Lao động đi làm việc ở nước ngoài được hỗ trợ những gì?
Lao động đi làm việc ở nước ngoài được hỗ trợ những gì?
Thùy Anh
Thứ bảy, ngày 17/12/2022 06:00 AM (GMT+7)
Người lao động đi làm việc ở nước ngoài được hỗ trợ cung cấp thông tin về các thị trường lao động, đồng thời cũng được hỗ trợ các chi phí học tiếng, kỹ năng nghề, vay vốn... Ngoài ra lao động còn được hỗ trợ tiền, hỗ trợ tư vấn pháp lý khi gặp rủi ro... theo Quyết định 40/2021/QĐ-TTg.
Lao động đi làm việc ngoài nước tìm kiếm các thông tin hỗ trợ
Lao động Trần Tuấn Anh (25 tuổi), người dân tộc Tày (Lào Cai) đang tìm hiểu và muốn đi làm việc ở Nhật Bản. Tuấn Anh cho biết, gia đình anh khá khó khăn, thuộc hộ cận nghèo nên không có đủ tiền học tiếng và đóng tiền đi làm việc ở Nhật.
Các khoản tiền học chi phí để đi làm việc ở Nhật lên tới cả trăm triệu đồng. Điều mà anh quan tâm lúc này là làm thế nào để có thể vay được số tiền trên với lãi suất ưu đãi. Anh cũng quan tâm tới các quyền lợi và nghĩa vụ của lao động đi làm việc ở nước ngoài.
"Đặc biệt là các chính sách hỗ trợ lao động trong trường hợp không may gặp rủi ro khi đi làm việc ở nước ngoài. Tôi đang tìm hiểu thông tin về các chương trình hỗ trợ của Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước", anh Tuấn Anh nói.
Điều 4, Luật đưa Người lao động Việt Nam đi làm việc ở ngoài nước theo Hợp đồng số 69/2020/QH14 có quy định khuyến khích nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; phát huy và sử dụng hiệu quả nguồn lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài trở về.
Cụ thể, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong một số ngành, nghề, công việc cụ thể có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hoặc Việt Nam có ưu thế được hưởng một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút, thúc đẩy và hỗ trợ phát triển ngành, nghề, công việc để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và sử dụng người lao động sau khi về nước phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.
Lao động được bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân Việt Nam trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đồng thời các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được mở rộng hợp tác quốc tế trong hoạt động phát triển thị trường lao động mới, an toàn, việc làm có thu nhập cao, ngành, nghề, công việc cụ thể giúp nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phải đảm bảo bình đẳng giới, cơ hội việc làm, không phân biệt đối xử trong tuyển chọn. Lao động đi làm việc ở nước ngoài phải đảm bảo được bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng trước khi đi làm việc. Đồng thời cơ quan quản lý có biện pháp hỗ trợ bảo vệ người lao động Việt Nam ở nước ngoài phù hợp với các đặc điểm về giới.
Lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài về nước được hỗ trợ hòa nhập xã hội và tham gia thị trường lao động sau khi về nước.
Ngoài ra, Luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng có quy định quyền và nghĩa vụ cụ thể của lao động khi đi làm việc tại nước ngoài.
Điều 51, Luật 69 có quy định lao động được hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài và được hỗ trợ cung cấp thông tin chính sách có liên quan về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước mà người lao động đến làm việc, pháp luật và thông lệ quốc tế trong thời gian làm việc ở nước ngoài; được tư vấn, hỗ trợ để thực hiện quyền, nghĩa vụ và hưởng lợi ích trong hợp đồng lao động.
Lao động cũng được hưởng quyền lợi từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, quyền lợi khác theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
Ngoài ra, các lao động còn được hỗ trợ vay vốn, đào tạo kỹ năng nghề, học tiếng... để đi làm việc tại nước ngoài.
Song song với quyền lợi, lao động cũng phải có nghĩa vụ hoàn thành các nghĩa vụ của mình như ký hợp đồng lao động; thực hiện đóng góp các khoản tiền phí dịch vụ; tiền ký quỹ cọc; tiền đóng góp vào Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định của Luật này... và nhiều nghĩa vụ khác có liên quan.
Điều 66, Chương V của Luật Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng có những quy định về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước.
Đặc biệt, Quyết định 40/2021/QĐ-TTg có quy định hỗ trợ cụ thể cho lao động đi làm việc ở nước ngoài không may gặp rủi ro, như bị tai nạn lao động, tử vong hay gặp phải các vướng mắc, tranh chấp pháp lý. Mức hỗ trợ tùy từng vụ việc.
Điều 10 của Quyết định 40 quy định: Hỗ trợ người lao động phải về nước trước thời hạn do bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, ốm đau, bệnh tật đến mức không còn khả năng tiếp tục làm việc ở nước ngoài. Mức hỗ trợ: từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng/trường hợp.
Hỗ trợ người lao động phải về nước trước hạn vì người sử dụng lao động ở nước ngoài bị giải thể, phá sản hoặc thu hẹp sản xuất do thiên tai, dịch bệnh, bất ổn chính trị, chiến tranh, suy thoái kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng khác, mức hỗ trợ từ 7 - 20 triệu đồng/1 trường hợp.
Ngoài ra lao động cũng được hỗ trợ tiền thuê luật sư, trả án phí, hay tư vấn pháp lý khi đối mặt với các vụ tranh chấp. Lao động còn được hỗ trợ chi phí thuê nhà ở nếu không có nhà ở trong quá trình tham gia kiện tụng.
Mức hỗ trợ bằng 50% chi phí thuê luật sư, tư vấn pháp lý, án phí nhưng tối đa 50.000.000 đồng/vụ việc; trường hợp vụ việc liên quan đến nhiều người lao động, mức hỗ trợ tối đa 100.000.000 đồng/vụ việc.
Trên đây là tất cả những hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài mà lao động cần biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.