Doanh nghiệp được hỗ trợ phát triển thị trường đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài
Doanh nghiệp được hỗ trợ phát triển thị trường đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài
Thùy Anh
Chủ nhật, ngày 18/12/2022 13:58 PM (GMT+7)
Mỗi năm có hàng trăm nghìn lao động Việt Nam được đi làm việc ở nước ngoài. Thời gian tới, Việt Nam đang có nhiều biện pháp, chính sách nhằm mở rộng và phát triển thị trường đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Theo báo cáo của Cục quản lý lao động ngoài nước, hiện nay lao động Việt Nam đang làm việc ở hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong nhiều năm qua, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đạt được nhiều thành tựu.
Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ đầu năm 2022 tới nay, hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đã đạt được nhiều thành tựu. Hết tháng 11/2022, Việt Nam đã đưa được hơn 120 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, chỉ tập trung ở 3 thị trường lớn là Nhật Bản; Đài Loan; Hàn Quốc...
Ông Lê Nhật Tân - Phó giám đốc Công ty Cổ phần phát triển nguồn nhân lực LOD cho biết, những năm gần đây, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đang dần chuyển hướng từ số lượng sang chất lượng. Điều này cũng khiến cho số lượng lao động đi giảm đi. Ông Tân lấy một ví dụ cụ thể: "Nếu trước đây lao động đi làm việc Nhật Bản, hoặc Đài Loan chỉ làm hợp đồng 3 năm thì nay với lao động có kỹ năng, tay nghề có thể được gia hạn visa lên tới 5 năm. Khi lao động cũ được gia hạn tiếp tục làm việc, không về nước thì các lao động mới không thể sang tiếp do nhu cầu của phía bạn hạn chế. Chính bởi lý do này, việc mở rộng thị trường xuất khẩu lao động mới là việc cực kỳ quan trọng".
Theo dự báo, năm 2023, hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ phát triển mạnh mẽ. Theo đó, ngoài thị trường truyền thống chủ yếu dành cho lao động phổ thông, thị trường lao động chất lượng cao dành cho lao động có tay nghề cũng sẽ được mở rộng.
Nhận định về thị trường XKLĐ trong năm 2023, ông Nguyễn Du - Viện trưởng Viện Kinh tế và Công nghệ Đông Á, cho biết, nhiều nước châu Âu đang tăng cường mời gọi lao động Việt Nam bằng nhiều hình thức.
Ví dụ như Đức, cuối tháng 11/2022 vừa qua, chính phủ nước này đã quyết định "những điểm chính" về cải cách việc nhập cư lao động có tay nghề. Theo đó, việc học tập hoặc đào tạo nghề của người nước ngoài tại Đức sẽ trở nên dễ dàng hơn. Đây chính là cơ hội tốt cho NLĐ Việt Nam với các ngành như: điều dưỡng, xây dựng, nhà hàng - khách sạn, cơ khí ôtô, chế biến thực phẩm...
Ngoài Đức, các quốc gia như: Australia, New Zealand và Canada, 3 nước phát triển này đang chạy đua trong nỗ lực thu hút lao động nước ngoài để lấp đầy khoảng trống về nguồn nhân lực đang tác động tiêu cực tới tiến trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Năm ngoái, chính phủ Australia đã công bố chương trình thị thực cho lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và lựa chọn Việt Nam là một trong 4 nước ưu tiên tham gia sớm chương trình này. Sau 1 năm hoàn thiện các thủ tục pháp lý, kể từ năm 2023, NLĐ Việt Nam có thể đến Australia làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp với mức thu nhập 80 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, Bộ Di trú Canada cũng vừa công bố kế hoạch nhập cư giai đoạn 2023 - 2025. Trước mắt, Canada đặt mục tiêu chào đón 465.000 lao động nhập cư vào năm sau, con số này sẽ tăng lên 485.000 người vào năm 2024 và 500.000 người vào năm 2025. Đây là một phần trong kế hoạch giải quyết tình trạng thiếu lao động trầm trọng và ứng phó xu hướng già hóa dân số, đồng thời thu hút người nhập cư đến các vùng nông thôn ở Canada.
Doanh nghiệp được hỗ trợ để mở rộng thị trường lao động
Để hỗ trợ doanh nghiệp và các đơn vị khai phá thêm nhiều thị trường XKLĐ mới, Luật Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và Quyết định 40/2021/QĐ-TTg cũng có quy định hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường lao động.
Khoản 3, điều 4 quy định về chính sách của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Luật số 69) có quy định việc mở rộng hợp tác quốc tế trong hoạt động phát triển thị trường lao động mới, an toàn, việc làm có thu nhập cao, ngành, nghề, công việc cụ thể giúp nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Khoản 2, điều 67, Chương V, Luật Đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có quy định cụ thể nhiệm vụ của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước. Theo đó, quy định Quỹ thực hiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện khai thác, phát triển, ổn định thị trường lao động ngoài nước.
Điều 16, mục 2 của Quyết định 40 quy định cụ thể về nguyên tắc hỗ trợ doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Theo đó, doanh nghiệp được hỗ trợ cần phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đóng góp Quỹ theo quy định. Sau đó, doanh nghiệp có thể được hỗ trợ 1 lần trong 1 năm cho từng thị trường quy định tại Điều 17 Quyết định này.
Điều 17 của Quyết định 40 quy định hỗ trợ khai thác, phát triển và ổn định thị trường lao động ngoài nước. Theo đó, các doanh nghiệp tham gia các hoạt động khai thác, phát triển thị trường mới, mở rộng và ổn định thị trường lao động ngoài nước, tham gia khảo sát, đánh giá thị trường đang tiếp nhận lao động Việt Nam do Bộ LĐTBXH và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tổ chức, được hỗ trợ tiền vé máy bay khứ hồi cho 1 nhân viên của doanh nghiệp theo chi phí thực tế nhưng tối đa bằng giá vé hạng phổ thông của hãng hàng không có khai thác hoặc liên kết khai thác chuyến bay từ Việt Nam đến quốc gia, vùng lãnh thổ công tác.
Về điều kiện hỗ trợ, trong thời gian 15 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc chuyến công tác, doanh nghiệp gửi văn bản đề nghị hỗ trợ theo mẫu, kèm theo 1 bộ hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo một trong các hình thức: trực tuyến, trực tiếp hoặc qua bưu chính tới Cơ quan điều hành Quỹ.
Các doanh nghiệp đánh giá cao ý nghĩa của các chương trình hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước. Điều này góp phần mở rộng thị trường mới, đưa nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.