Điện lưới quốc gia vượt trùng dương ra đảo

Việt Hà Thứ sáu, ngày 03/02/2017 06:14 AM (GMT+7)
Đưa điện ra các xã, huyện đảo là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của EVN giai đoạn hiện nay nhằm đánh thức tiềm năng kinh tế và góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bình luận 0

Nơi đảo xa đã hóa... thị thành

Giai đoạn 2011 - 2015, EVN đã hoàn thành vượt mức kế hoạch đầu tư đưa điện về nông thôn, hải đảo. Theo đó, tháng 10.2013, huyện đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) đã trở thành đảo đầu tiên trên cả nước được sử dụng điện lưới quốc gia. Tháng 2.2014, tuyến cáp ngầm 110kV xuyên biển dài nhất Đông Nam Á lần đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, bắt đầu từ Hà Tiên đưa điện lưới quốc gia ra đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đã hoàn thành. Tiếp theo, điện lưới quốc gia vươn ra các đảo: Lý Sơn, Phú Quý, Cái Chiên, Vân Đồn, Hòn Tre...

img

  Chủ tịch EVN Dương Quang Thành (bìa trái) và lãnh đạo tỉnh Quảng Nam kiểm tra việc rải cáp biển cấp điện cho Cù Lao Chàm. ảnh:  V.H

Thực hiện chủ trương đưa điện lưới Quốc gia “phủ sóng” cả nước, Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam đã đưa điện lưới tới 98,86% số hộ dân. Lưới điện Việt Nam đã vươn tới cả những vùng sâu, vùng xa và hầu hết các huyện đảo của cả nước. 

Năm 2016, cùng với việc tiến hành xây dựng đường dây và trạm biến áp đưa điện lưới quốc gia ra đảo Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam), công trình đưa điện ra đảo Lại Sơn (tỉnh Kiên Giang) có đường dây 110kV trên không vượt biển dài nhất Việt Nam (24,5km) tiếp tục được thi công. Và đúng 15 giờ ngày 3.9, cư dân Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP.Hội An, Quảng Nam) chính thức đón nhận dòng điện Quốc gia sau bao nhiêu năm chờ đợi. Còn với Lại Sơn, đúng 13 giờ ngày 26.11, Công ty Điện lực Kiên Giang (PC Kiên Giang) đã đóng điện hoàn thành dự án cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Lại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang.

Theo Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành, đưa điện lưới quốc gia ra các đảo là nỗ lực rất lớn của EVN trong việc góp phần phát triển kinh tế biển đảo, trước hết là xây dựng hệ thống đảo trở thành tuyến phòng thủ vững chắc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

Nhờ có điện mà nhiều đảo xa đã hóa… thị thành. Chúng tôi đến thăm nhà chị Trần Thị Tiệm và ngỡ ngàng khi thấy quạt điện chạy vù vù và đầu video phát phim hoạt hình phục vụ lũ trẻ. “Người dân chúng tôi phấn khởi lắm, vì mọi thứ trong sinh hoạt, sản xuất giờ đã tốt hơn ngày xưa rất nhiều. Có điện, chúng tôi không còn phải chịu nóng, các cháu nhỏ được coi phim hoạt hình, việc tăng gia sản xuất của chúng tôi cũng thuận lợi hơn rất nhiều” - chị Tiệm nói. Chị hồ hởi chia sẻ thêm, với âu tàu hiện có trên đảo và nếu có điện công suất cao hơn, các hộ dân sẵn sàng tham gia cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá để giúp ngư dân đánh bắt xa bờ, tăng hiệu quả đánh bắt, kinh doanh hải sản, đồng thời góp phần xây dựng, đưa kinh tế xã đảo phát triển tốt hơn…

Để các đảo “sáng hơn”…

Phó Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Tấn Lộc khẳng định, khi tiếp quản quản lý, vận hành và đầu tư hệ thống điện trên các đảo xa bờ, EVN chắc chắn sẽ bảo đảm nguồn cung cấp ổn định để các đảo sáng hơn và góp phần vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế ở các đảo xa bờ, đáp ứng mong muốn và kỳ vọng của nhân dân. Điều đó cũng góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước ta trong việc bảo đảm cơ sở hạ tầng điện-đường-trường-trạm cho vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, biên giới, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân ở những vùng này. Thực hiện chủ trương đó, EVN đã đưa điện lưới tới 98,86% số hộ dân. Lưới điện Việt Nam đã vươn tới cả những vùng sâu, vùng xa và gần như toàn bộ huyện đảo của cả nước.

img

  Thi công cột đưa điện ra Cù Lao Chàm.  V.H

Thực tế cho thấy, rất nhiều đảo của chúng ta sau khi được cung cấp điện ổn định, đầy đủ đã phát triển rất mạnh về mọi mặt, đặc biệt là phát triển nghề cá, dịch vụ hậu cần nghề cá và du lịch, khiến cho bộ mặt những hòn đảo này gần như thay đổi hoàn toàn, chất lượng đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Phú Quý, Côn Đảo, Bạch Long Vĩ, Lý Sơn, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Bà… là những minh chứng thuyết phục cho điều này.

Hầu hết những huyện đảo sau khi có điện lưới quốc gia đều có bước phát triển mạnh về kinh tế; thu hút đầu tư; đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Cụ thể, huyện đảo Kiên Hải phấn đấu giai đoạn 2016 – 2020, tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 13%; đến năm 2020, GDP bình quân đầu người đạt gần 5.000 USD. Huyện đảo Phú Quốc có mức tăng trưởng phụ tải khoảng 15 - 20%/năm.

Theo GS-VS-TSKH Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam thì việc cấp điện lưới quốc gia cho các huyện đảo đã giúp ngành điện có cơ hội thực hiện quy hoạch, thiết kế, xây dựng, lắp đặt hệ thống lưới điện hiện đại, đồng bộ. Đây là mục tiêu phấn đấu của EVN không chỉ trên các đảo, mà cả trên đất liền. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem