ có hai chung cư cũ giai đoạn 2011-2015 đã xây xong (192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1 và Nguyễn Kim, quận 10). Số còn lại hiện nay vẫn chưa được xây dựng.

Trong 26 chung cư chưa hoàn thành việc đầu tư xây mới, có tám chung cư chưa khởi công xây dựng; bảy chung cư đã có chủ đầu tư nhưng chưa lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; 11 chung cư đã lựa chọn chủ đầu tư, lập và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đang bố trí tạm cư.

Năm 2016, Sở Xây dựng đã kiểm định xong toàn bộ 474 chung cư cũ trên địa bàn TP. Trong đó, chính quyền TP đưa ra mục tiêu: Ngoài các chung cư của giai đoạn trước, trong giai đoạn 2015-2020, TP phải cải tạo, xây mới 237 chung cư, bao gồm 14 chung cư cấp D.

Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai, đến nay chỉ có 199 chung cư cũ được sửa chữa, cải tạo với tổng kinh phí hơn 275 tỷ đồng.

Đề xuất nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ xây dựng chung cư cũ tại TP.HCM - Ảnh 2.

Nhiều block nhà tái định cư ở Vĩnh Lộc B bỏ hoang đang ngày càng xuống cấp... Ảnh: Quốc Hải

Ngoài ra, trong 14 chung cư cấp D, hiện nay chưa có dự án nào hoàn thiện thủ tục pháp lý để có thể bắt tay vào đầu tư xây dựng ngay. Theo tài liệu của Sở Xây dựng, hiện mới chỉ di dời xong sáu chung cư, năm chung cư di dời dang dở. Ba chung cư còn lại chưa được di dời.

Theo Sở Xây dựng, giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, UBND TP đã có kế hoạch sẽ thúc đẩy đầu tư 20 dự án cải tạo chung cư với tổng diện tích sàn hơn 1,2 triệu m2 với hơn 11.000 căn hộ. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 13.700 tỷ đồng.

Dự kiến nhu cầu vay vốn ưu đãi từ các gói phục hồi kinh tế của Chính phủ khoảng 70% tổng mức đầu tư (tương đương khoảng 9.600 tỷ đồng).

Đề xuất nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ xây dựng chung cư cũ tại TP.HCM - Ảnh 3.

Cải tạo, xây mới chung cư cũ là một trong hai nội dung mà TP.HCM tập trung triển khai thực hiện gắn với chương trình phục hồi, phát triển kinh tế trong lĩnh vực nhà ở giai đoạn 2021-2025...

Trong giai đoạn này, TP đưa ra kế hoạch sẽ xây dựng xong sáu chung cư cấp D đã thực hiện di dời, tháo dỡ trong giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, TP sẽ hoàn tất việc di dời, tháo dỡ tám chung cư cấp D còn lại chưa hoặc đang di dời dang dở.

Ngoài ra, TP cũng dự kiến bố trí nguồn ngân sách 500 tỷ đồng để sửa chữa, cải tạo 246 chung cư cũ còn lại.

Gỡ vướng cách nào?

Trong đề xuất vừa gửi Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) kiến nghị sớm thực thi sửa đổi các "vướng mắc" trong quy định miễn tiền sử dụng đất, để thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư.

Cụ thể, "vướng mắc" ở đây là do Khoản 2 Điều 25 Nghị định 69/2021/NĐ-CP (và tại khoản 4 Điều 15 Nghị định 101/2015/NĐ-CP trước đây) quy định, chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất được giao để thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, khu chung cư…

Quy định này nếu được thực thi thì sẽ hỗ trợ thiết thực cho các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Tuy nhiên, khoản 3 Điều 13 Luật Nhà ở 2014 quy định "Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách miễn, giảm thuế, miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tín dụng dài hạn với lãi suất ưu đãi, các cơ chế ưu đãi tài chính khác và hỗ trợ từ nguồn vốn của Nhà nước để thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội", nhưng chưa quy định miễn tiền sử dụng đất dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Đồng thời, khoản 1 Điều 110 Luật Đất đai 2013 quy định miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong một số trường hợp trong đó có dự án nhà ở xã hội, nhưng "trừ dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại" mà dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư lại không phải là dự án nhà ở xã hội.

Chính vì vậy, HoREA đề nghị bổ sung quy định "miễn tiền sử dụng đất dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư" vào Luật Nhà ở 2014 và Luật Đất đai 2013.

Đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 13 Luật Nhà ở 2014 và xem xét sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 110 Luật Đất đai 2013 để tạo điều kiện hấp dẫn nhà đầu tư.

"Trong đó, Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách miễn, giảm thuế, miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tín dụng dài hạn với lãi suất ưu đãi, các cơ chế ưu đãi tài chính khác và hỗ trợ từ nguồn vốn của Nhà nước để thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định của Chính phủ.

Với điểm b khoản 1 Điều 110 Luật Đất đai 2013, đề nghị việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được thực hiện trong trường hợp sử dụng đất để xây dựng nhà ở xã hội, dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định của pháp luật về nhà ở "- ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem