Đổ xô đi chữa lành tâm linh tại Trung Quốc

Thứ bảy, ngày 20/01/2024 06:38 AM (GMT+7)
Chữa lành bằng tâm linh, thiền định, bùa chú, tarot đang nở rộ ở Trung Quốc. Tuy nhiên, những hệ lụy từ việc thiếu kiểm soát chất lượng ngành này cũng gây nên nhiều tranh cãi.
Bình luận 0

Giữa không gian mờ ảo, được bao quanh bởi nến và những viên pha lê lấp lánh, một "chuyên gia" bắt đầu buổi trị liệu không chính thống với một cặp đôi: Họ phải khiêu vũ để miêu tả cuộc sống thường ngày của mình.

Nằm xuống, người phụ nữ vươn tay như thể đang kéo người chồng về với ngôi nhà trong tưởng tượng của họ, mỗi bước đi và cử chỉ đều phản ánh tình trạng mối quan hệ. Cuối buổi trị liệu, cả hai cùng rơi nước mắt.

Xung quanh họ, hàng chục người đang quan sát trong im lặng và say mê. "Trải nghiệm này là một món quà từ vũ trụ, cơ hội để các bạn khám phá và giải phóng những cảm xúc sâu sắc nhất cho nhau", vị chuyên gia - một phụ nữ trung niên - tuyên bố.

Shu Meng, một người tham gia lớp trị liệu đó, nhớ lại cảm xúc mãnh liệt khi lần đầu chứng kiến. Cô đã trả 2.000 nhân dân tệ (281 USD) cho lớp vào mùa hè năm ngoái và giờ đã là khách quen. "Không khí trong phòng rất mạnh mẽ, tôi hoàn toàn bị cuốn vào khoảnh khắc đó", cô nói.

Trải nghiệm của Shu là sự thu nhỏ của một hiện tượng văn hóa lớn hơn ở Trung Quốc. Để cân bằng giữa một xã hội cạnh tranh quá mức, ngày càng nhiều thanh niên tìm kiếm phương pháp chữa lành tâm linh, bắt nguồn từ niềm tin cá nhân nhiều hơn là căn cứ khoa học.

Đổ xô đi chữa lành tâm linh tại Trung Quốc- Ảnh 1.

Shu Meng trong một buổi trị liệu.

Khắp Trung Quốc, những lớp học chữa lành như vậy nở rộ và được gọi chung là "shenxinling" - có nghĩa "cơ thể, tâm trí và tinh thần", hay thực hành tâm linh.

"Shenxinling" bao gồm những buổi khiêu vũ ngẫu hứng như Shu tham gia, các buổi thiền hoặc đọc bài tarot. Một số người còn chi tiền cho các vật phẩm "thanh tẩy" như pha lê, vòng tay bồ đề và các bùa chú khác với niềm tin chúng sẽ mang lại hạnh phúc.

Sức ảnh hưởng của ngành chữa lành tâm linh không chỉ thành trào lưu trên mạng xã hội mà còn thúc đẩy thị trường các sản phẩm hỗ trợ bùng nổ. Tuy nhiên, có nhiều câu chuyện "tiền mất, tật mang" vì theo đuổi phương pháp này, cũng như sự thiếu kiểm soát của chính quyền đang gây nên làn sóng tranh cãi.

Ngành công nghiệp tỷ USD

Hashtag "thực hành tâm linh" trên ứng dụng Xiaohongshu (tương tự Instagram) có gần 113 triệu lượt xem, tất cả đều liên quan đến chủ đề cải thiện tinh thần, hoàn thiện bản thân và tạo sự bình an nội tâm.

"Thật khó định nghĩa những thứ liên quan đến thực hành tâm linh, chúng quá hỗn tạp", Zhou Xiaopeng, nhà tâm lý học với 18 năm kinh nghiệm, nói.

Giá của chúng không hề rẻ.

Nhiều Influencer khuyến khích người theo dõi mua bùa hoặc vòng tay, thường có giá từ 500 nhân dân tệ trở lên; các buổi trị liệu đặc biệt có giá trên 3.000 nhân dân tệ. Những sản phẩm, dịch vụ này thường được quảng cáo là có nhiều lợi ích khác nhau, từ việc tái hợp vợ chồng đến mang lại tài lộc, xua đuổi bệnh tật.

Ngành này đang mở rộng nhanh chóng. Theo công ty tư vấn Frost & Sullivan, thị trường dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần toàn diện của Trung Quốc, bao gồm các hoạt động tâm linh, sẽ đạt 10,41 tỷ nhân dân tệ (gần 1,5 tỷ USD) vào năm 2025.

Cuộc khảo sát được công bố vào tháng 2/2023 liên kết sự tăng trưởng của ngành với một số yếu tố như: số lượng lớn người dân Trung Quốc bị trầm cảm; sự thay đổi trong mô hình tiêu dùng công cộng hướng đến dịch vụ này.

Đổ xô đi chữa lành tâm linh tại Trung Quốc- Ảnh 2.

Thực hành tâm linh được nhiều người trẻ lựa chọn vì chi phí rẻ hơn so với tư vấn tâm lý chính thống.

Tuy nhiên, nhiều báo cáo liên quan đến dịch vụ chữa lành tâm linh chất lượng thấp, thậm chí khiến khách hàng đổ nợ đã khiến công chúng phẫn nộ. Thực tế này buộc các nhà quản lý phải vào cuộc.

Chính quyền đang áp đặt các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với những nội dung tâm linh, bao gồm cả việc đọc tarot và sử dụng tinh thể, những thứ thường được dán nhãn là mê tín.

Bất chấp sự phản đối, ngành thực hành tâm linh vẫn phát triển, bởi tư vấn tâm lý chuyên nghiệp ở Trung Quốc vẫn còn đắt đỏ và tốn kém khiến người trẻ khó tiếp cận. Nhóm khách có tài chính hạn chế chỉ có thể chuyển sang các biện pháp tâm linh với giá cả phải chăng hơn.

Tháng 9/2023, một người phụ nữ đã phơi bày câu chuyện cô đốt hết tiền vào một hội thảo tâm linh.

Năm 2022, cô gái tên Yuzi đã bỏ việc để tham gia hội thảo của Xuebamao - một người nổi tiếng trong ngành thực hành tâm linh. Khi đó, trong tay Yuze chỉ có hơn 4.000 nhân dân tệ tiền tiết kiệm.

Trong các buổi trò chuyện, cô được chuyên gia khuyến khích chi tiền cho những món đồ như đồng hồ xa xỉ và khách sạn theo nguyên tắc "chi càng nhiều thì càng kiếm được nhiều".

Nhiều tuần sau, Yuzi ngập trong nợ nần.

Câu chuyện được chia sẻ đã gây ra cuộc tranh luận rộng rãi. Nhiều dân mạng đắt câu hỏi về đạo đức của các "chuyên gia" và phán xét người tham dự. Tài khoản mạng của Xuebanmao cũng ngập tràn bình luận chỉ trích, phản hồi tiêu cực.

Thực hành tâm linh thay vì tư vấn tâm lý

Nhưng Shu (27 tuổi, đến từ tỉnh Sơn Tây) nói với Sixth Tone: "Tôi là một phần của cộng đồng Xuebanmao, chẳng có gì phải xấu hổ về điều đó". Ban đầu, cô đóng phí 300 nhân dân tệ để tham gia cộng đồng này, sau đó tăng lên 3.000 tệ, rồi thêm 3.000 tệ nữa cho các khóa học tiếp theo.

Shu bắt đầu quan tâm đến thiền vào cuối năm 2020. Cô nghiên cứu các phương pháp thực hành tâm linh vào năm 2021 khi còn là sinh viên nghiên cứu điện ảnh, phải vật lộn với áp lực căng thẳng của mùa tuyển dụng.

Trên mạng xã hội, Shu thẳng thắn chia sẻ kinh nghiệm của mình với nhiều phương pháp chữa bệnh khác nhau, nói về cách chúng biến cô thành một người tự tin hơn.

Theo He Jingzhao, một cố vấn tâm lý được chứng nhận có trụ sở tại thành phố Quảng Châu, cần phải hiểu tại sao rất nhiều thanh niên Trung Quốc đang chuyển sang các phương pháp không chính thống như vậy.

"Thay vì chỉ trích giới trẻ chi tiêu cho các dịch vụ này, chúng ta nên xem xét tại sao họ lại tìm kiếm sự an ủi tâm lý như vậy. Ngành công nghiệp này đã tồn tại hơn một thập kỷ là có lý do. Nó phản ánh thời đại của chúng ta, nơi mà giới trẻ nói riêng ngày càng tập trung vào sự cân bằng nội tâm", ông nhấn mạnh.

Đổ xô đi chữa lành tâm linh tại Trung Quốc- Ảnh 3.

Các chuyên gia cho rằng thay vì chỉ trích, người ta nên tìm hiểu tại sao giới trẻ thà đổ tiền vào liệu pháp tâm linh hơn trị liệu tâm lý.

Trong khi Shu tìm cách giải tỏa áp lực công việc qua thiền định, con đường hướng tới thực hành tâm linh của Wang Ziqi (25 tuổi) xuất phát từ cuộc chiến của cô với chứng trầm cảm.

Wang làm việc ở một công ty công nghệ tại Hàng Châu. Cô thường đến thăm các ngôi chùa và lắng nghe lời khuyên để phát triển năng lực tự nhận thức.

Cô sở hữu rất nhiều vòng tay pha lê, mỗi chiếc được giới thiệu có công dụng khác nhau như "tăng cường khí chất" hoặc "ổn định tâm trí".

Cố gắng kiểm soát chứng trầm cảm của mình, Wang chuyển sang tư vấn chuyên nghiệp vào năm 2021 nhưng cuối cùng quyết định dừng lại.

Theo Wang và 5 người khác được Sixth Tone phỏng vấn, một rào cản phổ biến là cảm giác bị coi là "có vấn đề" trong quá trình tư vấn, khiến họ tìm đến các giải pháp thay thế.

Lin, giáo sư đại học 31 tuổi về công nghệ giáo dục ở Thành Đô, phía tây nam tỉnh Tứ Xuyên, nằm trong số 5 người đã ngừng tư vấn tâm lý chính thống.

"Sự khó chịu của tôi một phần xuất phát từ cảm giác bị người tư vấn đánh giá, thấy mình như một kẻ có vấn đề cần sửa chữa", Lin nói về trải nghiệm khi tìm đi tư vấn tâm lý sau khi đang mối quan hệ tình cảm độc hại.

Lin đã đặt nhiều kỳ vọng, nhưng cách tiếp cận của người tư vấn lại giống như đang la mắng và đánh giá cá nhân hơn là hướng dẫn chuyên môn. Cô cũng cảm thấy thiếu kết nối với người tư vấn, miêu tả thái độ của người đó là "xa cách" và "chỉ trích".

Nhà tâm lý học Zhou Xiaopeng coi sự tăng trưởng của ngành thực hành tâm linh là dấu hiệu cho thấy ngày càng nhiều người thừa nhận vấn đề sức khỏe tâm thần của họ.

Ông nhấn mạnh: “Điều quan trọng là thực hiện các quy định phù hợp để ngăn chặn nội dung không đủ tiêu chuẩn tiếp cận khách hàng”.

Đối với Shu Meng, những môn tập như thiền và tarot giờ đây đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của cô. Cô đầu tư hàng nghìn nhân dân tệ mỗi tháng vào việc thực hành tâm linh và thường xuyên tham dự nhiều buổi hội thảo khác nhau.

"Tôi đã tìm thấy một không gian nơi mọi cảm xúc của tôi đều được chấp nhận mà không phán xét. Không có sự phán xét tốt hay xấu. Đối với tôi, cảm giác được thừa nhận đó mới là điều quan trọng", cô nói.

Sách chữa lành tại Việt Nam

Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.

Đinh Phạm

thực hành tâm linh chữa lành tâm linh coi tarot

Bạn có thể quan tâm
Đinh Phạm (lifestyle.zingnews.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem