Đề xuất tăng giờ làm thêm: Vì doanh nghiệp hay người lao động?

Thùy Anh Thứ tư, ngày 29/09/2021 19:20 PM (GMT+7)
Trước sức ép từ các đơn hàng và thực tế chuỗi cung ứng sản xuất bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19, mới đây, Bộ LĐTBXH đã tiếp nhận ý kiến của các hiệp hội và chính thức có đề xuất tăng giờ làm thêm hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất.
Bình luận 0

Đề xuất bỏ trần giờ làm thêm tháng

Với đề xuất cho phép điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ/tháng với một số ngành nghề lĩnh vực, Bộ LĐTBXH đang tiến hành tổng hợp ý kiến của nhiều bên liên quan.

Ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, bộ đang tiến hành tổng hợp ý kiến với đề xuất cho phép điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ/tháng với một số ngành nghề lĩnh vực.

Điều này nhằm nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh, chống đứt gãy chuỗi cung ứng, nhưng tăng giờ làm thêm không quá 300 giờ/năm. 

Về số giờ làm thêm/tháng, dự thảo đề xuất kiến nghị bỏ trần 40 giờ/tháng.

Dự thảo Bộ LĐTBXH đề xuất bỏ mức trần tăng giờ làm thêm theo tháng. Ảnh: Công ty May 10 - N.T

Dự thảo Bộ LĐTBXH đề xuất bỏ mức trần tăng giờ làm thêm theo tháng. Ảnh: Công ty May 10 - N.T

Phía bộ đang tiến hành tổng hợp ý kiến, tuy nhiên vấn đề này thuộc thẩm quyền của Quốc hội, do vậy Bộ LĐTBXH sẽ phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Ngoài ra, việc điều chỉnh tăng giờ làm thêm/tháng không vượt quá 300 giờ/năm.

Đại diện Hiệp Hội Dệt may và Hiệp Hội Da giày ngay lập tức đã có kiến nghị đề xuất bỏ trần làm thêm giờ theo tháng. Kèm theo đó là nới rộng mức trần làm thêm giờ theo năm lên trên 300 giờ/năm.

Ủng hộ, nhưng còn nhiều băn khoăn

Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng - Phó ban Chính sách, Pháp luật (Tổng LĐLĐVN) - cho rằng thời gian nghỉ ngơi, thời gian làm việc được xem xét rất kỹ trong Luật Lao động năm 2019.

Theo Luật Lao động sửa đối năm 2019 thì làm thêm giờ có 3 giới hạn: làm thêm giờ trong ngày, làm thêm trong tháng quy định không quá 40 giờ/1 tháng; làm thêm giờ trong năm không quá 200 giờ/năm. Với một số công việc nhất định (dệt may; da giày...) làm không quá 300 giờ/năm.

"Thời gian qua, dịch Covid-19 làm ảnh hưởng quá trình sản xuất, nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn cung ứng đơn hàng. Chính phủ đề xuất tăng giờ làm thêm là cần thiết, thể hiện sự chia sẻ đồng hành của Chính phủ, người lao động cùng DN để đảm bảo hoạt động sản xuất duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu".

Tuy nhiên, theo ông Quảng, cần phải tính toán kỹ, đảm bảo sức khỏe cho người lao động, đảm bảo an toàn lao động. Đồng ý với đề xuất trên nhưng bản thân ông Quảng cũng bày tỏ nhiều băn khoăn.

Dự thảo đề xuất tăng giờ làm thêm của tất cả các ngành lên 300 giờ/năm thay vì chỉ có một số công việc ngành hàng. Ảnh: N.T (Lao động làm ngành cơ điện tử)

Dự thảo đề xuất tăng giờ làm thêm của tất cả các ngành lên 300 giờ/năm thay vì chỉ có một số công việc ngành hàng. Ảnh: N.T (Lao động làm ngành cơ điện tử)

"Tôi cho rằng không nên bỏ trần tăng giờ làm thêm tháng, chỉ nên nâng lên, ví dụ hiện giờ đang duy trì 40 giờ thì có thể nâng lên 60 giờ/tháng. Còn trần năm thì có thể quy định để tất cả doanh nghiệp được tăng giờ làm thêm nhưng không quá 300 giờ/năm. Nếu bỏ trần theo tháng thì e là sức khỏe của người lao động có thể bị bào mòn", ông Quảng nói.

Ông Quảng cũng chia sẻ thêm, theo Dự thảo mà ông đọc được thì việc nới rộng thời gian làm thêm được áp dụng rất dài tới 31/12/2024. Thực tế đây chỉ là chính sách tạm thời, không nên "xài" dài như vậy, nếu vậy phá vỡ quy định về vấn đề này trong luật, làm kiệt quệ sức khỏe của người lao động, ảnh hưởng tới an toàn lao động. Chỉ nên áp dụng tới năm 2023, nếu sau này dịch còn tiếp tục phức tạp thì bàn và nới rộng thời gian áp dụng tiếp.

Cần giải quyết trên tinh thần "đôi bên cùng có lợi"

Cũng trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho rằng: “Thời gian làm thêm mức tối đa đã được quy định tại Bộ luật Lao động hiện hành. Trong bối cảnh này, tôi ủng hộ với đề xuất nâng thời gian làm thêm nhưng không quá mức quy định của pháp luật về lao động. Bởi tăng thời gian làm thêm đồng nghĩa giảm khả năng, suy giảm sức khoẻ của người lao động nhiều hơn. Nếu người lao động làm thêm quá mức dẫn đến ảnh hưởng sức khoẻ, có thể xảy ra tai nạn lao động”.

Ông Lợi cũng cho rằng, làm thêm giờ cần phải đảm bảo chính sách về tiền lương. Cách tính làm thêm giờ dựa trên tinh thần doanh nghiệp có thể giải quyết nhân lực làm việc, bù đắp thời gian ảnh hưởng của dịch.

"Quan trọng hơn lao động cũng được tăng được thu nhập, song phải đảm bảo sức khoẻ và điều kiện làm việc theo quy định của pháp luật về làm thêm giờ cho thật chính xác. Khi làm việc cần lưu ý về giải quyết mối quan hệ của doanh nghiệp và người lao động trên tinh thần đôi bên cùng có lợi", ông Lợi nói.

Hiện nay, theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu như: Phải được sự đồng ý của người lao động; bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày.

Trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 40 giờ trong 1 tháng. Đồng thời, đảm bảo số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 1 năm.

Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm không quá 300 giờ trong 1 năm trong một số ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp sau đây: Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản; sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước.

Trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, do yếu tố khách quan không dự liệu trước, do hậu quả thời tiết, thiên tai, hỏa hoạn, địch họa… Các trường hợp khác sẽ do Chính phủ quy định.

Bên cạnh đó là các trường hợp giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao mà thị trường lao động không cung ứng đầy đủ, kịp thời.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem