Điều hành gần 60 "công ty ma" mua bán hoá đơn cho 360 tổ chức, đối diện khung hình phạt như thế nào?

Phi Long Thứ bảy, ngày 16/03/2024 11:41 AM (GMT+7)
Công an tỉnh Lai Châu đã khởi tố bị can, bắt tạm giam bị can Trần Anh Tài về hành vi mua bán hóa đơn GTGT số lượng lớn. Luật sư Hoàng Anh Sơn thuộc Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh đã phân tích dưới góc độ pháp lý về khung hình phạt cho tội danh này.
Bình luận 0

Ngày 13/3, Công an tỉnh Lai Châu đã khởi tố bị can, bắt tạm giam bị can Trần Anh Tài về hành vi mua bán hóa đơn GTGT số lượng lớn, thu giữ của bị can Trần Anh Tài nhiều thiết bị khởi tạo hóa đơn GTGT điện tử (USB Token) và một số hình dấu pháp nhân công ty.

Điều hành gần 60 "công ty ma" mua bán hoá đơn cho 360 tổ chức, đối diện khung hình phạt như thế nào?- Ảnh 1.

Công an tỉnh Lai Châu đã khởi tố bị can, bắt tạm giam bị can Trần Anh Tài về hành vi mua bán hóa đơn GTGT số lượng lớn. Ảnh Công an cung cấp

Tại cơ quan điều tra, Tài khai nhận đã móc nối với nhiều đối tượng quản lý, điều hành gần 60 "công ty ma" để mua bán hóa đơn cho 360 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, Tài trực tiếp thành lập, điều hành 04 công ty trên địa bàn tỉnh Long An và TP Hồ Chí Minh nhằm mua bán trái phép hóa đơn GTGT.

Từ năm 2020 đến nay, thông qua các "công ty ma", Tài đã xuất gần 1.700 liên hóa đơn GTGT bán cho hàng trăm tổ chức, cá nhân mua nhằm mục đích trốn thuế.

Thủ đoạn của các đối tượng là mua lại công ty do người khác thành lập hoặc lấy CCCD của nhiều cá nhân rồi lợi dụng chính sách thông thoáng trong đăng ký thành lập doanh nghiệp để lập ra các "công ty ma" mua bán trái phép hóa đơn GTGT, sau đó lập nick facebook tên khác lên mạng rao bán hóa đơn nhằm che giấu tung tích, lai lịch bản thân.

Quá trình khai báo thuế, Tài khai khống giá trị hàng hóa mua vào gần bằng giá trị hàng hóa bán ra nhằm mục đích không để cơ quan chức năng nghi ngờ, phát hiện.

Hiện, Công an tỉnh Lai Châu đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án

Luật sư Hoàng Anh Sơn cho biết, hóa đơn là chứng từ thu, chi trong doanh nghiệp, là một trong các loại giấy tờ dùng để khấu trừ thuế của doanh nghiệp. Hiện nay tình trạng mua bán hóa đơn nhằm mục đích để trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách nhà nước ngày càng nhiều, đây là hành vi vi phạm pháp luật, là nguồn cơn cho nhiều loại tội phạm khác như Trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản… nên Cơ quan điều tra ở nhiều tỉnh thành đã lần lượt khởi tố nhiều vụ án mua bán trái phép hóa đơn.

Trong đó có vụ án của ông Trần Anh Tài bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lai Châu khởi tố, bắt tạm giam về hành vi mua bán trái phép hóa đơn cho 360 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền hàng trăm tỷ đồng

Trong vụ án này, ông Tài mua bán số lượng lớn hóa đơn và thu lợi bất chính số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự theo Khoản 2, Điều 203 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với khung hình phạt cao nhất lên tới 05 năm tù.

Điều 203: Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước

1. Người nào in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số hoặc thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Hóa đơn, chứng từ ở dạng phôi từ 100 số trở lên hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 30 số trở lên;

đ) Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên;

e) Gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 100.000.000 đồng trở lên;

g) Tái phạm nguy hiểm.

Ngoài ra còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Ngoài ra, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 cũng quy định xử lý với đối tượng phạm tội là pháp nhân, cụ thể, Khoản 4 Điều 203 quy định:

"Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e và g khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem