Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Sở Xây dựng TP.HCM vừa có đề xuất mới trong dự thảo đề cương đề án quản lý, hỗ trợ nhà ở riêng lẻ có mục đích cho thuê trọ tại thành phố trình UBND TP.HCM. Theo đó, nhà trọ ở thành phố muốn hoạt động phải đảm bảo diện tích sàn tối thiểu 5m2/người, hẻm rộng 4m, cách đường chính không quá 100m và có lối thoát nạn. Các công trình không bảo đảm về diện tích tối thiểu và an toàn phòng cháy chữa cháy sẽ bị buộc dừng hoạt động.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, quy định diện tích sàn tối thiểu bình quân đầu người 5m2 giúp giới hạn số lượng người trong mỗi phòng và số lượng phòng trong mỗi nhà trọ. Điều này sẽ đảm bảo số lượng người tập trung không quá lớn, giảm nguy cơ xảy ra hỏa hoạn, tai nạn, ảnh hưởng tài sản, tính mạng.
Ghi nhận của PV Dân Việt tại các khu nhà trọ cho người lao động ở khu vực Bình Tân (gần công ty Pouyuen), quận Bình Tân, TP.HCM, cho thấy những khu này phòng trọ thường có diện tích khá nhỏ, thậm chí có những phòng diện tích chỉ khoảng 3-4m2.
Tại các khu trọ này, lối đi khu vực hành lang thường rất nhỏ, có những nơi chỉ rộng khoảng 1m, đủ cho một người đi hoặc một xe máy lưu thông, không thể quay đầu xe. Nhiều lối đi ẩm mốc, xập xệ, làm hàng rào bên trên để phơi đồ.
Chị Lê Thị No (người thuê trọ ở phường Tân Tạo A, quận Bình Tân) cho biết trước đây chị làm việc tại một công ty. Do công ty không có việc làm, chị buộc phải chuyển sang làm phụ bếp tại một trường học trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện tại học sinh nghỉ hè, chị thất nghiệp.
"Cả gia đình tôi có 4 người giờ trông chờ vào lương của chồng được hơn 10 triệu đồng/tháng. Số tiền này tiêu tiết kiệm thì vừa đủ cho 2 con đi học và chi tiêu trong gia đình. Phòng tôi đang thuê rộng chừng hơn chục mét vuông, với giá 1,1 triệu đồng/tháng. Hai vợ chồng và đứa con ở cũng có hơi chật, nhưng không thể làm thế nào khác", chị No cho biết phải gửi một con về cho ông bà ở Trà Vinh trông vì phòng trọ quá chật, không thể ở 4 người.
Trước đề xuất mỗi người thuê trọ phải đảm bảo diện tích tối thiểu 5m2/người, chị No cho biết nếu quy định này được áp dụng, gia đình chị rất khó khăn để đáp ứng.
"Thuê chỗ rộng hơn thì giá tiền lại cao hơn. Gia đình tôi đâu có khả năng để thuê một chỗ rộng hơn đâu", chị No nói.
Chị Nguyễn Thị Hồng (chủ khu trọ 37 phòng ở quận Bình Tân) cho biết tất cả các phòng chị cho thuê đều xây dựng với diện tích khoảng 12m2/phòng, giá thuê từ 1 triệu đến 1,1 triệu đồng/tháng. Chị chia sẻ thời gian qua xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn tại khu trọ, nên chị quy định mỗi phòng chỉ được ở tối đa 2 người và để 1 chiếc xe máy nhằm đảm bảo diện tích thoải mái cho người thuê và an toàn PCCC.
"Nếu một nhóm khoảng 4 người thuê tôi nhất quyết không cho vì quá đông, ở quá đông sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy", chị Hồng nói.
Chị Hồng cho biết nếu đề xuất của Sở Xây dựng được thông qua, chị vẫn đảm bảo ổn định giá để công nhân, người lao động có chỗ ăn ở. Tuy nhiên, chị cho rằng nếu quy định mới được áp dụng, những người đang ở chung tại những căn trọ nhỏ sẽ rất áp lực, đè lên vai họ là cả gánh nặng kinh tế.
"Công nhân lương tháng được bao nhiêu đâu. Diện tích phòng tăng thì giá thuê sẽ tăng, hoặc người lao động sẽ phải ở ít người lại. Chúng tôi là người cho thuê sẽ không ảnh hưởng nhiều, lo nhất là cho người lao động thôi", chị Hồng nói.
Anh Nguyễn Thành Luân (chủ thầu một khu trọ) cho biết khu trọ chỗ anh cho thuê xây đã lâu nên diện tích mỗi phòng chỉ có khoảng 3-4m2, và cho thuê giá 1,1 triệu - 1,2triệu/căn.
Anh Luân cho biết đề xuất mới này nếu được thông qua thì khu trọ anh đang cho thuê chỉ có xây lại hoặc tháo dỡ để cơi nơi phòng.
"Như vậy bất cập cho những người cho thuê phòng như chúng tôi và cả những người thuê trọ sẽ phải trả chi phí cao hơn", anh Luân cho biết với giá cho thuê khoảng hơn 1 triệu đồng/ tháng, nhưng hiện tại phòng trọ chỗ anh còn trống rất nhiều do từ sau dịch các công ty ít việc, không ít công nhân về quê.
Các trường hợp trên chỉ là số ít trong hơn một triệu lao động ngoại tỉnh đến thành phố làm việc tại các nhà máy, doanh nghiệp (không gồm sinh viên các trường đại học) đang sống ở các phòng trọ có diện tích bình quân khoảng 3m2 một người.
Theo khảo sát của Liên đoàn lao động TP.HCM về nhu cầu nhà ở công nhân thực hiện những năm gần đây, 70% lao động tại các doanh nghiệp ở thành phố là người ở các tỉnh, trong đó 50% cần chỗ ở, tương ứng 1,3 triệu người.
Trong số này, hầu hết sống ở các phòng trọ do hộ gia đình, cá nhân xây, cải tạo cho thuê. Diện tích trung bình mỗi phòng chừng 14m2 với mức thuê bình quân 1,6 triệu đồng mỗi tháng và có khoảng 4 người cùng ở. Số khác thuê theo hình thức hộ gia đình, mỗi tháng phải trả 2-3 triệu đồng. Công nhân dành 10-15% thu nhập để chi trả cho chỗ ở.
Đề án đề cương đề án quản lý, hỗ trợ nhà ở riêng lẻ có mục đích cho thuê trọ tại thành phố mà Sở Xây dựng vừa trình UBND TP.HCM nếu được thông qua sẽ được triển khai thí điểm hướng dẫn tại ba khu vực có đông nhà ở riêng lẻ cho thuê trọ trước khi áp dụng toàn thành phố.
Tại đề án này, Sở Xây dựng cũng đề xuất TP.HCM có chính sách hỗ trợ chủ nhà trọ vay lãi suất ưu đãi để cải tạo, nâng cấp cho đạt mức an toàn của quy định tối thiểu...
Tuy nhiên, theo thống kê của Sở Xây dựng, toàn thành phố có khoảng 60.500 công trình nhà trọ tư nhân đang kinh doanh. Số này chia thành hai nhóm, gồm nhóm một là dãy phòng cho thuê độc lập có 34.800 công trình, với tổng số người thuê tối đa hơn 943.000 người. Nhóm hai là nhà ở riêng lẻ ngăn chia từng phòng để cho thuê có 25.670 công trình, với số người thuê tối đa hơn 486.000 người.
Sau khi đối chiếu sơ bộ các tiêu chí của đề án, có khoảng 12.800 nhà trọ (chiếm tỷ lệ 21%) không đủ điều kiện an toàn để tiếp tục hoạt động. Trong đó, khoảng 4.600 công trình chưa đáp ứng các tiêu chí về diện tích sàn bình quân tối thiểu và 8.200 công trình chưa đáp ứng tiêu chí về phòng cháy chữa cháy. Theo Sở Xây dựng, các nhà trọ này phải thực hiện việc chuyển đổi để đạt tiêu chuẩn quy định tối thiểu nếu muốn tiếp tục hoạt động.
Điều này, cũng được những chủ trọ như chị Hồng hay người cho thuê trọ như anh Luân dự tính.
"Nếu phải cải tạo lại hoặc giảm bớt người đi, người lao động sẽ phải tăng chi phí hàng tháng để thuê nhà. Điều này sẽ rất khó cho người lao động, bởi tiền lương họ vẫn vậy, tăng tiền nhà thì đè lên vai họ là cả gánh nặng kinh tế", anh Luân nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.